Biến thể của vi-rút và thách thức đối với phát triển vắc-xin

Trải qua hơn một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa và hạn chế sự lây lan của vi-rút. Tuy nhiên, các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 vẫn đang xuất hiện và lây lan ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà khoa học vẫn đang giám sát các đột biến và nghiên cứu về các biến thể mới của vi-rút cũng như đánh giá khả năng bảo hộ của các vắc-xin được phép dùng trước những biến thể mới xuất hiện.

Nghiên cứu về vi-rút SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Nghiên cứu về vi-rút SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Đến nay, vi-rút SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 160 triệu người, khiến hơn ba triệu người chết trên toàn thế giới, và có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân loại. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng đã làm ảnh hưởng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường, gián đoạn đi lại, thương mại, giáo dục và hoạt động kinh tế - xã hội khác.
 
 Vi-rút SARS-CoV-2 không có khả năng tự nhân lên độc lập, thay vào đó, chúng sẽ sử dụng bộ máy sao chép của tế bào người để nhân lên sau khi xâm nhiễm vào tế bào của cơ thể con người. Bộ gien của vi-rút nói chung có cấu tạo là ARN, không có hệ thống sửa chữa sau quá trình sao chép, cho nên chúng rất dễ xuất hiện các đột biến gien sau mỗi lần nhân lên. Sự xuất hiện của những đột biến trong bộ gien của vi-rút SARS-CoV-2 đã dẫn đến sự hình thành các biến thể mới. Có những biến thể mới hình thành rồi biến mất, có những biến thể mới xuất hiện và tiếp tục tồn tại. Đây là một hiện tượng bình thường trong quá trình tồn tại và tiến hóa của nhiều loại vi-rút, bởi nếu chỉ có một biến thể thì hệ miễn dịch của con người sẽ nhận ra vi-rút và tạo ra kháng thể để tiến công biến thể đó nhanh chóng.
 
 Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các đột biến và biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 đã được các nhà khoa học liên tục giám sát thông qua việc giải trình tự chuỗi gien của vi-rút. Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận được nhiều biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 lưu hành tại các quốc gia. WHO cũng đánh giá khả năng lây truyền của các biến thể, biểu hiện lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của những người nhiễm biến thể đó, để đưa ra các biện pháp đối phó, bao gồm chẩn đoán, điều trị và đánh giá hiệu quả của các loại vắc-xin phòng ngừa.
 
 Hiện tại, trên cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID), các nhà khoa học đã đăng tải, lưu trữ hơn 1,5 triệu trình tự gien của vi-rút SARS-CoV-2 được giải trình tự. Các trình tự của vi-rút SARS-CoV-2 lưu hành tại Việt Nam cũng đã được các nhà khoa học tại các cơ sở nghiên cứu trong nước đăng tải trên cơ sở dữ liệu GISAID, qua đó làm sáng tỏ mối quan hệ di truyền, và nguồn gốc của các biến thể này.
 
 Những ngày đầu khi đại dịch vừa xảy ra, một biến thể của SARS-CoV-2 với đột biến D614G trong gien mã hóa protein S đã xuất hiện vào đầu năm 2020 và làm dấy lên những lo ngại về tác động của các biến đổi của vi-rút. Trong khoảng thời gian vài tháng, biến thể mang đột biến D614G đã thay thế dòng vi-rút SARS-CoV-2 ban đầu và đến tháng 6-2020 đã trở thành biến thể lưu hành trên toàn cầu. Các nghiên cứu trên tế bào hô hấp của người và trên mô hình động vật đã chứng minh rằng so với chủng vi-rút ban đầu, chủng vi-rút mang đột biến D614G đã tăng khả năng lây nhiễm, tuy nhiên không gây bệnh nặng hơn hoặc làm thay đổi hiệu quả của các phương pháp chẩn đoán, phương pháp điều trị, vắc-xin hoặc các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cộng đồng.
 
 Đến nay, đã có một số biến thể đáng quan tâm cùng mang đột biến D614G và một số đột biến khác trong gien mã hóa protein S đã được ghi nhận. Chẳng hạn như biến thể B.1.617 xuất hiện tại Ấn Độ - được coi là “biến thể đáng quan tâm”, mang các đột biến D614G, E484Q và L452R. Một số bằng chứng đã chỉ ra rằng, đột biến E484Q của biến thể B.1.617 có khả năng làm giảm hiệu quả bảo vệ của kháng thể đã được sinh ra từ tiêm vắc-xin hoặc từ lần nhiễm bệnh trước đó. Đột biến L452R cho phép vi-rút nâng cao khả năng liên kết giữa protein S của vi-rút với thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào người, dẫn đến việc vi-rút dễ lây nhiễm hơn.
 
 Các loại vắc-xin đang lưu hành được phát triển để phòng ngừa các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng các chuyên gia khẳng định rằng, các vắc-xin hiện tại vẫn có tác dụng bảo vệ nhất định đối với các biến thể mới, tuy mức độ hiệu quả bảo hộ không cao bằng so với các biến thể trước đó. Các chuyên gia cũng tin tưởng rằng các loại vắc-xin hiện tại có thể được điều chỉnh để đối phó tốt hơn đối với các biến thể mới. Cuộc đua giữa việc phát triển vắc-xin và sự biến đổi của vi-rút SARS-CoV-2 vẫn chưa kết thúc. Với những kinh nghiệm đã có, chúng ta hy vọng vắc-xin cho những biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 có thể được phát triển nhanh chóng.