Trồng sâm Ngọc Linh trong... 20 ngày

Là một vị thuốc bổ đứng hàng đầu trong các vị thuốc bổ, từ xa xưa sâm chỉ được dùng cho các ông hoàng bà chúa, những người lắm tiền nhiều của bởi sự quý hiếm, khó trồng, lâu thu hoạch. Nhưng ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, từ một số tế bào gốc bằng công nghệ sinh khối tế bào, nhóm nghiên cứu của Học viên Quân y đã thành công trong việc nuối cấy tế bào sâm Ngọc Linh với số lượng lớn. Toàn bộ quy trình này chỉ kéo dài từ 10 - 20 ngày. Đây là một thành công rất đáng ghi nhận, bởi bình thường phải mất khoảng 6 năm, sâm Ngọc Linh mới cho thu hoạch. Chương trình được sự đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng và các nhà khoa học Hàn Quốc.

Cây sâm Ngọc Linh (có tên khoa học là Panax vietnamensis hay sâm K5, sâm Việt Nam) được Đoàn điều tra dược liệu Khu V do dược sĩ Đào Kim Long phát hiện lần đầu vào năm 1973 tại huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum). Đây cũng là loài nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sâm Ngọc Linh có tác dụng bổ dưỡng toàn thân, tăng sức lực. Khi dùng cho bệnh nhân, phục hồi sức khỏe, bệnh nhân ăn ngon, tăng sức đề kháng đối với những yếu tố độc hại (tăng khả năng chịu các tác nhân stress vật lý, hóa học, sinh học). Khi dùng để điều trị bệnh gan cấp, sâm Ngọc Linh có tác dụng làm chức năng gan hồi phục nhanh chóng và làm giảm khả năng chuyển thành bệnh mãn tính. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn có tác dụng điều hòa hoạt động tim mạch. Sâm Việt Nam còn thể hiện tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch...

Sâm Ngọc Linh trong tự nhiên phân bố chủ yếu chung quanh vùng núi Ngọc Linh (thuộc huyện Trà My, Quảng Nam và Đăk Tô, Kon Tum) ở độ cao 1.500m trở lên. Loại cây này sinh trưởng chậm, phải từ 6 năm trở lên mới có thể sử dụng. Hiện nay, sâm Ngọc Linh đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Để cung cấp nguồn sâm Ngọc Linh cho ngành công nghiệp dược phẩm, bên cạnh việc đầu tư quy hoạch, trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh, cần triển khai công nghệ sinh khối tế bào (công nghệ biomass) sâm Ngọc Linh, tạo nguồn dược liệu làm thuốc. Đây là công nghệ hiện đại, đã được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc để sản xuất hoạt chất có nguồn gốc thực vật.

Công nghệ Biomass là công nghệ nuôi cấy vô khuẩn tế bào thực vật trong môi trường và điều kiện nuôi cấy thích hợp. Kết quả tạo ra khối lượng lớn tế bào chứa hoạt chất từ một hay một nhóm tế bào ban đầu. Công nghệ này có ưu điểm vượt trội là: thời gian từ khi nuôi cấy đến khi cho thu hoạch rất ngắn, chỉ khoảng 10 - 20 ngày. Bên cạnh đó, công nghệ này không bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường, thời tiết, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mùa màng. Ngoài ra, chất lượng nguyên liệu ổn định do quá trình nuôi cấy được kiểm soát chặt chẽ . Vì vậy phù hợp với sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP.

Được sự giúp đỡ của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng và các nhà khoa học Hàn Quốc, Học viện Quân y đã triển khai nghiên cứu đề tài "ứng dụng công nghệ Biomass tạo sinh khối tế bào rễ sâm Ngọc Linh” theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Dược sĩ Vũ Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Sinh - Y - Dược học, Học viện Quân y, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Từ củ sâm tự nhiên, nhóm nghiên cứu tiến hành nuôi cấy tạo callus (dòng tế bào ban đầu, tương tự mô sẹo tạo ra để hàn gắn vị trí tổn thương của cây) trong điều kiện vô khuẩn.

Sau khi đã có callus, tiến hành cấy chuyển nhiều lần trên môi trường thạch để các tế bào trở nên mềm mại và không còn biệt hoá. Các tế bào này tiếp tục được cấy chuyển sang môi trường lỏng. Đây là giai đoạn rất quan trọng vì vậy phải nghiên cứu khảo sát tìm được môi trường và điều kiện nuôi cấy thích hợp cho tế bào phát triển tốt nhất, có hàm lượng hoạt chất cao nhất. Khi đã tìm được các điều kiện thích hợp, các nhà khoa học có thể phát triển quy mô nuôi cấy (Scale up) trên hệ thống bình nuôi cấy sinh học (Bioreactor) có dung tích khác nhau tùy theo khối lượng nguyên liệu yêu cầu. Quá trình nuôi cấy trên Bioreactor chỉ mất từ 10 – 20 ngày.

Dược sĩ Vũ Bình Dương cho biết thêm: Đề tài đã được đăng ký Bằng độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ số đơn chấp nhận 1-2007-01077. Đề tài đoạt Giải nhất Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ Học viện Quân y năm 2007. Học viện Quân y đã triển khai các phòng sinh khối tế bào thực vật với các trang thiết bị hiện đại. Phía đối tác Hàn Quốc đã giúp đỡ đào tạo, chuyển giao công nghệ để tiếp tục hoàn thiện, nhanh chóng đưa sản phẩm ứng dụng thực tiễn.

- Theo y học cổ truyền, nhân sâm là vị thuốc bổ đúng đầu trong các vị thuốc bổ: sâm - nhung - quế - phụ. Sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá cao xếp cùng với 5 loại sâm quý nhất thế giới: sâm Hàn Quốc, (Sâm Trường Bạch), sâm Nhật Bản (sâm Cao Ly), sâm Mỹ (Tây Dương), sâm Trung Quốc (sâm Cát Linh) như số lượng và hàm lượng các ginsenosid vượt trội với các loài sâm khác .

T.s Nguyễn Bá Hoạt, Viện phó Viện Dược liệu Việt Nam cho biết: Nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan…

Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam giá sâm Ngọc Linh đắt hơn các loại sâm nhập khẩu vào Việt Nam (khoảng 40-50 triệu một kg sâm tươi), đắt hơn giá trị thực của nó.