Tạo chỗ đứng trên thị trường công nghệ cao

Thời gian qua, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) đã xây dựng chiến lược phát triển tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp, gắn liền với phát triển công nghệ lõi, công nghệ mới nhất.

Cán bộ Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel giới thiệu sản phẩm công nghệ mới.
Cán bộ Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel giới thiệu sản phẩm công nghệ mới.

Thành quả bước đầu đem lại là số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp liên tục tăng qua các năm, trong đó đáng chú ý, một số sáng chế đã được bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Sở hữu trí tuệ là công cụ giúp đơn vị tạo chỗ đứng trên thị trường công nghệ cao.

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc VHT Nguyễn Cương Hoàng cho biết, VHT đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bốn bằng độc quyền sáng chế. Các sáng chế là công nghệ lõi ứng dụng trong các lĩnh vực ra-đa, viễn thông, mô hình mô phỏng, gồm: Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến; phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý; phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài ra-đa cảnh giới bờ; cơ cấu trợ lực cho rô-bốt song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp 27 bằng độc quyền sáng chế, 15 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 13 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng qua các năm, riêng năm 2020, đơn vị đã nghiên cứu 48 công nghệ lõi, được cấp 19 bằng độc quyền sáng chế trong nước…

VHT là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển về công nghệ quân sự, công nghệ viễn thông và thiết bị dân dụng, trong đó mục tiêu là nghiên cứu phát triển công nghệ cốt lõi, công nghệ mới. Do đó, việc thực hiện đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ là cơ sở quan trọng để VHT sở hữu công nghệ lõi, sẵn sàng hội nhập thế giới. Trong bối cảnh đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt Nam của người Việt chiếm tỷ lệ chưa cao so với các chủ thể nước ngoài thì việc VHT liên tục tăng đơn đăng ký sáng chế qua các năm, nhất là được bảo hộ độc quyền sáng chế tại Mỹ, được coi là điểm sáng về phát triển tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp. Tuy có đội ngũ nghiên cứu phát triển mạnh, điều kiện hỗ trợ nghiên cứu tốt, nhưng VHT cũng mất 10 năm chuẩn bị để có số tài sản trí tuệ ấn tượng như hiện nay.

Ðánh giá giá trị tài sản trí tuệ của đơn vị, ông Nguyễn Cương Hoàng cho rằng, nếu so với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới thì số sáng chế của đơn vị chưa nhiều do "sinh sau đẻ muộn", nhưng hiện nay, nhiều sản phẩm của VHT có công nghệ hoàn toàn có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới, như sản phẩm ở lĩnh vực quân sự, các máy thông tin, thiết bị ra-đa, thiết bị mô phỏng. Các công nghệ này đã được ứng dụng trong các sản phẩm của VHT cung cấp cho thị trường trong nước và sẵn sàng chuyển giao cho khách hàng.

Giới thiệu tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế đầu tiên được cấp bằng độc quyền tại Mỹ, kỹ sư Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Ra-đa, đại diện nhóm tác giả của sáng chế "Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu…" cho biết, sáng chế này giải quyết bài toán mà ngay các hãng chế tạo ra-đa lớn trên thế giới chưa vượt qua được, đó là phải có giải pháp phát hiện mục tiêu mặt nước, nhất là mục tiêu di chuyển chậm trong môi trường nhiễu. Sản phẩm của VHT tập trung giải quyết hai điểm then chốt, đó là xây dựng thuật toán để phân vùng nhiễu, vùng không nhiễu, chỉ xử lý thông tin của vùng nhiễu để giảm hiệu năng thiết bị và nhận biết dạng nhiễu để có thuật toán phù hợp. Ðặc biệt, sáng chế này không chỉ là các giải pháp, số liệu công bố, mà đã được kiểm nghiệm, áp dụng tại ra-đa VRS-CSX ở Hải Phòng, được đơn vị sử dụng đánh giá tốt hơn từ 3 đến 7% đối với từng loại mục tiêu so với với sản phẩm khác.

Kỹ sư trẻ Cù Xuân Hùng tốt nghiệp thủ khoa Trường đại học Bách Khoa Hà Nội đã "đầu quân" cho VHT được ba năm và sáng chế về cơ cấu trợ lực cho rô-bốt song song là sáng chế đầu tay của anh. Kỹ sư Cù Xuân Hùng cho biết, sáng chế được sử dụng trợ lực cho rô-bốt song song trong lĩnh vực mô phỏng chuyển động góp phần giảm 50% lực tác dụng lên các cơ cấu dẫn động của rô-bốt, giảm 25% chi phí chế tạo, tăng hai lần tuổi thọ cho rô-bốt. Khi sử dụng rô-bốt trong sản xuất ngày càng tăng thì sáng chế càng trở nên có giá trị đối với các hệ thống có tải trọng làm việc lớn. Cũng như các nhóm nghiên cứu khác, Hùng chia sẻ, để có một sáng chế không dễ dàng, mất rất nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, và chỉ có niềm tin chiến thắng, ý chí không bỏ cuộc mới đưa đến thành công. Bên cạnh đó, tinh thần đổi mới sáng tạo rất được VHT tôn trọng và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, góp phần tạo ra các sản phẩm vươn tầm thế giới.

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ cho biết, việc VHT được bảo hộ độc quyền sáng chế ở Mỹ là niềm tự hào về sản phẩm trí tuệ của Việt Nam được bảo hộ ở nước ngoài, nhất là sản phẩm về công nghệ viễn thông, một lĩnh vực dường như độc quyền của các nước phát triển. Việc nộp đơn bảo hộ độc quyền đối với sáng chế là hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Quy trình kiểm duyệt, đánh giá của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ ngặt nghèo nhất thế giới, do đó việc được cấp bằng độc quyền sáng chế ở Mỹ mở ra nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm tại nhiều thị trường trên thế giới. Ðược biết, VHT sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động sáng tạo, với mục tiêu có thêm nhiều sáng chế được bảo hộ độc quyền để khẳng định năng lực công nghệ không chỉ trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài. Với đội ngũ nghiên cứu và phát triển trẻ, tài năng và hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại nhất ở Việt Nam, VHT kỳ vọng tiếp tục sở hữu nhiều công nghệ cốt lõi cho các sản phẩm, rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới.

Hà Linh