Thách thức trong nghiên cứu đột biến gien ở vi-rút SARS-CoV-2

Qua hơn tám tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan trên toàn thế giới, các nhà khoa học đã và đang nỗ lực trong nghiên cứu vai trò của đột biến gien xuất hiện ở vi-rút SARS-CoV-2 cũng như chạy đua trong công cuộc tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19.

Kể từ khi xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế và đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân tại hầu hết các nước trên thế giới. Cho đến nay, đã có hơn 22 triệu người trên thế giới nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, hơn 791.000 người chết và con số này vẫn tăng lên mỗi ngày. Các nhà khoa học trên toàn thế giới đã khám phá được rất nhiều điều về vi-rút SARS-CoV-2, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đang tìm câu trả lời, như: vi-rút đã xuất hiện những đột biến đáng lo ngại nào chưa, liệu các đột biến gien SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến khả năng lây truyền và độc lực của chúng hay không, hiệu quả của các loại vắc-xin đang phát triển hiện nay như thế nào.

Các nhà khoa học đã chứng minh, tất cả các vi-rút đều xuất hiện các đột biến gien khi chúng lây nhiễm sang người và vi-rút SARS-CoV-2 không phải là ngoại lệ. Đột biến gien là những biến đổi trong cấu trúc của gien xảy ra tại một điểm nào đó trong bộ gien và có liên quan sự thay đổi về số lượng, thành phần và trật tự các nu-clê-ô-tít trong gien.

Vi-rút SARS-CoV-2 có bộ gien là ARN, khi xâm nhập cơ thể con người, chúng sẽ sử dụng bộ máy sao chép của tế bào người để nhân lên. Do vi-rút không có hệ thống sửa chữa, cho nên chúng rất dễ xuất hiện các đột biến gien. Đây là một hiện tượng bình thường trong quá trình tồn tại và tiến hóa của nhiều loại vi-rút, bởi nếu chỉ có một biến thể thì hệ miễn dịch của con người sẽ nhanh chóng học được và tạo ra kháng thể để tiến công các biến thể đó nhanh chóng. Từ khi dịch bắt đầu bùng phát, đã có hơn 22 triệu ca mắc, như vậy vi-rút SARS-CoV-2 đã sao chép hàng tỷ lần và đã có nhiều đột biến mới được hình thành.

Do sự đa dạng di truyền của vi-rút SARS-CoV-2 một cách tự nhiên, các nhà dịch tễ học phân tử đã sử dụng những đột biến gien của vi-rút SARS-CoV-2 để truy tìm nguồn gốc và xây dựng biểu đồ phân bố toàn cầu của vi-rút. Hiện, cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID) đã lưu trữ hơn 83.000 trình tự gien của vi-rút SARS-CoV-2 được các nhà khoa học trên toàn thế giới giải trình tự và đăng tải. Các trình tự này đang được các nhà khoa học xem xét kỹ lưỡng để hiểu mối quan hệ di truyền, tiến hóa của chúng thông qua các hệ thống phân loại. GISAID đã giới thiệu một hệ thống phân loại vi-rút SARS-CoV-2 với sáu nhánh (clade) chính. Theo cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu GISAID, các nhà khoa học Việt Nam đã đăng tải 32 trình tự gien của vi-rút SARS-CoV-2. Từ trình tự gien của vi-rút và hệ thống phân loại đó, các nhà khoa học hiểu các mối liên hệ về nguồn gốc chủng vi-rút, cũng như mối liên hệ các ca bệnh ở Việt Nam và thế giới.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực theo dõi các đột biến khác của vi-rút SARS-CoV-2 và nghiên cứu các ảnh hưởng của các đột biến này để đề xuất các biện pháp ngăn ngừa chúng. Tuy nhiên, một loại vắc-xin hiệu quả có thể là cách duy nhất giúp thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19. Các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới đang nỗ lực chạy đua tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19 với khoảng 200 vắc-xin đang được phát triển trên toàn thế giới và hàng chục cuộc thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng rõ ràng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn còn một chặng đường dài phía trước.