Hai nữ sinh chiến thắng cuộc thi thiết kế robot đào đất mặt trăng của NASA

NDO -

NASA đã chọn hai nữ sinh trong số 2.300 người có thiết kế dự thi trở thành người chiến thắng trong Cuộc thi Lunabotics Junior, cuộc thi cấp quốc gia tại Mỹ dành cho học sinh về các sứ mệnh Artemis.

Hai nữ sinh chiến thắng cuộc thi Lunabotics Junior là Lucia Grisanti, đại diện cho khối lớp 5 và Shriya Sawant đại diện cho học sinh từ lớp 6-12. Ảnh: Future Engineers.
Hai nữ sinh chiến thắng cuộc thi Lunabotics Junior là Lucia Grisanti, đại diện cho khối lớp 5 và Shriya Sawant đại diện cho học sinh từ lớp 6-12. Ảnh: Future Engineers.

Những người dự thi được giao nhiệm vụ thiết kế một robot để đào và di chuyển đất hoặc tầng phong hóa trên mặt trăng, từ khu vực của Cực Nam mặt trăng đến một thùng chứa gần căn cứ Mặt trăng Artemis trong tương lai.

Cô bé Shriya Sawant, 15 tuổi ở Cumming, Georgia, Mỹ là người chiến thắng khối dự thi từ lớp 6-12 với thiết kế RAD: Regolith Accretion Device. Cô bé Lucia Grisanti, 9 tuổi, đến từ Toms River, New Jersey, Mỹ đã giành chiến thắng ở khối lớp 5 với thiết kế Olympus. Mỗi robot đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu thập và vận chuyển đất trên địa hình mặt trăng hiểm trở.

Người chiến thắng quốc gia từ mỗi khối lớp đã được chọn từ khoảng 2.300 thiết kế dự thi. Hai người được trao giải đã có được một cuộc trò chuyện trực tuyến với bà Janet Petro, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, nơi sẽ phóng các phi hành gia tiếp theo khám phá mặt trăng.

Để chuẩn bị quay trở lại mặt trăng, NASA cần xây dựng căn cứ bằng chính bê tông trên mặt trăng; khai thác nước để sử dụng cho nhiên liệu tên lửa; và chiết xuất các kim loại hoặc khoáng chất có thể có. Cuộc thi yêu cầu sinh viên xem xét các yếu tố độc đáo đối với môi trường mặt Trăng khi tưởng tượng các thiết kế của họ. Gần 500 nhà giáo dục, chuyên gia và những người đam mê không gian đã làm giám khảo tình nguyện để chấm các bài dự thi.

Cô bé Sawant đã thiết kế một robot tự động sử dụng thùng phuy để đào đất theo cách sáng tạo. Thiết kế của nữ sinh này đã giải quyết các thách thức về giảm trọng lực trên mặt trăng, ô nhiễm bụi mặt trăng, điều hướng địa hình gồ ghề và bảo đảm robot luôn cân bằng trong quá trình đào và vận chuyển.

Robot sử dụng năng lượng mặt trời của cô bé Grisanti sẽ dùng các bánh xe có gai để đi trên bề mặt mặt trăng và xúc đất vào một dụng cụ hình nón nhằm tách những tảng đá lớn ra khỏi lớp đất bụi. Cô đặt tên nó là Olympus, theo tên ngôi nhà của Apollo và Artemis trong thần thoại Hy Lạp, cũng là tên của các chương trình khám phá mặt trăng ban đầu và hiện tại của NASA.

Thông qua Thử thách dành cho sinh viên Artemis, NASA đang chào đón thế hệ nhà thám hiểm tiếp theo - Thế hệ Artemis - để tìm hiểu thêm về sứ mệnh mở đường đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên mặt trăng. Cùng với các đối tác thương mại và quốc tế, NASA sẽ thiết lập sự hiện diện bền vững trên mặt trăng để chuẩn bị cho các sứ mệnh lên sao Hỏa.

Ông Mike Kincaid, Phó giám đốc Văn phòng STEM Engagement của NASA cho biết: “Nhìn vào các thiết kế mà những học sinh này đã nộp cho Lunabotics Junior, không thể không vui mừng về tương lai của Thế hệ Artemis. Sự sáng tạo và lòng nhiệt tình tỏa sáng trong ý tưởng của họ trong robot có khả năng khai thác lớp đất mặt trăng”.