Tàu Bệnh viện hoàn thành chuyến khám bệnh đầu tiên trên biển

NDO -

Hơn 2.000 lượt người đang sống và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vừa được khám, chữa bệnh, trong đó có 100 ngư dân của năm tàu cá đang hoạt động trên Biển Ðông. Ðó là kết quả hải trình khám, chữa bệnh đầu tiên kéo dài 40 ngày của tàu Bệnh viện Khánh Hòa 01 - HQ 561.

Tàu Bệnh viện Khánh Hòa 01-HQ 561.
Tàu Bệnh viện Khánh Hòa 01-HQ 561.

Hải trình thành công  và đáng nhớ

Theo đánh giá của Ðại tá, bác sĩ Khương Văn Chữ, Phó Chủ nhiệm quân y, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác, đây là chuyến khám, chữa bệnh lớn nhất trong lịch sử của Hải quân Việt Nam. Ðoàn gồm 40 người, trong đó có 33 y, bác sĩ của Viện Y học Hải quân (Hải Phòng), Bệnh viện 87 Hải quân (Khánh Hòa) và Ðội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân. Hải trình khám, chữa bệnh của tàu HQ 561 đưa đoàn công tác lên 14 nhà giàn và đến 33 điểm đảo để khám, chữa bệnh cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ và người dân đang sống và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ðáng chú ý, trong chuyến đi trước đó một tháng, đoàn không thể lên được cả hai nhà giàn như mong muốn. Nhưng trong chuyến đi khám bệnh lần này, Ðoàn có thể lên hết 14 nhà giàn. Cán bộ, chiến sĩ đang làm việc tại nhà giàn rất mừng, vì chưa bao giờ họ được khám bệnh một cách toàn diện như thế, điều này giúp họ yên tâm hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo bác sĩ Khương Văn Chữ, phần lớn cán bộ, chiến sĩ đều có sức khỏe tốt, đó là do cán bộ, chiến sĩ ăn uống, sinh hoạt và huấn luyện khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình khám sàng lọc, các bác sĩ đã phát hiện một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ trên biển đảo, nên đề nghị đơn vị chuyển dần vào bờ. Có hai trường hợp nặng, đoàn bác sĩ phải đưa lên tàu Bệnh viện để chuyển vào điều trị gấp. Ðó là một trường hợp tràn dịch màng phổi ở đảo Sinh Tồn được các bác sĩ đưa về Bệnh viện 187. Một trường hợp ở đảo Nam Yết bị tai nạn trong huấn luyện gây chấn thương sọ não được đưa về Bệnh viện 108.

Trong hải trình dài ngày đầu tiên của tàu Bệnh viện Khánh Hòa 01 - HQ 561, hơn 2.000 lượt người được khám, chữa bệnh. Ngoài các cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống trên các đảo, có hơn 100 ngư dân trên năm tàu cá cũng được khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Nhiều ngư dân cho biết cả đời họ chưa bao giờ được khám sức khỏe một cách toàn diện như thế, mà lại khám ngay trên biển, nơi gắn với mưu sinh nhọc nhằn nhưng đầy vinh quang của họ. Ðặc biệt, các bác sĩ tàu Bệnh viện đã cấp cứu thành công cho chín ngư dân trên một tàu cá bị ngộ độc do ăn cá hồng, trong đó có hai người trong tình trạng nguy kịch.

Ngoài nhiệm vụ khám, chữa bệnh, trong chuyến đi này, tàu HQ 561 còn cấp các trang thiết bị quân y, nâng cấp phòng mổ cho các đảo ở Trường Sa. Trong đó có các thiết bị đáng chú ý như: bàn mổ thủy lực kèm bộ chỉnh hình; máy gây mê kèm thở; bốn máy hút dịch điện hai bình; máy điện tim; máy tạo ô-xi khí trời... Dự kiến đầu năm 2014, ba buồng giảm áp sẽ được lắp đặt tại đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Nam Yết nhằm cứu chữa cho ngư dân bị tai biến do lặn sâu.

Có thể phẫu thuật trên biển khi sóng cấp 7

Một trong những hoạt động khá quan trọng của chuyến đi này là phẫu thuật thực nghiệm trên biển để đánh giá tay nghề của phẫu thuật viên và sự sẵn sàng ứng cứu trong các trường hợp gặp nạn trên biển của tàu Bệnh viện. Ba kíp mổ lần lượt thực hiện sáu ca phẫu thuật thực nghiệm trên động vật với những trường hợp giả định như cắt lách, khâu gan, nối ruột, mở khí quản, khâu thủng phổi..., trong điều kiện tàu Bệnh viện đang dừng, đang chạy và cả khi gió bão. Trung úy, bác sĩ Thái Ðàm Lương, người phụ trách y tế của tàu Bệnh viện cho biết, các ca mổ thực nghiệm được thực hiện trên boong tàu, có hôm trời mưa bão, kíp mổ phải di chuyển vào hành lang của tàu, vừa mổ vừa hứng chịu mưa lẫn những trận lắc nhồi dữ dội mùa biển động. Ðó là lần phẫu thuật thử nghiệm đáng nhớ của các chiến sĩ quân y trong cơn bão số 1 vừa qua, khi sóng biển mạnh cấp 6, cấp 7. Ðại tá Khương Văn Chữ cho rằng, thành công trong ca mổ ấy là nhờ các y bác sĩ đã có hơn 20 ngày rèn luyện trên biển trước khi thực hiện ca phẫu thuật. Vì thế, để các chiến sĩ quân y luôn trong tư thế sẵn sàng, cần liên tục có những chuyến đi như thế này. Nhờ những thành công trong sáu lần phẫu thuật thực nghiệm ấy, đoàn công tác đã đi đến khẳng định, các bác sĩ có thể phẫu thuật được trên tàu Bệnh viện trong điều kiện sóng đến cấp 7. Ðó là chưa kể nếu được phẫu thuật trong phòng mổ của tàu Bệnh viện, nơi được chọn đặt ở vị trí trọng tâm của tàu, ít bị nhồi lắc nhất, thì khả năng ca mổ thành công sẽ còn cao hơn nữa.

Ðược hạ thủy từ tháng 4-2012, HQ 561 là tàu Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam, do chính các kỹ sư của Nhà máy Z189 tự thiết kế và chế tạo dựa trên các mô hình tàu bệnh viện nước ngoài và tư vấn của một số chuyên gia quốc tế cũng như trong nước. Và hải trình khám chữa bệnh trên biển đầu tiên vừa qua là dịp để Quân chủng Hải quân đánh giá lại khả năng hoạt động của tàu. Ðại tá Khương Văn Chữ cho biết, hầu như các thiết bị y tế được lắp ráp trên tàu đều hoạt động tốt. Ðại úy Nguyễn Văn Cường, Thuyền trưởng tàu Bệnh viện HQ 561 cho biết thêm, sau một năm hoạt động trên biển, trong tháng 9 và 10 tới đây, tàu sẽ có đợt sửa chữa, bảo dưỡng, nhằm giảm bớt dao động lắc ngang trong điều kiện gió bão; tàu sẽ được lắp đặt thêm vây chống. Khi đó, các ca phẫu thuật có thể thực hiện được cả trong điều kiện sóng gió cấp 8.

Thời gian tới, các chuyến khám, chữa bệnh trên biển được thực hiện thường niên, nhưng sẽ không có những chuyến đi dài ngày như hải trình này nữa mà tách thành từng chuyến ngắn ngày. Mỗi năm, tàu sẽ thực hiện hai chuyến đi khám, chữa bệnh, một chuyến trên quần đảo Trường Sa, một chuyến trên thềm lục địa và nhà giàn DK1, hoặc có thể sẽ mở thêm những hải trình đến vùng biển Tây Nam của Tổ quốc như Côn Ðảo, Phú Quốc...