Vaccine phòng sốt rét đầu tiên được WHO cấp phép: Bước tiến lớn trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét

NDO -

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/10 đã ra khuyến nghị tiêm vaccine phòng, chống sốt rét  RTS,S/AS01 cho trẻ em tại các nước châu Phi, đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người này, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi tại "Lục địa Đen". Đây là loại vaccine phòng, chống bệnh sốt rét đầu tiên được WHO cấp phép sử dụng cho tới nay.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Vaccine RTS,S/AS01, còn được biết đến với tên thương mại là “Mosquirix”, do hãng dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh nghiên cứu và bào chế từ năm 1987. Một liều vaccine này gồm 4 mũi tiêm và được tiêm trong 2 năm đầu đời của trẻ.

Quyết định trên được đưa ra sau khi WHO công bố bản đánh giá về một chương trình tiêm chủng thí điểm quy mô lớn được triển khai tại ba nước Ghana, Kenya và Malawi từ năm 2019 với hơn 2,3 triệu liều vaccine phòng sốt rét này.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, sau khi nghiên cứu báo cáo trên, cơ quan này khuyến nghị triển khai tiêm chủng rộng rãi vaccine  RTS,S/AS01 cho trẻ em tại các nước phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, đặc biệt là những nước có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét từ trung bình đến cao.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, cho rằng việc WHO đưa ra khuyến nghị trên mang lại tia hy vọng cho châu Phi, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của căn bệnh sốt rét.

Ông bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều trẻ em châu Phi được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc căn bệnh này và phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh. Ước tính thiệt hại do bệnh sốt rét gây ra tại các nước phía nam sa mạc Sahara là hơn 12 triệu USD mỗi năm. 

Tuy là vaccine sốt rét đầu tiên được cấp phép, nhưng vaccine Mosquirix chỉ có hiệu quả khoảng 30%, cần đến 4  mũi tiêm và kháng thể chỉ tồn tại trong cơ thể ít tháng. Hồi năm 2015, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt loại vaccine này và nhận định rằng lợi ích mà vaccine mang lại vẫn cao hơn rủi ro. 

Theo thống kê của WHO, cứ mỗi 2 phút, trên thế giới lại có một trẻ em tử vong do sốt rét và hơn 50% số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm này vào năm 2019 là tại 6 nước ở phía nam sa mạc Sahara. 

Tháng 4 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford của Anh thông báo đang phát triển một loại vaccine mới phòng bệnh sốt rét, có tên R21/Matrix-M. Theo giới khoa học, kết quả thử nghiệm vaccine này với 450 trẻ em ở Burkina Faso cho thấy hiệu quả lên tới 77%. 

GlaxoSmithKline đã cam kết cung cấp tới 15 triệu liều vaccine sốt rét Mosquirix mỗi năm với giá bán không quá 5% giá sản xuất. GlaxoSmithKline hiện làm việc với các đối tác, nhà tài trợ và chính phủ để hỗ trợ cung cấp thêm vaccine phòng sốt rét.

Theo số liệu của WHO, trong năm 2019, tại châu Phi đã ghi nhận 386.000 người tử vong do sốt rét. Trong 18 tháng qua, con số này là 212.000 người. Trên phạm vi toàn cầu, châu Phi cũng chiếm tới 94% số người mắc bệnh và tử vong do căn bệnh này.

Các nghiên cứu của WHO cũng nhận định để khống chế dịch bệnh, từ nay tới năm 2030, mỗi năm thế giới cần có từ 50-110 triều liều vaccine phòng sốt rét tiêm cho người dân tại các nước có tỷ lệ lây nhiễm từ trung bình tới cao.