Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005

Sử thi Tây Nguyên

GS Phan Ðăng Nhật.
GS Phan Ðăng Nhật.

Công trình được tác giả thực hiện từ năm 1986 đến năm 2001, Viện Nghiên cứu văn hóa và Viện Khoa học xã hội Việt Nam là đơn vị chủ trì cụm công trình.

Thông qua cụm công trình nói trên của GS.TSKH Phan Ðăng Nhật, lần đầu tiên, Sử thi Ê Ðê được giới thiệu ra nước ngoài, được các nhà khoa học nước ngoài công nhận là "công trình không những có ý nghĩa đối với phôn-clo Việt Nam, mà còn có ý nghĩa cho cả việc nghiên cứu sử thi nói chung trên thế giới". "Công trình của đồng chí Nhật là tấm gương đi đầu, là điển hình tốt và là động lực cho sự tiếp tục theo hướng này" (GS. TSR.I-va-nô-va, Bulgary).

Tác giả là người đầu tiên thực hiện, xác định và đặt tên ở Việt Nam các loại hình: sử thi cổ sơ, sử thi sáng chế, sử thi thiết chế xã hội, sử thi phổ hệ... ứng dụng lý thuyết vùng văn hóa dân gian để nghiên cứu và công bố Vùng sử thi Tây Nguyên; phát hiện và hệ thống ba nhiệm vụ của người anh hùng trong sử thi: lấy vợ, làm việc và đánh giặc. Phát hiện này thay đổi nhận định từ trước về đề tài và chủ đề của sử thi, trả lại sử thi Tây Nguyên những giá trị và bản chất đích thực của nó, do đó nâng tầm nhân vật anh hùng sử thi lên mức sứ giả thực hiện sứ mệnh lịch sử cao đẹp là phá bỏ tình trạng cát cứ, thống nhất lực lượng, đem lại sự giàu mạnh và no ấm cho Tây Nguyên.

Hội đồng Giải thưởng quốc gia đánh giá: Cụm công trình có những phát hiện mới, góp phần xây dựng những tiêu chí của sử thi, phân tích vai trò, nhiệm vụ của các anh hùng sử thi thông qua các sự kiện lấy vợ, làm việc, đánh giặc. Tác giả đã áp dụng cách phân loại sử thi thế giới để phân loại sử thi Tây Nguyên, đó là sử thi cổ sơ, phân biệt với sử thi cổ đại. Cụm công trình đã có những đóng góp vào việc mở rộng kho tàng sử thi ra các dân tộc khác ngoài Ê Ðê như Ba Na, Mông, Mường, Thái,...

Việc nghiên cứu cấu trúc sử thi cũng là một hướng nghiên cứu mới. Trong cuốn Sử thi Ê Ðê, tác giả đã phân tích sâu sắc và toàn diện sử thi Khan của dân tộc Ê Ðê, xác định những nhân tố xã hội, văn hóa và lịch sử của sử thi. Việc nghiên cứu phôn-clo ở Tây Nguyên rất có ý nghĩa không chỉ với việc nghiên cứu sử thi ở Việt Nam, mà còn cả ở khu vực Ðông - Nam Á.