Cần bước tiến mạnh mẽ cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

NDO -

Nhìn lại năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những đóng góp của khoa học-công nghệ đối với sự phát triển của đất nước, nhưng cần chuyển biến rõ rệt hơn trong năm 2022.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Sáng 31/12, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, năm 2021, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. 

Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). 

Trong bối cảnh Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Các dự án, nhiệm vụ của đề án này tập trung phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Cập nhật dữ liệu cho các phân hệ và dự án trên Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối, hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu về Covid-19 cho tất cả các tỉnh, thành phố; triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo Callbot gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao; triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Ở từng lĩnh vực, khoa học-công nghệ có đóng góp rõ nét. Trong đó, nông nghiệp đã nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học-công nghệ từ sản xuất giống, quy trình canh tác, bảo quản, chế biến. Có 54 giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản được chuyển giao cho các doanh nghiệp làm tăng năng suất và chất lượng của sản xuất nông nghiệp, 80 tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng vào sản xuất.

Ở lĩnh vực y tế, các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia thực hiện phát triển vaccine trong nước phòng Covid-19, thuốc điều trị Covid-19; robot hỗ trợ y tế... Các nghiên cứu, phát triển sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ đã kịp thời phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện cấp bách.

Năm 2021, các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước... đã được xây dựng và ban hành.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, trường đại học và viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm về khai thác, phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm chủ lực của địa phương; đề xuất thí điểm mô hình doanh nghiệp spin-off trong trường đại học, các giải pháp để doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng những kết quả đã đạt được của ngành khoa học và công nghệ trong năm qua. Phó Thủ tướng cho rằng, đóng góp của khoa học-công nghệ cần được nhìn cả quá trình. 

Nhìn lại giai đoạn 10 năm, từ 2010 đến 2020, xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có 19% các mặt hàng có công nghệ cao, năm vừa rồi con số này xấp xỉ trên 50%, và sẽ tiếp tục tăng các năm tới. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã từng bước dành quan sự tâm hơn cho khoa học-công nghệ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong năm tới, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều việc phải làm. Đó là cần tiếp tục tăng cường xây dựng pháp luật, cơ chế để có bước tiến thật mạnh mẽ liên quan việc đổi mới, đẩy mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Ngọn cờ lĩnh xướng đổi mới sáng tạo quốc gia Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, cần có giải pháp để doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho khoa học và công nghệ. Để gỡ những vướng mắc, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập hợp các nhà khoa học về lĩnh vực tài chính để có đề xuất cụ thể, và làm việc với Bộ Tài chính. Cùng với đó, là gỡ các vướng mắc trong tổ chức nghiên cứu khoa học trong trường đại học.  

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cần khẩn trương quy hoạch lại toàn hệ thống các cơ sở nghiên cứu trên tinh thần mới và quyết liệt, trong đó có cả cơ sở nghiên cứu trong các doanh nghiệp, khối đại học. 

Nhắc lại cam kết của Bộ Khoa học và Công nghệ cách đây nhiều năm về tiên phong trong quản lý khoa học minh bạch, Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ nhất thiết phải làm đúng như cam kết, đó là tất cả mọi công việc liên quan quản lý khoa học phải có cơ sở dữ liệu, phải minh bạch hóa, công khai hóa, các đề tài tuyển chọn phải có tiêu chí, phản biện phải công khai. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý tăng cường vai trò của các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương, gắn liền với các nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa thiết thực với đời sống. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến tri thức khoa học thường thức, xóa mù tri thức công nghệ, góp phần nâng cao dân trí. 

Phó Thủ tướng mong rằng, năm 2022, ngành khoa học và công nghệ tạo ra bước chuyển biến rất rõ rệt, phải tạo đà cho các năm sau.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang thực hiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học-công nghệ, xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển khoa học-công nghệ, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới... Trong năm 2022, các cơ chế, chính sách giải pháp sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ.