Sức xuân nhà toán học

Sức xuân nhà toán học

Tự học để thành nhà toán học

Năm 1942, Nguyễn Cảnh Toàn vào học Trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ tú tài toán, gia đình ép ông vào học luật. Ðến Hà Nội học luật, nhưng niềm đam mê toán học vẫn cuốn hút ông. Vừa học luật, ông vừa dành thời gian tự nghiên cứu học thêm toán.

Cuối năm 1946, Chính phủ mở kỳ thi toán học đại cương, Nguyễn Cảnh Toàn đã tham dự và thi đỗ thủ khoa. Ước mơ được học tiếp của ông dang dở, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nguyễn Cảnh Toàn trở về quê vừa tham gia phong trào xóa mù chữ, vừa dạy học cho các em nhỏ. Năm 1947, mặc dù mới chỉ có chứng chỉ Toán học đại cương, nhưng biết ông là một người giỏi toán nổi tiếng, cho nên Sở Giáo dục Khu 4 đã triệu tập Nguyễn Cảnh Toàn về dạy toán cho Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng.

Ba năm sau, ông được Bộ Giáo dục tín nhiệm cử vào Hội đồng giám khảo thi toán đại cương lần đầu tiên của cả nước và được điều lên dạy đại học năm 1951, ở Khu học xá Trung ương, đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc). Ðây là môi trường rất thuận lợi cho ông phát triển tài năng.

Mấy năm sau, Nguyễn Cảnh Toàn về tiếp quản Trường đại học Khoa học Hà Nội. Xuất phát từ vấn đề giảng dạy hình học phi Ơ-clit, ông đi sâu nghiên cứu Ðường và mặt bậc 2 trong hình học, vì vấn đề này, trong tài liệu chỉ có hai trang. Sau sáu tháng lặng lẽ nghiên cứu, Nguyễn Cảnh Toàn đã hoàn thành công trình nghiên cứu với gần 100 trang viết tay. Công trình nghiên cứu của ông được các nhà khoa học đánh giá rất cao.

Cuối những năm 50 thế kỷ trước, một vinh dự lớn đến với nhà toán học trẻ Nguyễn Cảnh Toàn, khi ông là một trong chín cán bộ giảng dạy đại học đầu tiên ở nước ta được Nhà nước đưa sang Liên Xô làm thực tập sinh. Công trình nghiên cứu của ông ở trong nước đưa sang, được Giáo sư người Nga Ba-khơ-va-lốp đánh giá: "Xứng đáng là một luận án tiến sĩ". Kết thúc khóa thực tập sinh, Nguyễn Cảnh Toàn đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Trường đại học Lomonosov, và trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án Phó tiến sĩ tại nước ngoài. Không dừng lại thành công này, ông tiếp tục tự nghiên cứu đề tài Lý thuyết đối hợp bộn.

Với công trình này, trong một chuyến đi công tác tại Liên Xô ba tháng, tháng 6-1963, Nguyễn Cảnh Toàn bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học. Ðây là luận án Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam được làm trong nước và bảo vệ thành công ở nước ngoài. Nguyễn Cảnh Toàn là nhà toán học đầu tiên trên thế giới khám phá ra một không gian kỳ lạ, có mê-trích xạ ảnh, trong đó, mỗi điểm có cái tuyệt đối riêng của nó. Từ không gian cụ thể này, mấy năm sau, ông đã khái quát nên một lý thuyết toán học mới gọi là hình học siêu phi Ơ-clit, bao trùm lên các hình học phi Ơ-clit của Lô-ba-sep-xki và Ri-ơ-man. Có thể nói, đây là một cống hiến lớn lao của Nguyễn Cảnh Toàn đối với nền toán học trong nước và thế giới.

Nhà giáo tâm huyết

Từ nhà giáo cho đến khi giữ các chức vụ quản lý, lãnh đạo trong ngành giáo dục, (từ năm 1958 đến 1966, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Toán, sau đó là Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội rồi Thứ trưởng Bộ Giáo dục), GS, TSKH Nguyễn Cảnh Toàn luôn tâm niệm: "Một nhà giáo trước hết phải là một nhà khoa học chân chính, càng giỏi, càng tốt, nhưng phải có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục".

Với quan điểm đó, hơn 60 năm công tác trong ngành giáo dục, GS Nguyễn Cảnh Toàn không hề ngơi nghỉ trên con đường khám phá những ý tưởng mới lạ. Những năm 60 thế kỷ trước, ông là người đầu tiên chủ trương đưa nghiên cứu khoa học vào các trường đại học. Từ kinh nghiệm bản thân và nhu cầu thực tiễn, ông khẳng định: "Thực chất việc giảng dạy ở đại học là nghiên cứu khoa học, vì vậy muốn dạy tốt, phải nghiên cứu khoa học".

Trước thực tế có hàng nghìn cán bộ đủ khả năng và trình độ để làm luận án Phó tiến sĩ, Tiến sĩ, nhưng chúng ta đều phải gửi ra nước ngoài đào tạo, mà chỉ tiêu thì rất hạn hẹp, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã đề xuất chủ trương đào tạo Tiến sĩ trong nước. Bước đầu, nhiều người còn băn khoăn, lo ngại, nhưng khi ba luận án Phó tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ thành công ngày 23-4-1970 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, thì mọi hoài nghi đã chấm dứt. Từ đó, Nhà nước ta chính thức quyết định mở hệ nghiên cứu sinh trong nước. Nhờ đó mà đã có hàng trăm Phó tiến sĩ, Tiến sĩ được đào tạo ở Việt Nam.

Vừa là nhà quản lý, vừa là nhà giáo dục, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã xây dựng được một phong cách giảng dạy mới cho ngành giáo dục - đào tạo. Ðó  là bốn tính cách trong giảng dạy: Tính tư tưởng; tính khoa học; tính thực tiễn và tính sư phạm. Ðây chính là cơ sở, nền tảng cho phương pháp giảng dạy trong các trường học hiện nay.

Không chỉ là người đề xướng nhiều mô hình, phương thức giáo dục khoa học, GS Nguyễn Cảnh Toàn còn là tác giả của nhiều công trình lý luận và quan điểm giáo dục hiện đại. Ông đã biên soạn và viết 26 cuốn sách và hơn 650 bài báo về giáo dục. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được áp dụng rộng rãi trong ngành giáo dục - đào tạo như: Kinh nghiệm tự học, Giáo dục từ xa và chiến lược giáo dục ở nước ta, Bàn về phong cách giảng dạy mới, Vấn đề giáo viên cho vùng xa xôi, hẻo lánh, Dạy chữ, dạy người, Về chiến lược giáo dục để bước vào thế kỷ 21...

Mùa xuân Bính Tuất này, GS, NGND Nguyễn Cảnh Toàn tròn 80 tuổi. Nhưng cây đại thụ trong làng khoa học Việt Nam vẫn tràn đầy sáng tạo và nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.