Những người nắm giữ "linh hồn" khu dự trữ sinh quyển thế giới

Với hai khu dự trữ sinh quyển vừa được UNESCO công nhận tầm thế giới, tổng số khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đã nâng lên con số 11. Những giá trị về đa dạng sinh học (ÐDSH) và nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam một lần nữa được thế giới ghi nhận trong đó có vai trò to lớn của các nhà khoa học trong việc điều tra, đánh giá tính đa dạng, phong phú, độc đáo các loài động vật, thực vật tại khu dự trữ sinh quyển.

Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật điều tra đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng.
Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật điều tra đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng.

Cũng như nhiều người khác, PGS, TS Lê Xuân Cảnh và nhóm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vui mừng và tự hào khi UNESCO công nhận hai khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam (Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng) vào ngày 15/9 vừa qua bởi Việt Nam đã bảo vệ tốt nguồn tài nguyên sinh vật, nhất là các loài động vật, thực vật quý hiếm trong tự nhiên cho các mục tiêu chung của nhân loại. Nhưng những nhà khoa học như PGS, TS Lê Xuân Cảnh còn có niềm vui của một nhà nghiên cứu đã đánh thức tiềm năng của hệ động vật, thực vật trong tự nhiên cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. "Tôi và nhóm các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chính là những người đã xây dựng hồ sơ cho tỉnh Gia Lai đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản trong nhiều năm của chúng tôi về đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển này. Ðặc biệt, trên cơ sở hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và UBND tỉnh Gia Lai, chúng tôi đã triển khai đề tài "Xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng". Có thể nói những nghiên cứu khoa học của chúng tôi về 1.647 loài thực vật và 413 loài động vật tại khu dự trữ sinh quyển này đã góp phần thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", PGS, TS Lê Xuân Cảnh chia sẻ.

Ðể vượt qua bảy tiêu chí xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành khoa học, nhưng quan trọng nhất là khoa học về sinh thái và tài nguyên sinh vật để làm rõ khu vực đó đại diện cho hệ sinh thái nào, giá trị bảo tồn đa dạng sinh học ra sao. Ðể có dữ liệu, các nhà khoa học đã phải băng rừng, vượt sông, lội suối điều tra, ghi chép, mô tả tỉ mỉ và đưa về nghiên cứu trong nhiều năm. Từ năm 2018 đến 2020, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 17 tuyến điều tra thực vật, đi qua nhiều trạng thái rừng để phát hiện thành phần thực vật rừng, xác định tên cây; điều tra, xác định tên các loài động vật. Nhưng đó chỉ là điều tra bổ sung đánh giá hiện trạng. Trước đó, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã điều tra, đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng ÐDSH cho khu dự trữ sinh quyển này trong giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây. Nhờ những nghiên cứu cơ bản này đã giúp đánh giá nhanh, chính xác hiện trạng ÐDSH và nhận định được xu thế của sự phát triển bền vững của khu dự trữ sinh quyển. Ðồng thời, các điều tra cũng làm cơ sở để phân chia ba vùng bảo vệ phù hợp cho một khu dự trữ sinh quyển mang tiêu chí thế giới.

Theo các nhà khoa học, điều tra tài nguyên động vật bao giờ cũng công phu và gian nan nhất. Quá trình điều tra tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhiều thiết bị để ghi nhận thông tin, thí dụ dùng ống nhòm quan sát hoạt động của các loài thú ngoài thiên nhiên từ 5 giờ đến 11 giờ và từ 16 giờ đến 21 giờ. Chưa hết, còn ghi nhận dấu vết hoạt động của thú như dấu chân, phân, hang, tổ, vết xước trên thân cây và phỏng vấn người dân địa phương, người bảo vệ rừng về các loài thú mà họ đã gặp khi đi rừng,… Những chuyến điều tra như thế là cơ hội để công bố các loài động vật, thực vật mới cho khoa học, ghi nhận các loài quan trọng cần được bảo tồn. Kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy, nhờ bảo vệ rừng tốt, nhiều loài thú đã quay về sống tại Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng. Hiện tại, khu dự trữ sinh quyển này có 33 loài thực vật trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó có hai loài rất nguy cấp, 15 loài nguy cấp và 16 loài sẽ nguy cấp; 65 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên cấp quốc gia và quốc tế. Những con số cho thấy giá trị bảo tồn rất cao của khu dự trữ sinh quyển thế giới này và những nhà khoa học được ví như những người khám phá và nắm giữ "linh hồn" của khu dự trữ sinh quyển vậy. Với tính ÐDSH cao, nơi đây được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, phát hiện ra những bí mật của thiên nhiên mà khoa học hiện chưa biết hết về Kon Hà Nừng.

Thạc sĩ Ðặng Huy Phương, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, khi trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ đem lại rất nhiều cơ hội cho địa phương để làm tốt hai mục tiêu là bảo tồn và phát triển. Mục tiêu của mô hình Khu dự trữ sinh quyển thế giới là kết nối hài hòa giữa bảo tồn ÐDSH với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, khác với cơ chế vận hành "đóng kín" như khu bảo tồn thiên nhiên. Thực tế, các địa phương có khu dự trữ sinh quyển thế giới trước đây đã vận hành theo hướng này, tạo được sinh kế cho người dân như phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống,… từ đó nâng cao ý thức của người dân bảo vệ thiên nhiên để chung sống hài hòa. Nhưng cũng là thách thức cho địa phương phải bảo vệ khu dự trữ sinh quyển theo các tiêu chuẩn của thế giới.

Từ thực tế nghiên cứu và nắm các dữ liệu về ÐDSH tại những vùng khí hậu, địa lý đặc trưng trong cả nước, Thạc sĩ Ðặng Huy Phương cho biết, Việt Nam có cơ hội để bổ sung thêm cho thế giới một số khu sinh quyển khác có tính ÐDSH rất cao, với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ ÐDSH cao nhất thế giới. Việc có nhiều khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận càng chứng tỏ nỗ lực của các nhà quản lý trong bảo tồn ÐDSH và đó cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới ■

HÀ LINH