Bắc Giang xây dựng thương hiệu cho nông sản

Là tỉnh trung du miền núi, dân số hơn 1,8 triệu người, trong đó hơn 12% là đồng bào dân tộc thiểu số, 53% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn miền núi. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN phù hợp địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Thu hoạch vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Ảnh: ÐĂNG ANH
Thu hoạch vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Ảnh: ÐĂNG ANH

Lãnh đạo Sở KH và CN Bắc Giang cho biết: Sở đã tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Chương trình nông thôn miền núi có sự gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Chương trình khuyến lâm, khuyến ngư; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); Chương trình nông nghiệp công nghệ cao… Cách làm này nhằm tăng hiệu quả đầu tư các nguồn lực của Nhà nước và huy động cao nhất nguồn lực của xã hội.

Từ năm 2016 đến nay, Bắc Giang triển khai 11 dự án KH và CN, với tổng kinh phí hơn 114 tỷ 250 triệu đồng. Ðáng chú ý, đã huy động được từ người dân và doanh nghiệp hơn 63 tỷ đồng. Các dự án triển khai phù hợp định hướng phát triển KH và CN của tỉnh theo từng giai đoạn và từng năm. Mặt khác, Sở KH và CN tỉnh Bắc Giang đã rà soát, định hướng lựa chọn xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN phù hợp địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Các dự án chú trọng chuyển giao làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân; tăng cường trình độ chuyên môn và năng lực chỉ đạo sản xuất cho đội ngũ khuyến nông cơ sở là người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân tăng rõ rệt. Thông qua chương trình, đã có 18 lượt công nghệ được chuyển giao vào sản xuất, đào tạo hơn 90 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho hơn 2.300 lượt nông dân…

Với các dự án: Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng; sản xuất lúa, gạo chất lượng; mô hình ươm và nuôi thương phẩm cá trắm đen và rô phi đơn tính… đều đang hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ðiển hình, trong hai năm thực hiện sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng, với diện tích 81 ha rau các loại đã cho thu hoạch khoảng 2.167 tấn rau bảo đảm chất lượng. Trong đó, các loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao và hiệu quả kinh tế như cà chua ăn tươi trồng trong nhà lưới (120 tấn), dưa thơm (20 tấn)... Tổng doanh thu bán sản phẩm rau trong dự án đạt hơn 29 tỷ đồng. Qua đó, đã hình thành tập quán sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tiên tiến theo quy trình VietGAP quy mô lớn, tập trung và nhân rộng ra các vùng lân cận; tạo dựng được mô hình liên kết bốn nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Ðáng chú ý, trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, việc triển khai Chương trình nông thôn miền núi gắn với Chương trình OCOP đã giúp các địa phương sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng. Hiện, Bắc Giang đã có 18 sản phẩm nông nghiệp được hình thành thông qua chương trình, như: vải thiều, mật ong, cam, nhãn, bưởi, ổi, lạc, vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên); gạo thơm, rau an toàn Yên Dũng… và sáu sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Một số sản phẩm đã có trang thông tin điện tử, giúp quảng bá thương hiệu rộng rãi. Thông qua các dự án, tỉnh Bắc Giang đã bảo hộ sở hữu trí tuệ cho hàng loạt các sản phẩm đặc sản như: gạo thơm Yên Dũng; rượu Làng Vân; mỳ Chũ… Bên cạnh đó, Sở KH và CN tỉnh Bắc Giang đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế tại một số nước để mở rộng thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 95 sản phẩm OCOP, hơn 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, cho thu nhập tăng từ 5-10 lần so với sản xuất truyền thống. Lãnh đạo Sở KH và CN Bắc Giang cho biết, thời gian tới, ngành KH và CN tỉnh xác định phát triển kinh tế khu vực nông thôn miền núi được ưu tiên hàng đầu để dần xóa bỏ khoảng cách giữa các vùng, miền. Trong đó, tập trung nghiên cứu đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ KH và CN, nhất là áp dụng công nghệ giống, công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm sản, công nghệ cao… tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa.