Nhiều đề xuất thiết thực vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng

NDO -

Liên kết vùng, lan tỏa giá trị phát triển sang các địa phương lân cận; đẩy nhanh xây dựng Cảng Liên Chiểu, xây dựng hầm qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng, đẩy nhanh và mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đầu tư kinh phí cho hoạt động khoa học kỹ thuật… là các ý kiến tâm huyết mà đội ngũ tri thức, nhà khoa học hiến kế cho Đà Nẵng phát triển bền vững.

Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Trí thức khoa học và công nghệ chung tay vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng”.
Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Trí thức khoa học và công nghệ chung tay vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng”.

Sáng 12/5, Thành ủy  Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Tọa đàm “Trí thức khoa học và công nghệ chung tay vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng”. Tọa đàm nhằm huy động đội ngũ tri thức, khoa học hiến kế xây dựng và phát triển thành phố. 

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh: Lãnh đạo thành phố tin tưởng và mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học thành phố tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ hợp lực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xây dựng Đà Nẵng ngày càng phát triển. Lãnh đạo thành phố luôn sẵn sàng tiếp thu, lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, các hội viên của Liên hiệp hội để giúp lãnh đạo thành phố đưa ra những quyết sách phù hợp, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.

“Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố thành phố huy động sức mạnh đội ngũ trí thức thành phố; tiếp tục khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đóng góp, hiến kế nhiều ý tưởng, công trình khoa học xây dựng và phát triển của thành phố trong tương lai, nhất là tham gia phản biện, cho ý kiến đối với quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…”, ông Quảng yêu cầu. 

Theo ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, trong những năm qua, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thành phố phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và cả nước.

Theo thống kê, hiện Đà Nẵng có hơn 300 nghìn người có trình độ đại học trở lên, phân bổ chủ yếu tại khu vực đô thị. Hằng năm, thành phố và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu triển khai hàng chục đề tài khoa học hướng vào phục vụ sản xuất và đời sống; hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh với nhiều công trình, giải pháp khoa học và công nghệ có chất lượng cao được ứng dụng vào đời sống và sản xuất, đạt được nhiều giải thưởng cấp quốc gia và thành phố. Đặc biệt, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội thu hút đông đảo trí thức trên các lĩnh vực tham gia; tư vấn, phản biện nhiều chương trình, dự án, đồ án về kinh tế-xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường, đem lại kết quả tốt. 

Tại tọa đàm này, có 13 tham luận từ các nhà khoa học, giới trí thức khoa học, công nghệ hiến kế cho thành phố. Trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết về phục hồi kinh tế Đà Nẵng sau đại dịch Covid-19, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, dịch vụ; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm, khớp nối giữa các địa phương…

Kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng đề nghị: Sau năm 2025, Đà Nẵng cần nghiên cứu đầu tư xây dựng hầm qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng để giảm áp lực giao thông trung tâm. Nhìn xa hơn sau năm 2025-2030, nếu ga Đà Nẵng đã được di dời ra phía tây theo quy hoạch thì hãy dùng đường sắt hiện có để tổ chức vận tải ô-tô ray từ ga Đà Nẵng đi Hải Vân và đi Trà Kiều hay Tam Kỳ để phục vụ việc đi lại của nhân dân dọc tuyến đường sắt này xem như giao thông đô thị bằng đường sắt tại Đà Nẵng.

GS,TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo đề xuất, thành phố cần đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển khoa học công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không phải là duy nhất. Cần cơ cấu, điều chỉnh lại chính sách đào tạo nhân lực. 

PGS,TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đồng quan điểm trên và cho rằng, Đà Nẵng cần thay đổi tư duy về thu hút và giữ chân nhân tài, lấy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực mới để phát triển bền vững…

Chính quyền thành phố Đà Nẵng khẳng định, sau 25 năm cống hiến và trưởng thành, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thành phố đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn. Kết quả của sự nỗ lực bền bỉ ấy góp phần định vị Đà Nẵng như một trung tâm kinh tế-xã hội-công nghệ của khu vực, tạo nên bản sắc đô thị hạt nhân với các xung lực phát triển mới. 

Nhân dịp này, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng trao tặng Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng bức trướng với nội dung “Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng”.