Hai mẫu đá sao Hỏa của NASA tiết lộ từng tiếp xúc với nước thời gian dài

NDO -

Tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA hiện đã thu thập được hai mẫu đá. Các dấu hiệu cho thấy chúng đã tiếp xúc với nước trong một thời gian dài, ủng hộ giả thuyết từng có sự sống cổ đại trên hành tinh Đỏ.

Hình ảnh do tàu thăm dò Perseverance chụp ngày 8/9 cho thấy mẫu đá thứ hai được tàu khoan thủng. Ảnh: NASA/JPL.
Hình ảnh do tàu thăm dò Perseverance chụp ngày 8/9 cho thấy mẫu đá thứ hai được tàu khoan thủng. Ảnh: NASA/JPL.

Giáo sư Ken Farley, nhà khoa học của sứ mệnh Perseverance cho biết: “Có vẻ như những tảng đá đầu tiên chúng tôi thu thập được tiết lộ một môi trường có thể duy trì sự sống. Một vấn đề quan trọng là nước đã tồn tại ở đó trong một thời gian dài".

Perseverance thu thập thành công hai mẫu đá đầu tiên

Robot sáu bánh đã thu thập mẫu đầu tiên, được đặt tên là "Montdenier" vào ngày 6/9 và mẫu thứ hai mang tên "Montagnac" từ cùng một tảng đá vào ngày 8/9.

Cả hai mẫu, đường kính rộng hơn một chút so với chiếc bút chì và dài khoảng 6 cm, hiện được lưu trữ trong các ống kín ở bên trong của tàu thăm dò.

Nỗ lực thu thập mẫu đầu tiên vào đầu tháng 8 đã thất bại sau khi tảng đá bị vỡ vụn vì không thể chịu được mũi khoan của tàu Perseverance.

Hai mẫu đá sao Hỏa của NASA tiết lộ từng tiếp xúc với nước thời gian dài -0
Mẫu đá thứ hai được tàu thám hiểm thu thập từ sao Hỏa. Ảnh: NASA/JPL.

Tàu thám hiểm đã hoạt động trong khu vực miệng núi lửa Jezero, phía bắc đường xích đạo và được xác định từng có hồ cách đây 3,5 tỷ năm, khi điều kiện trên sao Hỏa ấm hơn và ẩm ướt hơn nhiều so với ngày nay.

Các mẫu đá đầu tiên được tìm thấy có thành phần là đá bazan và có khả năng bắt nguồn từ các dòng nham thạch của núi lửa.

Đá núi lửa có chứa các khoáng chất tinh thể hữu ích trong việc xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ.

Điều này có thể giúp các nhà khoa học xây dựng một bức tranh về lịch sử địa chất của khu vực, như thời điểm miệng núi lửa hình thành, khi hồ xuất hiện và biến mất, và khí hậu thay đổi như thế nào theo thời gian.

Những hóa thạch này sẽ đại diện cho bằng chứng thuyết phục đầu tiên rằng sự sống đã từng tồn tại bên ngoài Trái đất.

Nước từng tồn tại khoảng thời gian dài trên sao Hỏa

Hai mẫu đá sao Hỏa của NASA tiết lộ từng tiếp xúc với nước thời gian dài -0
Ảnh ghép do tàu thám hiểm Perseverance của NASA chụp về khu vực lấy mẫu đá. Ảnh: NASA/JPL.

Trong cuộc họp báo ngày 11/9, Tiến sĩ Katie Stack Morgan, nhà địa chất của NASA nói: "Một điều thú vị về những tảng đá này là chúng có dấu hiệu tương tác bền vững với nước ngầm".

Trước đây, các nhà khoa học đã từng cho rằng miệng núi lửa Jezero có sự tồn tại của một hồ nước, nhưng không thể loại trừ khả năng hồ nước này chỉ tồn tại trong vòng 50 năm khi nước lũ lấp đầy miệng núi lửa.

Tuy nhiên, mức độ thay đổi mà các nhà khoa học nhìn thấy trong đá cung cấp các mẫu lõi, cũng như trong đá mà nhóm đã nhắm mục tiêu trong nỗ lực thu thập mẫu đầu tiên, cho thấy rằng nước ngầm đã có từ rất lâu.

Tiến sĩ Stack Morgan nói thêm: “Nếu những tảng đá này tiếp xúc với nước trong thời gian dài, những hốc có thể sinh sống được bên trong những tảng đá này có thể hỗ trợ sự sống của vi sinh vật cổ đại”.

Các khoáng chất muối trong lõi đá có thể đã giữ lại các bong bóng nhỏ của nước trên sao Hỏa cổ đại.

“Muối là khoáng chất tuyệt vời để bảo tồn các dấu hiệu của sự sống cổ xưa trên Trái đất và chúng tôi hy vọng điều tương tự cũng có thể đúng với các loại đá trên sao Hỏa”, bà Stack Morgan cho biết thêm.

Tàu thám hiểm Perseverance tiếp tục thực hiện sứ mệnh thu thập mẫu đá

Hai mẫu đá sao Hỏa của NASA tiết lộ từng tiếp xúc với nước thời gian dài -0
 Mẫu đá đầu tiên của tàu Perseverance được nhìn thấy bên trong ống titan. Ảnh: NASA/JPL.

NASA đang hy vọng sẽ đưa các mẫu trở về Trái đất để phân tích sâu trong phòng thí nghiệm trong một sứ mệnh chung với Cơ quan Vũ trụ châu Âu vào khoảng những năm 2030.

Tiến sĩ Mitch Schulte, nhà khoa học thuộc sứ mệnh sao Hỏa của NASA cho biết: “Những mẫu này có giá trị cao khi được mang trở về Trái đất và đưa vào phân tích trong phòng thí nghiệm trong tương lai. Một ngày nào đó, chúng ta có thể tìm ra trình tự và thời gian của các điều kiện môi trường mà các khoáng chất của mẫu đá này đại diện. Điều này sẽ giúp trả lời câu hỏi khoa học toàn cảnh về lịch sử và sự ổn định của nước lỏng trên sao Hỏa”.

Cơ quan vũ trụ NASA có kế hoạch thu thập 43 mẫu khoáng chất trong vài tháng tới từ tầng của miệng núi lửa Jerezo, một lưu vực rộng nơi các nhà khoa học cho rằng có nước chảy và sự sống của vi sinh vật có thể đã phát triển hàng tỷ năm trước.

Tàu thám hiểm Perseverance là chiếc thứ năm và phức tạp nhất cho đến nay mà NASA đã phóng lên sao Hỏa. Tàu thăm dò đầu tiên là Sojourner đã được phóng lên sao Hỏa vào năm 1997, hạ cánh xuống miệng núi lửa Jerezo sau chuyến bay dài 293 triệu dặm từ Trái đất.

Hệ thống lấy mẫu và bộ nhớ đệm của tàu Perseverance gồm hơn 3.000 bộ phận, được giám đốc tạm thời của Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA, Larry James, mô tả là "cơ chế phức tạp nhất từng được phóng vào không gian".

Chiếc tàu thăm dò 6 bánh cũng sẽ khám phá những bức tường trầm tích lắng đọng dưới chân một vùng châu thổ sông còn sót lại từng được khắc sâu vào một góc của miệng núi lửa, và nơi này được coi là một điểm nghiên cứu chính.

Sưu tập các mẫu đá trên sao Hỏa được NASA xác định là trọng tâm của dự án Perseverance trị giá 2,7 tỷ USD.