Tàu thám hiểm Perseverance thất bại trong lần lấy mẫu đá đầu tiên trên sao Hỏa

NDO -

Tàu thám hiểm sao Hỏa mới nhất của NASA mang tên Perseverance (Sự kiên trì) đã thất bại trong trong nỗ lực thu thập mẫu đá đầu tiên trên hành tinh Đỏ để đưa trở lại Trái đất.

Hình ảnh do tàu thám hiểm Perseverance chụp ngày 6/8 cho thấy lỗ được khoan để chuẩn bị cho nỗ lực đầu tiên của sứ mệnh là thu thập mẫu đá từ sao Hỏa. (Nguồn: NASA).
Hình ảnh do tàu thám hiểm Perseverance chụp ngày 6/8 cho thấy lỗ được khoan để chuẩn bị cho nỗ lực đầu tiên của sứ mệnh là thu thập mẫu đá từ sao Hỏa. (Nguồn: NASA).

Ngày 7/8, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, tàu thám hiểm Perseverance đã khoan vào nền của miệng núi lửa Jezero để lấy một mẫu có kích thước bằng ngón tay từ các phiến đá phẳng. Máy khoan dường như hoạt động như dự kiến, nhưng mẫu đá lại không lọt vào ống đựng đá.

Tàu thám hiểm mang theo 43 ống đựng mẫu và đang khám phá miệng núi lửa Jezero, nơi nó sẽ thu thập các mẫu đá và tầng phong hóa (gồm đá vỡ và bụi) để sau này mang về Trái đất phân tích.

Hệ thống lấy mẫu và bộ nhớ đệm của Perseverance sử dụng một mũi khoan rỗng và một mũi khoan gõ ở cuối cánh tay robot dài 2 m để lấy mẫu. Phép đo từ xa từ máy dò chỉ ra rằng, trong lần thử đầu tiên, hai mũi khoan đã thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, và ống mẫu đã được xử lý như dự định. Các kỹ sư đang làm việc để tìm hiểu điều gì đã xảy ra.

Tàu thám hiểm Perseverance thất bại trong lần lấy mẫu đá đầu tiên trên sao Hỏa -0
Hình ảnh do tàu thám hiểm Perseverance của NASA chụp ngày 6/8, cho thấy ống thu thập mẫu số 233 rỗng, nghĩa là tàu đã không thu thập bất kỳ tảng đá nào trên sao Hỏa trong nỗ lực đầu tiên. (Nguồn: NASA).

Ông Thomas Zurbuchen, Giám đốc khoa học của NASA cho biết: “Mặc dù chiếc ống đựng đá rỗng không phải là điều mà chúng tôi mong muốn, nhưng luôn có rủi ro trong việc khám phá những nền đất mới".

Nhà khoa học dự án NASA Ken Farley cho biết, bước tiếp theo sẽ là sử dụng một máy ảnh gắn trên một cánh tay robot để kiểm tra bên trong lỗ "và xem những gì ở dưới đó". Ông dự đoán, có thể lõi đá bị vỡ, hoặc có thể mẫu đã biến thành cát. Ông nói: “Các đặc tính của đá có thể khác với chúng tôi mong đợi”.

“Nhiệm vụ chưa thành công vì toàn bộ cỗ máy phức tạp này hoạt động tốt, kỹ thuật hoạt động tốt, nhưng có vẻ như hành tinh Đỏ đã không hợp tác”, ông Farley nói và cho biết ông không coi trục trặc này tồn tại lâu dài. "Chúng tôi sẽ kiên trì", đúng như tên gọi của tàu thám hiểm.

Tàu thám hiểm Perseverance thất bại trong lần lấy mẫu đá đầu tiên trên sao Hỏa -0
 Có thể nhìn thấy lỗ khoan từ nỗ lực thu thập mẫu đầu tiên của tàu thám hiểm Perseverance, cùng với bóng của tàu trong hình ảnh do một trong các máy ảnh điều hướng của tàu chụp. (Nguồn: NASA). 

Các sứ mệnh trước đây của NASA trên sao Hỏa cũng đã gặp phải các đặc tính đá gây cản trở trong quá trình thu thập mẫu và các hoạt động khác. Năm 2008, sứ mệnh Phoenix đã lấy mẫu đất "dính" và khó chuyển vào các dụng cụ khoa học trên tàu, dẫn đến phải thử nhiều lần trước khi đạt được thành công. Tàu thám hiểm Curiosity đã khoan vào những tảng đá cứng và giòn hơn mong đợi. Gần đây nhất, đầu dò nhiệt trên tàu đổ bộ InSight, được gọi là "chuột chũi", đã không thể xâm nhập vào bề mặt sao Hỏa như kế hoạch.

Bà Jennifer Trosper, Giám đốc dự án sao Hỏa Perseverance nói: “Tôi đã tham gia mọi sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa kể từ khi bắt đầu và hành tinh này luôn dạy chúng tôi những gì chúng tôi chưa biết về nó. Một điều tôi nhận thấy là, không có gì bất thường khi có những trục trặc trong những hoạt động phức tạp đầu tiên”.

Tàu thám hiểm Perseverance thất bại trong lần lấy mẫu đá đầu tiên trên sao Hỏa -0
 Ông mẫu bên trong lỗ khoan của tàu thám hiểm Perseverance sau khi thực hiện nhiệm vụ khoan ngày 6/8. (Nguồn NASA).

Gần đây, nhóm khoa học của tàu thám hiểm Perseverance đã bắt đầu sử dụng hình ảnh màu từ trực thăng sao Hỏa Ingenuity để giúp trinh sát các khu vực khoa học tiềm năng quan tâm và tìm kiếm các mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Trực thăng Ingenuity đã hoàn thành chuyến bay thứ 11 vào ngày 4/8, bay khoảng 380 mét xuống vị trí hiện tại của nó để có thể trinh sát trên không khu vực phía nam Séítah.

Bước đột phá khoa học ban đầu của tàu thám hiểm kéo dài hàng trăm ngày sao Hỏa, sẽ hoàn tất khi Perseverance quay trở lại địa điểm hạ cánh. Tại thời điểm đó, Perseverance sẽ đi được từ 2,5 đến 5 km và có thể đã thu thập đầy tới tám ống mẫu.

Tiếp theo, Perseverance sẽ đi về phía bắc, rồi phía tây, hướng tới địa điểm của chiến dịch khoa học thứ hai: vùng đồng bằng của miệng núi lửa Jezero. Vùng châu thổ này là tàn tích hình nan quạt của sự hợp lưu của một con sông cổ và một hồ nước trong miệng núi lửa Jezero. Khu vực này có thể đặc biệt giàu khoáng chất cacbonat. Trên Trái đất, các khoáng chất như vậy có thể bảo tồn các dấu hiệu hóa thạch của sự sống vi mô cổ đại và có liên quan đến các quá trình sinh học.

Mục tiêu chính của sứ mệnh của Perseverance trên sao Hỏa là tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống vi sinh vật cổ đại. Tàu thám hiểm sẽ mô tả địa chất và khí hậu trong quá khứ của hành tinh, mở đường cho con người khám phá hành tinh Đỏ và là sứ mệnh đầu tiên thu thập, lưu trữ đá và tầng phong hóa trên sao Hỏa.

NASA đặt mục tiêu thu thập tới 31 mẫu trong các ống và cất giữ trong khoảng một thập kỷ. Các kế hoạch đưa các mẫu thu thập được trở về Trái đất sẽ thuộc một sứ mệnh khác do NASA hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu thực hiện dự kiến vào đầu những năm 2030.