Cường độ chấn động của các trận động đất tại huyện Kon Plông chưa đến mức nghiêm trọng

NDO -

Nhận định bước đầu của Đoàn công tác liên ngành là động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất thì cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Đoàn công tác làm với đại diện chủ đầu tư thủy điện.
Đoàn công tác làm với đại diện chủ đầu tư thủy điện.

Ngày 10/5, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, đã có kết quả khảo sát đánh giá hoạt động động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và lân cận do Đoàn công tác liên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đoàn Kỹ thuật thực hiện. Nhận định bước đầu của Đoàn công tác liên ngành là động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, Đoàn liên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm việc từ ngày 26 đến 29/4.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 19/4, Đoàn kỹ thuật gồm các chuyên gia, các nhà khoa học do Viện Vật lý địa cầu thành lập đã tổ chức đi khảo sát thực địa, đánh giá hoạt động động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và lân cận, trong đó có hoạt động điều tra trận động đất có độ lớn (M) là 4,5 đã xảy ra vào ngày 18/4. Đoàn kỹ thuật làm việc từ ngày 19 đến 29/4. 

Ngày 28/4, tại tỉnh Kon Tum, Đoàn công tác liên ngành đã có buổi làm việc với đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Kon Tum (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, ở Công thương...) và các chủ đầu tư thủy điện (Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh) để thảo luận về bước đầu nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới. 

Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của động đất, cho đến thời điểm hiện tại có thể kết luận như sau: Các trận động đất xảy ra từ tháng 3/2021 đến 4/2022 có độ lớn (M) từ 1,6 đến 4,5 tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum và lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp V theo thang đo cường độ địa chấn diện rộng MSK-64. Với cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, nhận định bước đầu của Đoàn công tác liên ngành là động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Đoàn liên ngành cũng cho rằng, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh và thủy điện. Đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thủy điện trên địa bàn.

Cường độ chấn động của các trận động đất tại huyện Kon Plông chưa đến mức nghiêm trọng -0
Cán bộ Đoàn công tác thu thập thông tin ảnh hưởng của động đất từ người dân. 

Về các giải pháp giảm thiệt hại do động đất có thể gây ra tại khu vực nêu trên, đến nay, Đoàn kỹ thuật đã làm việc với các bên liên quan về việc thiết lập nhanh mạng trạm quan sát động đất địa phương (dự kiến gồm 8 trạm, trong đó có 3 trạm đã triển khai từ tháng 5/2021) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời. 

Dự kiến trước ngày 20/5, các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu sẽ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận.

Ngoài ra, trên cơ sở khảo sát thực địa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Công văn số 2502/VPCP-NN ngày 21/4/2022 về việc xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, Viện Vật lý địa cầu sẽ đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra” với các nội dung chính là làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận; mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; dự báo xu thế hoạt động động đất; đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.

* Thang MSK-64 phân loại động đất có 12 cấp cường độ chấn động. Động đất có cường độ chấn động cấp V có các tác động như: Phần lớn người trong nhà cảm nhận được, ít người bên ngoài nhà cảm nhận được. Một số người sợ hãi và chạy ra khỏi nhà. Nhiều người đang ngủ tỉnh dậy. Những người quan sát cảm thấy sự rung động hay đu đưa mạnh của toàn bộ nhà cửa, phòng ốc hay đồ nội thất. Các đồ vật treo đu đưa đáng kể. Đồ sứ và thủy tinh kêu loảng xoảng. Cửa sổ và cửa ra vào mở ra hay khép lại. Trong một số trường hợp, các khung cửa sổ bị phá vỡ. Các chất lỏng dao động và có thể trào ra khỏi các đồ chứa đầy. Các con vật nuôi trong nhà có thể cảm thấy khó chịu. Thiệt hại nhẹ đối với một ít công trình xây dựng có kết cấu kém.

*Theo Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, thì rủi ro thiên tai có 5 cấp độ, trong đó, cường độ chấn động cấp V đến cấp VI được xếp vào rủi ro thiên tai cấp độ 1.