Sơn La thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, hoạt động KH và CN tại tỉnh Sơn La được đổi mới, bám sát yêu cầu của thực tiễn đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Đại diện Nhà máy IC Food Sơn La giới thiệu về sản phẩm rau quả sấy khô làm gia vị mì của Hàn Quốc.
Đại diện Nhà máy IC Food Sơn La giới thiệu về sản phẩm rau quả sấy khô làm gia vị mì của Hàn Quốc.

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ có mô hình trồng rau sạch chất lượng cao, với các vườn cải bắp, cải thảo, cà chua, hành lá xanh mướt dưới chân núi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông sản Stevia Tây Bắc Nguyễn Văn Dân cho biết: Công ty đã xây dựng mô hình canh tác thử nghiệm, rồi chuyển giao công nghệ, quy trình trồng các loại cây nêu trên cho người dân sản xuất. Thấy hiệu quả, người dân đã dần bỏ tập quán canh tác cây ngô, chuyển sang sản xuất rau sạch và an toàn. Hiện tại, một doanh nghiệp của Hàn Quốc đã xây dựng Nhà máy IC Food Sơn La chuyên thu mua, chế biến rau quả sạch làm gia vị mì gói chất lượng cao ngay tại xã Vân Hồ, giúp người nông dân yên tâm về đầu ra nông sản.

Nhiều địa bàn khác của Sơn La cũng đã tận dụng lợi thế về đất, khí hậu áp dụng KH và CN trong sản xuất, hình thành vùng nông sản chất lượng cao. Chẳng hạn như TP Sơn La đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bền vững. Đến nay, có 10 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hoàn thành xây dựng thương hiệu sản phẩm cho bảy đơn vị, tám chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phát triển tám sản phẩm lợi thế. Nhiều sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu, như: cà-phê của Hợp tác xã cà-phê Bích Thao, cà-phê Minh Tiến. Nhờ tập trung nghiên cứu, phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng kém hiệu quả, bước đầu, Sơn La đã thành công với mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã. Năm 2017-2018, sản phẩm nhãn Sông Mã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, hiện đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Đến nay, diện tích nhãn của tỉnh được mở rộng tại hai huyện Mai Sơn, Yên Châu và TP Sơn La, với thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ha. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Mai Sơn cũng cho thu nhập khoảng từ 200 đến 300 triệu/ha. Từ kết quả của dự án tại huyện Mai Sơn, diện tích trồng thanh long ruột đỏ được mở rộng, Hợp tác xã sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP được thành lập. Hiện, diện tích trồng thanh long ruột đỏ của tỉnh là 133 ha. Thanh long ruột đỏ không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất và đang được chào hàng sang một số nước khác.

Các quy trình công nghệ là kết quả nghiên cứu được nhân rộng tại Sơn La như: công nghệ tưới nhỏ giọt I-xra-en; phục tráng các giống lúa nếp đặc sản... Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản được ứng dụng, cho ra các sản phẩm như: rượu vang sơn tra, rượu chuối, chuối sấy Yên Châu, rượu mận, mứt mận Mộc Châu, mật ong Sơn La, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ thủy điện… Từ kết quả dự án “Xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra tại huyện Bắc Yên” và mô hình bảo quản, chế biến và tiêu thụ quả sơn tra, hiện nay, Công ty TNHH Bắc Sơn đang tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra, mỗi năm sản xuất được 90.000 lít rượu táo mèo, 10.000 lít rượu vang, lợi nhuận hằng năm từ 500 đến 700 triệu đồng.

Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Sơn La Phạm Quang An cho biết: Có được những kết quả nêu trên là nhờ ứng dụng KH và CN vào sản xuất. 70% số nhiệm vụ KH và CN được ứng dụng, duy trì, nhân rộng đã góp phần quan trọng trong thực hiện tốt chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng dự án sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố chưa chủ động đặt hàng nhà khoa học, đơn vị tiếp nhận kết quả đề tài và đơn vị chủ trì nghiên cứu chưa quan tâm đúng mức việc chuyển giao ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu.

Để Sơn La phát triển nông nghiệp bền vững, cần tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH và CN, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; ứng dụng phần mềm điều khiển các thiết bị kỹ thuật số trong nông nghiệp. Đồng thời, cần nêu cao hơn nữa ý thức của người sản xuất, nghiêm túc thực hiện cam kết với doanh nghiệp trong việc bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm, gắn kết tốt lợi ích giữa hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp.