Về việc phát hiện dầu tại vịnh Bắc Bộ

Vị trí mỏ dầu mới phát hiện ở vịnh Bắc Bộ.
Vị trí mỏ dầu mới phát hiện ở vịnh Bắc Bộ.

- Việc tìm thấy dầu ở giếng Yên Tử không phải là quá bất ngờ đối với tôi. Bởi vì chung quanh đó, cũng đã phát hiện rồi, nhất là ở lớp trầm tích đệ Tam.

Chúng ta hãy tưởng tượng bể sông Hồng là một cái bể lớn chứa khối trầm tích dày trên 3.000m thì dầu khí có thể được tìm thấy ở một số nơi. Phần trong lòng bể (trầm tích), thì ở tầng sâu (3.000m) đã phát hiện ra khí ở mỏ D14 (hay mỏ sông Trà Lý), trữ lượng nhỏ, đang khai thác. Tầng nông 1.000-2.000m có mỏ Tiền Hải C khai thác từ những năm 1980, trữ lượng chỉ vào khoảng 1 triệu tấn dầu quy đổi, sản lượng tới nay có suy giảm. Hai mỏ này chủ yếu cung cấp cho các khu công nghiệp của tỉnh Thái Bình.

Giếng Yên Tử (ở vào khoảng lô 106 thuộc thềm lục địa Bắc Việt Nam, cách cảng Hải Phòng khoảng 70km về phía Đông, ở độ sâu 28m). Chung quanh mỏ Yên Tử đã có một số giếng khoan ở tầng nông của trầm tích, cũng đã phát hiện ra dầu khí. Giếng khoan Hồng Long ở lô 103 cũng tìm thấy dầu. Ở một số giếng khoan quang cảnh thật hoành tráng: lửa cháy ầm ầm, khói bốc lên cao ngất, nhưng do trữ lượng dầu khí dự đoán chưa đạt mức thương mại nếu khai thác riêng lẻ nên chúng ta chưa tiến hành khai thác.

- Vậy điều bất ngờ ở giếng Yên Tử là gì?

- Cái khác ở giếng Yên Tử là có dầu nhẹ với trữ lượng lớn. Một số giếng khoan ở Tiền Hải C cũng có dầu nhẹ, nhưng nằm rải rác chưa có giá trị khai thác công nghiệp, mà chủ yếu chỉ là khí và khí hóa lỏng. Trữ lượng đó cứ theo lời ông Đinh Đức Hữu - chủ tịch thì là lớn, vì thế chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa nảy sinh hoài nghi. Với kiểu cấu trúc của Yên Tử, với những hiểu biết địa chất cho tới nay thì quá ngạc nhiên. Có khi phải xem lại những hiểu biết của mình. Chưa biết con số đưa ra là trữ lượng thu hồi (có khả năng khai thác) hay chỉ là tiềm năng. Theo tôi chưa đủ cơ sở để dự đoán khoa học về trữ lượng vì mới khoan có một giếng, mà theo hợp đồng ký kết dù có tìm được hay không cũng phải khoan ba giếng. Phải tiến hành khoan thêm như vậy thì mới có thể đánh giá, dự đoán được.

- So với trữ lượng dầu của cả nước ta thì giếng Yên Tử có vị trí như thế nào?

- So với cả nước, thì trữ lượng giếng Yên Tử đưa ra như thế cũng là một điểm tích tụ dầu khí thuộc loại trung bình lớn. Lớn nhất là bể Cửu Long, nơi có năm mỏ lớn đang khai thác (Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Hồng Ngọc) có trữ lượng lớn nhất khoảng 900 triệu tấn dầu. Bể thứ hai là Nam Côn Sơn (với mỏ Lan Tây và Lan Đỏ) là mỏ khí, có trữ lượng khoảng 600 triệu tấn đầu quy đổi.

Giếng Yên Tử thuộc bể Sông Hồng gồm một diện tích mênh mông trải dài dưới châu thổ sông Hồng, Vịnh Bắc Bộ và một phần Trung Bộ (vào đến tận biển Quy Nhơn), có trữ lượng khoảng 600-700 triệu tấn dầu quy đổi.

Ngoài ra còn có bể Phú Khánh (nước sâu, khoảng 300 triệu tấn, hoàn toàn chưa khai thác), bể Malay - Thổ Chu và một số nhóm bể khác.

- Tại sao chúng ta chưa đẩy mạnh công tác thăm dò ở Vịnh Bắc Bộ?

- Dầu nằm ở dưới mặt đất nên làm sao biết được. Việc thăm dò dầu khí ở Vịnh Bắc Bộ chưa đều. Chỉ nơi nào có những cái bẫy (là nơi hội tụ điều kiện về địa chất) thì dầu khí mới tích tụ lại. Vì thế người ta thăm dò dầu khí nhờ vào việc khảo sát ở những cái bẫy này. Có cái có cấu tạo hình vòm, có cái bẫy phi cấu tạo khó nhận biết, dầu khí ở dưới đó cũng chia năm xẻ bảy thành nhiều vỉa khác nhau, phải đan dày để tìm kiếm thì mới phát hiện được. Những cái bẫy phi cấu tạo này chưa kiểm tra đánh giá được.

- Gần đây dư luận rất quan tâm đến hiện tượng những dòng khí gas thụt lên từ lòng đất ở Thái Bình, đủ để người dân có thể đun nấu được. Đó có phải là dấu hiệu chứng tỏ vùng hạ châu thổ sông Hồng cỏ trữ lượng dầu khí rất lớn?

- Đó chỉ là khí thoát ra từ những túi khí rất nhỏ, nông, liên quan đến các trầm tích đầm lầy. Đó cũng là một dấu hiệu, nhưng không phải là đáng chú ý lắm. Phải tìm kiếm túi dầu khí ở độ sâu từ 1.000m trở lên mới hy vọng có thể khai thác công nghiệp được.

- Xin cảm ơn ông.