Tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị xử lý chất thải lên đến 90%

NDO -

Tại Hội thảo giới thiệu công nghệ về xử lý chất thải của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS,TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường cho biết, ngành môi trường ở Việt Nam tự hào đã làm chủ công nghệ xử lý chất thải, tỷ lệ nội địa hóa đến 90%.

 PGS,TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ.
PGS,TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ.

Thể hiện ở việc sơ đồ công nghệ do trong nước tự đề xuất, các trang thiết bị, đường ống tự chế tạo, tủ điện tự thiết kế mạch điện, còn các vật liệu khác có sẵn trên thị trường. Hiện nay, phần lớn công nghệ xử lý chất thải sử dụng công nghệ trong nước. Riêng công nghệ lò đốt chất thải phát điện đang phải nhập khẩu. Đây là công nghệ mà các nhà khoa học cần nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi giới thiệu công nghệ, PGS,TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các nhà khoa học luôn đồng hành với Chính phủ thực hiện các đột phá của chính sách môi trường đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua năm 2020, dần dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính “sản xuất-sử dụng-thải bỏ” sang nền “kinh tế tuần hoàn”, hướng tới phát triển bền vững.

Các công nghệ xử lý chất thải được lựa chọn giới thiệu trong hội thảo đều xuất phát từ các nghiên cứu qua nhiều thế hệ nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phát triển thành các sản phẩm ứng dụng mang tính hiện đại nhưng đã được “nội địa hóa” cho phù hợp hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam. Các công nghệ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu xử lý môi trường cấp bách ở nước ta, như công nghệ xử lý chất thải rắn (xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại, chất thải công nghiệp); công nghệ xử lý ô nhiễm nước mặt; xử lý nhựa, xử lý khí thải.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học giới thiệu một số công nghệ xử lý chất thải đã được đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao trong các lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải chăn nuôi và chất thải công nghiệp.

Thí dụ, lò đốt VHI-18B xử lý chất thải y tế, và là sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng, đã được triển khai ứng dụng hơn 50 hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại trên cả nước. Lò đốt chất thải rắn nguy hại trong lò không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC với ưu điểm tận dụng nhiệt hoàn toàn mà không cần thiết bị sấy rác phụ trợ.

Tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị xử lý chất thải lên đến 90% -0
 GS,TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường.

Đặc biệt, giới thiệu công nghệ xử lý chất thải để sản xuất khí sinh học phát điện và phân bón phục vụ phát triển nông nghiệp. Công nghệ này đã được xây dựng thành công mô hình phân hủy bùn yếm khí sinh học, thu hồi khí sinh học phát điện quy mô 20kW vận hành liên tục tự động cao đặt tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn-Miền Trung. Công nghệ ủ compost từ rác thải sinh hoạt bằng vi sinh vật nhiệt độ cao; bộ xúc tác xử lý khí thải gây độc hại và ô nhiễm môi trường…

Các doanh nghiệp tham gia đã trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thực tế, giải pháp phát triển và đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mình. 

Đồng hành cùng các nhà khoa học, các đại biểu đến từ Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đưa ra các yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực quản lý của mình đối với công nghệ nhằm giúp các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam định hướng nghiên cứu trong công cuộc bảo vệ môi trường, đưa chất thải thành nguồn tài nguyên tái tạo.

Đáng chú ý, các đại biểu cho rằng, tỷ lệ rác thải chôn lấp hiện nay cho phép chiếm 71%, nhưng sắp tới còn không quá 30% đối với các hệ thống đầu tư mới, vì vậy, đó là cơ hội cho sản xuất để chuyển đổi công nghệ. Các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý khí thải để giải quyết bất cập hiện nay.