Bỏ chuyên môn sâu để xây nền móng rộng

NDO -

NDĐT - Sau 12 năm bôn ba từ Á sang Âu học thạc sĩ, tiến sĩ rồi nghiên cứu về công nghệ hóa học và vật lý kỹ thuật, cuối năm ngoái, TS Giáp Văn Dương trở về Việt Nam và dồn tâm huyết để xây dựng cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà và trở thành cá nhân đầu tiên trên thế giới làm việc này. Anh quan niệm đơn giản rằng: Hàng nghìn người Việt Nam có chuyên môn sâu để nghiên cứu vật lý, nhưng làm giáo dục đến nơi đến chốn và bắt nhịp được thế giới thì rất ít…

TS Giáp Văn Dương.
TS Giáp Văn Dương.

Cần đồng thuận cho một triết lý giáo dục

- Thưa TS Giáp Văn Dương, từ bé đến lớn, anh đã được sống trong môi trường giáo dục như thế nào?

- Tôi trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau, lúc bé học ở trường làng đúng nghĩa, môi trường GD rất Việt Nam, rất miền quê ở miền núi Bắc Giang. Giáo dục với tôi giống như duyên nghiệp, tôi từng đăng ký thi ĐH Sư phạm, nhưng rồi lại học Bách khoa. Học xong ĐH Bách khoa tôi ở lại trường. Sau đó, tôi học cao học ở Hàn Quốc, làm TS ở Áo, rồi sang Anh, Singapore làm việc ở nhiều chuyên ngành khác nhau, lúc đầu là hóa học, sau đó là vật lý, và tự học thêm trong lĩnh vực xã hội. Giờ đây tôi từ bỏ tất cả con đường đó để quay về Việt Nam mở cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà. Nghề sư phạm có một tiếng gọi sâu xa bên trong khiến tôi đã nhiều lần dứt bỏ mà không thoát được.

- Với những môi trường giáo dục khác nhau đó, anh nhận ra điều gì?

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ hóa học ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo); từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore…

- Đầu tiên là một sự đa dạng và phải tôn trọng sự đa dạng đó. Trước đây tôi được dạy người Việt Nam cần cù, thông minh, nhưng sang Hàn Quốc tôi thấy người Hàn Quốc còn cần cù hơn, họ dậy sớm hơn, làm việc khuya hơn, thư viện của họ mở cửa sáng đèn suốt đêm. Nhiều SV Việt Nam không chịu được cường độ làm việc như vậy. Khi tiếp xúc nhiều môi trường GD khác nhau, tôi thấy cần phản tư lại mình, tự truy vấn lại mình.

- Anh từng nói về thực trạng truyền thông và gọi đó là “bãi rác truyền thông”, vậy với thực trạng giáo dục thì sao?

- Câu chuyện giáo dục còn phức tạp hơn truyền thông, vì hệ thống của nó quy mô hơn, bám rễ sâu hơn, liên hệ với nhiều người hơn và chịu nhiều sự chi phối từ xã hội, gia đình và mong muốn của cá nhân nữa. Và thực sự giáo dục đã từng rơi vào trạng thái vỡ trận và không kiểm soát được.

Một trong những điểm mấu chốt mà nhiều nhà giáo dục từng nhắc đến đó là lối thoát, hay còn gọi triết lý giáo dục là gì. Vấn đề lớn nhất của GD bây giờ là hệ thống hiện tại chỉ đào tạo con người công cụ, con người biết nghe lời, biết chấp hành, tuân thủ, trong khi bản chất của con người thì không thể chấp nhận trở thành công cụ.

- Theo anh, có một triết lý giáo dục chung cho cả một dân tộc hay một đất nước không?

- Tôi tin là có triết lý giáo dục chung cho tất cả mọi người, thậm chí cho cả một thời đại. Thí dụ trào lưu khai sáng ở châu Âu thế kỷ 17-18 là tinh thần chung của cả một thời đại, hoặc là triết lý giáo dục đại học do Alexander von Humboldt khởi xướng từ 200 năm trước rằng, ĐH phải gắn liền với nghiên cứu và tự do học thuật - tự do học thuật có thể tạm hiểu là tự do dạy, tự do học và tự do nghiên cứu - vẫn đang được các nước châu Âu Mỹ triển khai hiệu quả.

- Ở Việt Nam có thể tìm được sự đồng thuận cho một triết lý giáo dục chung như thế không?

- Trong cuộc tọa đàm về triết lý giáo dục mới đây, tất cả các nhóm khác nhau từ doanh nhân, chuyên gia, nhà giáo dục đều thống nhất là phải tìm triết lý giáo dục ở hình dung về sản phẩm “đầu ra” của GD. Chính việc hình dung những phẩm tính của con người mà hệ thống giáo dục đào tạo ra sẽ quy định cách tổ chức và triển khai các nội dung giáo dục cụ thể. Mỗi nhóm đều đưa ra quan điểm của mình, nhưng nói chung đều rất gần nhau. Vì thế, theo tôi, có thể có được sự đồng thuận cho một triết lý giáo dục chung. Tôi đã chọn triết lý “con người tự do là đích đến của giáo dục”, vì khát vọng trở thành con người tự do, được chịu trách nhiệm về số phận của mình, được sống cho lý tưởng của mình, được làm điều mình thích, là khát vọng chung cho tất cả mọi người.

Các nhà giáo dục thì cần thấy được sự cần thiết đó, nhưng để triển khai thì phải là các nhà làm chính sách, phải là sự vận hành của cả hệ thống GD. Vì thế, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải nói ra điều đó để các nhà làm chính sách biết, vì có thể họ muốn thay đổi nhưng không biết thay đổi như thế nào. Thứ hai, bản thân các nhà GD kiến nghị rất nhiều, nhưng đã đến lúc họ phải tự đứng ra làm những việc cụ thể, mô hình cụ thể để chứng minh, thử nghiệm điều mình nói. Và cuối cùng, truyền thông phải vào cuộc để tạo ra một cuộc vận động chung của xã hội.

Hành trình “tự thân khai sáng”

- Vậy triết lý giáo dục mà anh đưa ra có thể áp dụng cho số đông không?

- Tất nhiên, khi tôi xây dựng trường trực tuyến GiapSchool ở một quy mô như thế là quy mô số đông, hiện đã có 8 nghìn người theo học.

- Tại sao triết lý giáo dục của anh lại gắn với hình thức giáo dục trực tuyến chứ không phải là hình thức thức giáo dục khác?

- Tôi mong muốn được triển khai trên tất cả các hệ thống khác nhưng một mình tôi không thể thực hiện được. Và giáo dục trực tuyến cũng là môi trường phù hợp nhất với tôi. Ở đó tôi toàn quyền triển khai, tự do dạy những khóa mình thích, học viên cũng tự do học và thảo luận những thứ họ thích. Không ràng buộc và hoàn toàn miễn phí. Mỗi người tự do và tự chịu trách nhiệm trong việc khai sáng bản thân mình. Đó cũng là lý do tại sao tôi chọn khẩu hiệu cho GiapSchool là “Tự thân khai sáng”.

- Hình thức giáo dục trực tuyến của GiapSchool có khác nhiều so với những trường trực tuyến đã mở trên mạng không, thưa anh?

- Khác về bản chất. Các hệ thống đã có trên mạng được xây dựng theo hình thức e-learning, còn trường của tôi mở theo hình thức MOOCs, là giáo dục trực tuyến mở đại trà. Đây là hình thức phát triển mới nhất của học trực tuyến. MOOCs vẫn mang những đặc trưng của e-learning như phải dùng máy tính, mạng internet, nhưng cách tổ chức của nó hoàn toàn khác. Nhưng cái khác nhất là đột phá về quan niệm và cách tiếp cận trong việc dạy và học, đặc biệt là tính mở và khả năng tương tác được mở rộng.

- Anh đã đầu tư vào cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà đầu tiên ở Việt Nam như thế nào?

- Ý tưởng ban đầu của tôi khi trở về Việt Nam vào cuối năm 2012 là xây dựng Tủ sách Chuyên gia để dịch và biên dịch sách khoa học kỹ thuật và cổng MOOCs. Tôi đã chọn dự án dịch sách để khởi động. Trước khi về, tôi đã vận động được 20 tiến sĩ trẻ cùng tôi biên dịch, nhưng đến khi tôi đưa gia đình về do thì kinh tế khó khăn, những người hứa ủng hộ dự án làm sách chỉ lặng lẽ cười. Các nhà xuất bản thì nói đây là chương trình lớn và không ai muốn mua bản quyền sách khi xuất bản nó chỉ bán được vài trăm cuốn. Khi dự án nhỏ hơn trục trặc thì tôi đành phải làm dự án to hơn là xây dựng cổng MOOCs. Nhưng dự án to có ưu điểm là tôi có thể chủ động được công việc trong khi dự án kia phụ thuộc vào quá nhiều đầu mối. Tôi nghĩ đây là một sự liều lĩnh, nhưng chính xác.

- Nhưng nếu chỉ dựa vào kiến thức của riêng anh thôi làm sao có thể triển khai thành trường?

- Đó là một thách thức lớn. Đầu tiên tôi giảng dạy những chuyên môn và kiến thức mà mình tích lũy trong mười mấy năm qua, thứ hai là xử lý những giáo trình bằng tiếng Anh. Tôi cũng sẽ Việt hóa những khóa đã có, giống như dịch sách, như vậy sẽ đỡ mất nhiều công sức hơn. Tôi đã từng xây dựng một đội ngũ giảng viên để soạn bài mà không thành công, vì GiapSchool hiện giờ chưa có văn phòng, không có tiền trả lương cho người làm việc. Khi tôi kêu gọi tình nguyện viên soạn bài thì có một số giáo viên gửi bài đến, nhưng những bài đó không thể sử dụng được vì không phù hợp. Trừ phi có đầu tư lớn và tự tổ chức một văn phòng làm việc cho khoảng 10 người, tôi trực tiếp chỉ đạo cách thức soạn bài, thì những bài đó mới dùng được.

Tự đặt “tiên đề” và theo đuổi đến cùng

- Vậy giờ đây anh lấy kinh phí đâu ra cho chính anh để hoạt động, vì anh cũng không được trả lương?

- Nhiều người cũng hỏi tôi điều đó. Tôi dùng bằng tiền tiết kiệm của cá nhân để đầu tư ban đầu. Dù khó khăn nhưng tôi có niềm tin ngây thơ rằng một việc mà có lợi ích cho hàng triệu người thì nó sẽ phải sống, không bằng cách này thì cách khác.

- Anh đang có một sự nghiệp học thuật bắt đầu đến điểm “chín” để đi xa hơn thì anh lại “rẽ” khi ở tuổi 35. Có bao giờ anh định quay lại làm việc trong chuyên ngành đã học?

- Tôi không định quay trở lại, nhưng vẫn cập nhật kiến thức, để giảng dạy chứ không để nghiên cứu. Quỹ thời gian của tôi không cho phép phân thân để làm cả hai việc đó, nên đành phải từ bỏ chuyên môn sâu để xây nền móng rộng. Nếu tôi theo chuyên môn sâu nghiên cứu về vật lý thì đã rất nhiều người ở Việt Nam có thể làm được điều đó, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người có thể làm. Nhưng để làm GD đến nơi đến chốn và bắt nhịp được thế giới thì rất ít. Vì thế tôi đã từ bỏ thứ nhiều người làm được để làm thứ ít người làm hơn, khi đó hiệu quả chung sẽ mạnh hơn, tốt hơn cho Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần một nhóm người làm GD tinh nhuệ và hiện đại để đi cùng nhịp với giáo dục của thếgiới trong một số trường hợp cụ thể. .

- Nhưng không có tiền đầu tư lớn, tương lai ấy gần như đang bế tắc. Chắc anh phải có cách chứ? Cách đơn giản nhất là anh có thể thu phí từ học viên?

- Tôi chưa thấy dấu hiệu của bế tắc. Còn khó khăn thì vừa làm vừa gỡ. Khác biệt lớn nhất của MOOCs so với e-learning là không thu phí. Nếu mình thu phí chẳng khác gì họ. Thứ hai, khi xây dựng hệ thống trường trực tuyến, tôi đã đặt ra ba tiên đề làm trụ cột để xây dựng GiapSchool: Tri thức miễn phí, Con người tự do, Tự thân khai sáng. Vậy thì làm sao tôi có thể chặt đi một trụ cột của mình được, nếu bỏ một tiên đề, cả hệ thống của tôi sẽ sụp đổ.

- Mong muốn lớn nhất của anh lúc này?

- Huy động được nguồn lực để mở một studio thu và dựng bài giảng. Nếu có một văn phòng tử tế, có studio, có cộng tác viên đến làm việc thì sẽ rất tốt.

Trông đợi từ bên ngoài rất khó vì tất cả những nhà đầu tư đều nghĩ đến kinh doanh GD chứ không làm GD. Khi tôi đưa ra hai tiêu chí là miễn phí các khóa học và không quảng cáo trên trang thì họ đều lảng tránh. Nhưng tôi nghĩ rằng kinh doanh GD thì có thể thất bại nhưng đã làm GD thì chỉ có thành công lớn hoặc nhỏ chứ không bao giờ thất bại.

- Vậy anh và GiapSchool sẽ “sống” bằng cách gì?

- Nếu cộng đồng thấy nó có ích thực sự thì sẽ đóng góp để nuôi sống nó bằng cách này hay cách khác. Có thể bản thân tôi sẽ tự thỏa hiệp, chấp nhận lời mời làm việc bán thời gian ở đâu đó để có thêm thu nhập, như tư vấn lựa chọn công nghệ chẳng hạn. Nếu sau hai năm mà hệ thống của chúng tôi vẫn không được chấp nhận và ủng hộ thì tôi sẽ ra đi rất thanh thản, vì đã cố gắng hết sức.

- Cảm ơn TS Giáp Văn Dương và mong rằng anh sẽ thành công khi lựa chon con đường này!

Cuối tháng 8-2013, từ nỗ lực cá nhân của một nhà khoa học, cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà (MOOCs - Massive Open Online Courses) - trào lưu giáo dục tiên tiến nhất - đã ra mắt tại Việt Nam. TS Giáp Văn Dương mất sáu tháng xây dựng xong cổng MOOCs GiapSchool. Đây là cổng đầu tiên của châu Á và là cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà đầu tiên bằng tiếng Việt. Sự kiện này gây ngạc nhiên không chỉ cộng đồng GD trong nước mà cả quốc tế. Trong khi các nước phải đầu tư hàng chục triệu đô la để xây dựng MOOCs thì ở Việt Nam, một cá nhân lại làm được điều đó. Nó chứng minh: một người cũng có thể làm được MOOCs.