Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia

NDO -

Ngày 22-7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu dự Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020
Các đại biểu dự Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì.

Dự Diễn đàn có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đại sứ, khách mời quốc tế và đông đảo lãnh đạo  doanh nghiệp năng lượng.

Buổi sáng, phiên toàn thể của Diễn đàn tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy và 30 điểm cầu quốc tế tại 15 quốc gia.  Chiều cùng ngày, diễn ra bốn hội thảo chuyên đề về: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng; phát triển điện gió; phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Trong khuôn khổ Diễn đàn có Triển lãm về các mô hình, công nghệ năng lượng hiện đại.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020, đồng chí Nguyễn Văn Bình nêu bật ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết 55, nhấn mạnh năng lượng là ngành kinh tế - kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn chặt chẽ với những hoạt động về chính trị - ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế, tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.

Trong thời gian qua, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các định hướng và giải pháp đề ra trong Nghị quyết vào thực tiễn, một số địa phương và doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và kịp thời xử lý, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để phát triển năng lượng.

Việc xây dựng, bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện, nhất là các nguồn điện tái tạo được chú trọng và nâng cao hiệu quả. Nhiều dự án năng lượng sạch và tái tạo quy mô lớn được đề xuất thực hiện phù hợp với những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết 55.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu, để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện và quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 55 có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng. Thông qua Diễn đàn này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình hành động cũng như các cơ chế, chính sách để triển khai cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 55.

Sau khi nghe Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 55, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi các mô hình và cách làm hay trong phát triển năng lượng cũng như kinh nghiệm quốc tế.

Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia -0

Các đại biểu dự Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020

Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế phát triển ngành năng lượng, tập trung vào xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả; cơ chế, chính sách đột phá cho chuyển dịch năng lượng thành công từ chủ yếu là năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo; cơ chế tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển năng lượng quốc gia; vấn đề công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng...

Nhiều chủ doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện; xử lý những vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn.

Các đại biểu cũng quan tâm trao đổi những vấn đề mang tính chiến lược, tạo lập cơ chế, chính sách tạo điều kiện hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế phát triển.

Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm quốc tế về mô hình, cơ chế, chính sách, các giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng, nhất là trong chuyển dịch năng lượng gắn phát triển bền vững; đánh giá, làm rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, diễn ra lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ đầu tư với UBND các tỉnh, thành phố, giữa nhóm các nhà đầu tư trong các dự án năng lượng với nhau và với ngân hàng đầu mối thu xếp vốn.

Đáng chú ý là biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nam và tỉnh Ninh Thuận; Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô giữa Công ty cổ phần Chân Mây LNG và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Hợp tác nghiên cứu đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi Lagan Bình Thuận giữa CIP, Asiapetro, Novasia và UBND tỉnh Bình Thuận; Hợp tác giữa các nhà thầu chế tạo trong nước Vietsovpetro/PVC MS với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió; Hợp tác về việc thu xếp tài trợ 11.000 tỷ đồng giữa Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital thực hiện các dự án năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện áp mái.

Giá trị cam kết trong các biên bản ghi nhớ lên đến hàng chục tỷ USD, thể hiện sự quyết tâm của các địa phương và doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong đầu tư, phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia -0
 Các đại biểu tham quan Triển lãm về các mô hình, công nghệ năng lượng hiện đại.