Tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các địa phương

NDO -

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với Sở Khoa học và Công nghệ của 63 tỉnh, thành phố về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2021.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, những kết quả đạt được của các Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đã góp phần tích cực trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; là cầu nối quan trọng tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, thực hiện các định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành với các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực và trình độ khoa học và công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ để thúc đẩy đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống.

Các Trung tâm đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; hệ thống các Trung tâm đã làm chủ gần 400 công nghệ; triển khai hơn 14.000 hợp đồng dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ; thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ khoa học và công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn; chủ động liên kết nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Báo cáo tổng kết hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ năm 2021 và định hướng hoạt động đến năm 2025, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, về hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ do các trung tâm thực hiện (trung bình 2.800 hợp đồng/năm) với tổng giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ khoảng 320 tỷ đồng, tăng trưởng 10-12%/năm. Lĩnh vực tư vấn chủ yếu là nông nghiệp, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, an toàn bức xạ, năng lượng, kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, về triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, các trung tâm đã và đang thực hiện 1.030 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực chủ yếu sau: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, điều khiển tự động... đáp ứng yêu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương.

Đáng chú ý, trong năm 2020 và 2021, nhiều Trung tâm đã chủ động hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về ứng dụng, đổi mới công nghệ và thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, các Trung tâm vẫn còn không ít những thách thức cần phải vượt qua. Vấn đề đặt ra hiện nay là sự kết nối chuyển giao công nghệ và đưa sản phẩm vào thị trường chưa nhiều. Đồng thời, việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu và liên kết theo chuỗi giá trị chưa được quan tâm đầu tư; việc chủ động thích ứng như thế nào với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh trong triển khai các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; trình độ đội ngũ cán bộ, viên chức chưa đồng đều, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp còn hạn chế.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận chỉ ra được những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Đó là, việc triển khai các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp căn cơ để triển khai thực hiện ở địa phương. Cùng với đó là giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả của Trung tâm để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; ứng dụng, khai thác hiệu quả nền tảng công nghệ thông tin để phát triển các kênh giao dịch thương mại điện tử đối với các sản phẩm công nghệ của trung tâm, thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh Covid-19. Các đại biểu cũng đã tập trung làm rõ, định hướng hoạt động cho các Trung tâm đến năm 2025 để phát huy hiệu quả tự chủ, thúc đẩy đổi mới, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ quản lý nhà nước tại địa phương.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã lưu ý các Trung tâm chú ý đến hoạt động chuyển đổi số; đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, các Trung tâm là đầu mối thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu giúp cho chuyển đổi số, giúp cho các Sở khác xây dựng cơ sở dữ liệu tại địa bàn, kết nối thành cơ sở dữ liệu của tỉnh, cơ sở dữ liệu của tỉnh kết nối với cơ sở dữ liệu của Trung ương.

Mặt khác, khoa học và công nghệ phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Vì vậy, tất cả các hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cần có sự kết nối, chuyển giao cho doanh nghiệp trên địa bàn địa phương. Theo đó, các Trung tâm là cầu nối, kết nối chặt chẽ với các đơn vị của bộ, giúp cho việc lựa chọn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.