Chữa bệnh "chổi rồng" trên cây sắn

Tại Quảng Ngãi, hiện có khoảng 5.000 ha sắn ở các huyện miền núi bị một loại vi-rút lạ tiến công. Theo phản ánh của nông dân, triệu chứng ban đầu của bệnh là lá sắn vàng rồi xoăn lại, đọt cây xì mủ, thân sắn ngả mầu thâm đen rồi chết. Người trồng sắn và Công ty nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, đơn vị bao tiêu củ sắn ở các huyện này đã nhiều lần kiến nghị Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi tìm cách khắc phục.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Quảng Ngãi, bệnh này xuất hiện trên cây sắn từ năm 2005 trên vài chục ha, chủ yếu là ở giống sắn KM 94. Ngành bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã nghiên cứu, xử lý nhưng không có hiệu quả. Theo tính toán, mỗi ha sắn bị nhiễm bệnh, người nông dân mất khoảng ba triệu đồng. Như vậy, với 5.000 ha sắn nhiễm bệnh, người trồng sắn ở Quảng Ngãi thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.

Không chỉ ở Quảng Ngãi, trên nhiều diện tích sắn ở Ðồng Nai cũng xuất hiện bệnh trên. Theo kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn, bệnh xuất hiện rải rác trong năm 2005 đến 2009, bệnh lây lan nhanh ra hàng trăm ha. Trước tình trạng nêu trên, Chi cục BVTV Quảng Ngãi, Trung tâm BVTV miền trung  đã tiến hành thu thập mẫu bệnh gửi Viện BVTV. Viện BVTV đã cử cán bộ điều tra, khảo sát vùng trồng mì bị bệnh tại Ðồng Nai và Quảng Ngãi.  Căn cứ kết quả chẩn đoán bằng kỹ thuật PCR với các cặp mồi đặc trưng của Phytoplasma, kết quả phân tích triệu chứng bệnh lý cá thể và thông tin khoa học quốc tế về bệnh hại trên cây mì (sắn), Viện BVTV xác định đây là bệnh "chổi rồng",  do vi-rút Phytoplasma  (dịch khuẩn bào) là tác nhân gây bệnh. Nguồn bệnh lây lan trên đồng ruộng thông qua hom giống và rầy môi giới. Bệnh "chổi rồng" trên cây sắn là loại bệnh mới xuất hiện ở nước ta, nhưng rất nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh, mức độ gây hại trầm trọng, hơn nữa những nghiên cứu về bệnh lý học, côn trùng môi giới truyền bệnh chưa nhiều nên khó khăn trong xác định giải pháp phòng, trừ bệnh. Về triệu chứng, cây sắn bị bệnh ở giai đoạn trước thu hoạch mọc nhiều chồi ngọn và chồi thân. Cây bị nặng lá cây nhỏ lại và thô cứng, các đốt thân ngắn lại, trên thân và củ phần tiếp giáp với vỏ chuyển mầu thâm đen, chồi bị chết khô. Cây sắn bị bệnh sớm thường không cho thu hoạch, cây bị bệnh muộn thường giảm 10-20% năng suất và giảm 20-30% hàm lượng tinh bột. Kết quả khảo sát tại hiện trường cho thấy, giống mì KM 94 bị bệnh nặng nhất, các giống mì khác và giống mì địa phương nhiễm bệnh nhẹ hơn hoặc không phát hiện triệu chứng bệnh. Ðặc biệt, vùng mì nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột mì ở Quảng Ngãi có 90% diện tích trồng giống mì KM 94 nên bệnh đã gây thiệt hại đáng kể cho người trồng mì và các nhà máy chế biến tinh bột thì thiếu nguyên liệu.

Ðể chủ động hạn chế tác hại, lây lan của bệnh và bảo vệ sản xuất, Cục BVTV đề nghị Chi cục BVTV các tỉnh có diện tích trồng sắn phải khẩn trương điều tra bệnh hại, nếu phát hiện phải báo cáo kịp thời cho cục; Với những địa phương đã phát bệnh, cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để những cây sắn bị bệnh, chỉ sử dụng những giống sắn từ vùng chưa bị bệnh và cây sắn sạch bệnh để làm giống... Cục BVTV khuyến cáo các địa phương từng bước thay thế giống KM 94 là giống nhiễm nhiều nhất bệnh này, đồng thời thiết lập hệ thống kiểm dịch đối nội, không cho vận chuyển sắn giống từ vùng bệnh sang vùng khác.

Phytoplasma gây bệnh "chổi rồng" trên sắn từng được ghi nhận gây hại rất phổ biến ở Thái-lan. Việc sử dụng hom giống từ cây bệnh và vận chuyển hom giống bị bệnh từ vùng này qua vùng khác là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh gây hại trên diện rộng ở các vùng trồng mì khác nhau. Việc nghiên cứu xác định côn trùng môi giới cần được tiến hành khẩn trương để làm cơ sở cho xây dựng giải pháp khoa học phòng trừ bệnh và hạn chế lây lan của bệnh trên đồng ruộng.