Chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch

Phát triển dược liệu là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Sơn La. Nhưng để khắc phục những khó khăn về đầu ra cho dược liệu như nhiều địa phương khác, nhiều chuyên gia cho rằng, Sơn La cần đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực này và phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch cộng đồng.

Trồng sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mường La, tỉnh Sơn La. (Ảnh NGỌC VÂN)
Trồng sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mường La, tỉnh Sơn La. (Ảnh NGỌC VÂN)

Theo đánh giá của các chuyên gia, Sơn La có địa hình, khí hậu, sông ngòi, thảm thực vật, cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp cho du khách khám phá. Trong đó, các loại cây dược liệu và những mô hình phát triển dược liệu sẽ có tiềm năng thu hút du khách.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 1.560ha trồng cây dược liệu, đã có nhiều mô hình cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ðơn cử như hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế hợp tác xã trồng và sơ chế cây dược liệu. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, đây là mô hình hiệu quả, người dân được khuyến khích phát triển để nâng cao thu nhập.

Huyện Phù Yên những năm gần đây cũng đã xây dựng nhiều mô hình liên kết trồng cây dược liệu, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy kinh tế của địa phương. Toàn huyện hiện có hơn 100ha trồng cây dược liệu, như sa nhân, an xoa, sả. Hiện, mô hình trồng sa nhân và an xoa đang trong giai đoạn chăm sóc và phát triển ổn định; mô hình trồng sả đã cho thu hoạch, năng suất có thể đạt 20 tấn lá/ha/năm. Huyện cũng hỗ trợ sản xuất, chế biến cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa. Tại huyện Mường La, cùng với các vùng trồng sả, thảo quả, sa nhân, sơn tra, đã có các hợp tác xã chế biến sản phẩm từ cây dược liệu. Ðáng chú ý, sản phẩm "Tinh dầu sả Java Mường La" đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019 và được trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La, việc phát triển vùng trồng dược liệu của tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chủ yếu do kinh nghiệm cá nhân. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có năm cơ sở chiết xuất tinh dầu sả và ba cơ sở nấu cao thực vật, các sản phẩm mới ở dạng tinh dầu thô và cao cô đặc. Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, chiếm gần 80% tổng số hợp tác xã nông nghiệp, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung phát triển dược liệu gắn với du lịch, điểm nhấn là xây dựng một số mô hình phát triển theo chuỗi giá trị một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Ông Lý Ðình Quân, Trưởng làng du lịch-ẩm thực của Techfest 2022 cho rằng, Sơn La có nhiều tiềm năng về dược liệu, có thể cạnh tranh với Tây Nguyên, Hòa Bình, nhưng còn thiếu những chính sách, hoạch định phát triển, khai thác các tiềm năng. Nhiều start-up còn ngần ngại với lĩnh vực này do trở ngại về vấn đề pháp lý, chính sách. Do đó, Sơn La cần có tầm nhìn, chiến lược và nguồn lực, tri thức từ bên ngoài tác động vào địa phương.

Gợi ý một số mô hình về nông nghiệp, dược liệu gắn với du lịch cho Sơn La, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng nông nghiệp thông minh của Techfest 2022 cho rằng, có thể trồng và chế biến cam sinh thái, trồng dược liệu dưới tán cây gắn với du lịch trải nghiệm, trong đó tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm chế biến từ trái cam, sản phẩm chế biến từ dược liệu, tổ chức các hoạt động du lịch kết hợp trải nghiệm hái cam, học tập kỹ thuật canh tác cam sinh thái, cung cấp khép kín các sản phẩm nông dược phục vụ du lịch tại chỗ. Một mô hình khác là ứng dụng công nghệ chế biến chi phí thấp để sản xuất các sản phẩm như dấm mơ, rượu vang mơ… kết hợp các tour tham quan trải nghiệm thu hái và chế biến mơ; ứng dụng các giải pháp số trong tiếp thị, truyền thông sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành mô hình…

Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, lợi thế không phải là bán rẻ mà chính là những sản phẩm mới được làm từ công nghệ mới. Sơn La cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để xử lý và chế biến nguyên liệu thô thành sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm,  đặc biệt, cần tập hợp chuyên gia, cố vấn giải quyết các bài toán nghiên cứu và phát triển từ những ý tưởng đơn giản ban đầu. Máy móc hạn chế thì có thể liên kết, nhân lực trình độ thấp thì có thể đào tạo, quan trọng nhất là phải có ý tưởng thực hiện. Nông nghiệp, dược liệu được đầu tư sẽ trở thành một sản phẩm tốt cho du lịch.