Đỗ Tất Lợi, nhà dược học phương Đông lỗi lạc

Ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, đồng thời, không ngừng nghiên cứu và bào chế các thứ thuốc phục vụ bộ đội và nhân dân trong kháng chiến. Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều loại huân chương, huy chương cao quý khác, ông đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của dân tộc và của khoa học.

Lễ tang giáo sư Đỗ Tất Lợi được cử hành sáng nay 5-2-2008 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội.

Thật khó lòng điểm qua - dù chỉ là đôi nét - hơn 150 công trình nghiên cứu của giáo sư Đỗ Tất Lợi. Chỉ có thể dừng lại ở công trình đồ sộ nhất là bộ sách được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Dày hơn 2.000 trang khổ lớn, thế mà bộ sách ấy được in đi in lại tới... 14 lần! Thật là một hiện tượng cực kỳ hiếm thấy trong ngành xuất bản nước ta!

Về bộ sách đó, cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã  nhận xét: “Rất tốt, rất dễ hiểu, rất phong phú. Cái hay của bộ sách là trình bày kinh nghiệm bản thân cùng với kinh nghiệm dân gian, kinh nghiệm nước ngoài.”

Các nhà bác học Liên Xô (cũ) cũng đánh giá rất cao bộ sách của nhà dược học Việt Nam lỗi lạc. Giáo sư, tiến sĩ khoa học A. F. Hammerman khẳng định: “Trong số rất nhiều bộ sách viết về cây thuốc nhiệt đới, chưa có bộ sách nào có thể sánh với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học.”

Cao vọng của một  nhà dược học  trẻ tuổi

Ngày 30-10-1946, không lâu trước khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, trên một tờ báo hằng ngày xuất bản tại Hà Nội, dược sĩ Đỗ Tất Lợi, một  thầy thuốc Tây y mới 27 tuổi và mới tốt nghiệp Đại học Y - Dược Đông Dương được hai năm, đã lên tiếng về nhiệm vụ cần kíp phải bảo vệ di sản y - dược của các bậc tiền bối phương Đông. Ông viết:

“Nghề thuốc Bắc, thuốc Nam đã có mấy nghìn năm kinh nghiệm và còn để lại nhiều tên tuổi rõ ràng trong lịch sử. Thế mà ngày nay nghề này đang ở vào tình trạng suy tàn như chúng ta đã thấy, và cứ cái đà ấy, nó sẽ đi đến chỗ chết! Nghề chết thì cả cái kho tàng kinh nghiệm của tiền nhân cũng chẳng còn!”

Tất nhiên, nguyên nhân của tình trạng đó là chính sách của nhà cầm quyền thực dân Pháp khinh miệt và hạn chế Đông y.

“Chính vì muốn cứu vãn nghề thuốc Bắc, thuốc Nam và nhất là cái di sản quý hoá của tiền nhân - Đỗ Tất Lợi viết tiếp - mà chúng tôi thấy cần phải cải tổ nghề này.”

Chan chứa nhiệt tình, người dược sĩ đại học trẻ tuổi được đào luyện bằng văn hoá Pháp, sớm tìm đường trở về với cội nguồn dân tộc, trân trọng di sản của ông cha, quyết tâm tìm hiểu, kế thừa và phát huy di sản ấy, coi đó là “cao vọng” của cả đời mình. Ngay từ năm 1946, ông đã đề xuất ý kiến là, trong chương trình mới của Đại học Y - Dược Hà Nội, nên có thêm phần thuốc Bắc, thuốc Nam. Ông kiến nghị một số biện pháp để cải tổ việc sao chế, bán thuốc và việc khảo cứu các cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Rồi ông kết luận:

“Khi nào có được những dược sĩ thông thạo các phương pháp của Âu Tây đồng thời am hiểu môn thuốc Bắc, thuốc Nam trông nom, thì nghề thuốc Bắc, thuốc Nam mới có cơ phát đạt (...). Khi ấy ta sẽ có người đủ học lực để bảo vệ những bài học của tiền nhân, cứu vớt những kinh nghiệm cổ truyền đã phai mờ trong trí nhớ, tiếp tục và bồi bổ cái di sản của các nhà dược học phương Đông.”

     

Giáo sư Đỗ Tất Lợi và tác giả.
  

Dấn thân theo kháng chiến, chế thuốc giữa rừng sâu

Đêm 19-12-1946, Đỗ Tất Lợi đang ngồi uống trà trong ngôi nhà yên tĩnh của mình ở làng hoa Hữu Tiệp bên bờ nam Hồ Tây, thì bỗng nghe tiếng súng nổ ran.

Hôm sau, rời Hà Nội đi tham gia kháng chiến, ông chỉ kịp mang theo chiếc xe đạp và mấy thứ đồ dùng vặt vãnh. Gia nhập Vệ quốc đoàn, ông được cử giữ chức giám đốc Viện Khảo cứu và Chế tạo Dược phẩm, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng.

Kháng chiến trường kỳ, chúng ta phải tìm mọi cách tự chế lấy thuốc để có thể chủ động chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân.

Bên bếp lửa nhà sàn Bắc Cạn, người dược sĩ Tây y ngồi chuyện trò với  ông mo, bà mế về những thứ lá, thứ củ hái, đào được trong rừng, trên nương. Khi có bệnh, bà con vùng cao thường chữa bằng cây cỏ - những thứ thuốc mà người miền xuôi quen gọi là “thuốc mán, thuốc mường”. Thật ra đó là những vị thuốc Nam lắm khi rất hiệu nghiệm.

Cũng ở miền núi và những phiên chợ trung du, Đỗ Tất Lợi làm quen với mấy ông bán “thuốc ê”, những con người đầy bí ẩn, sống nay đây mai đó, hai vai hai sọt thuốc. Giữa núi rừng Việt Bắc, ông phát hiện cây mã tiền mà các nhà dược liệu học người Pháp trước kia vẫn cho là không thấy mọc ở Bắc Bộ! Từ cây mã tiền ông chiết đựoc chất strychnin.

Năm 1948, Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Văn Đàn cho in trên báo Vui Sống bài Tương lai chữa bệnh của clorophil. Lúc bấy giờ clorophil được coi là một loại kháng sinh mới. Đỗ Tất Lợi chiết được clorophil từ nguồn dược liệu vô tận là lá tre, lá táo để điều trị vết loét, vết thương cho vệ quốc quân, du kích quân. ở vùng rừng núi Thái Nguyên, Tuyên Quang, ông tìm thấy cây thường sơn. Sở dĩ có cái tên thường sơn là vì giống cây này mọc nhiều trên ngọn núi Thường Sơn ở đất Ba Thục xưa - nơi “nương náu” của Lưu Bị, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc bên Trung Hoa. Ông và những người cộng tác chế ra cao thường sơn chữa sốt rét, thứ thuốc mà các anh bộ đội quen gọi là “kí-ninh đen”. Ông cũng chế tinh chế dầu tràm làm thuốc xoa, thuốc tiêm, thuốc sát trùng dùng để rửa, đắp vết thương cho chiến sĩ, đồng bào.

Từ nhiều vị thuốc dân dã như búp ổi, trần bì, lá cà độc dược..., Đỗ Tất Lợi tìm cách chế thành những dạng thuốc tiện dùng và công hiệu thay cho các thứ thuốc phải mua từ vùng tạm bị quân đội Pháp chiếm đóng, như tanin, belladon, v.v.

Làm rạng ngời nền dược học phương đông

Sau ngày Hà Nội giải phóng, Đỗ Tất Lợi có điều kiện thuận lợi hơn để thỏa chí bình sinh. Ngoài các tài liệu chuyên môn in bằng các thứ tiếng Anh, Đức, Pháp mà ông vẫn quen tham khảo, để có thể đọc thêm sách thuốc của Trung Quốc và của Việt Nam xưa, ông ráo riết học chữ Hán, chữ Nôm. Đó là những tác phẩm y - dược phương Đông từ lâu ông đã nghe tiếng, nhưng giờ đây mới có thể đọc hiểu như: Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, Bản thảo cương mục học di của Triệu Học Mẫn, Dược điển Trung Quốc; cũng như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, Bách gia trân tàng, Hành giản trân nhu của Hải Thượng Lãn Ông, v.v. Rồi ông học tiếng Nga để tiếp nhận những thành tựu dược học của Liên Xô.

Ông gần gũi, tìm hiểu kinh nghiệm của các bà hàng lá, các ông “lang vườn”, “lang băm” -  những người thường hái thuốc trong vườn rồi băm ra, phơi khô để dành chữa bệnh - cho dù họ vẫn bị dư luận coi khinh, dè bỉu! Cùng một số vị lương y, ông cố gắng khôi phục Y Miếu ở số nhà 19A phố 224, không xa Văn Miếu Hà Nội.

Làm việc miệt mài trong thư viện và phòng thí nghiệm, nhưng Đỗ Tất Lợi cũng là “con người điền dã”, đặt chân khắp mọi miền đất nước. Ông lên Lạng Sơn tìm cây kim anh, đến Lào Cai tìm cây tục đoạn, tới Sa Pa khai thác cây củ gấu tàu, hoàng liên...

Các công trình của Đỗ Tất Lợi, đặc biệt là bộ sách đồ sộ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, gây tiếng vang sâu rộng trong giới dược học  nước ta và cả nước ngoài.

Năm 1967, trên tạp chí Tài nguyên thực vật (quyển 3, tập 1), một tạp chí khoa học chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, các nhà bác học I. I. Brekman, A. F. Hammerman, I. V. Grusvisky và A. A. Yasenko-Khmelevsky viết chung một bài báo dài hơn mười nghìn từ, nhan đề: Cây thuốc Việt Nam và vai trò của giáo sư Đỗ Tất Lợi trong việc nghiên cứu các cây thuốc đó.

Sau khi điểm qua các công trình về cây thuốc nhiệt đới của các tác giả người Pháp thời thuộc địa như Torell, Regnault, Perrot, Hurrier, Crevost-Pételot, v.v., các nhà bác học Liên Xô cho rằng không có công trình nào trong số các công trình của họ có thể sánh ngang với công trình của Đỗ Tất Lợi, “người có khả năng bắc cây cầu nồi liền nền y học khoa học hiện đại với một trong những nền y học vĩ đại của châu á - nền y học Việt Nam”.

Ngày 31-5-1968, Hội đồng khoa học Viện Hoá dược học Leningrad, Liên Xô, họp để đánh giá những hoạt động khoa học của nhà dược học Việt Nam lỗi lạc và nhất trí nhận xét:

“Đỗ Tất Lợi hoàn toàn xứng đáng được tặng học vị tiến sĩ khoa học dược học trên cơ sở những công trình của mình mà không cần bảo vệ.”

Tại buổi họp ấy, giáo sư, tiến sĩ khoa học A. F. Hammerman nói:

“Trước kia y học dân gian chỉ được truyền miệng từ thầy sang trò, giờ đây được viết thành sách để khỏi mất đi những điều đã tích luỹ được qua mấy nghìn năm. Đó là công lao to lớn của Đố Tất Lợi, không những đối với nhân dân Việt Nam, mà còn đối với khoa học thế giới.

Công lao thứ hai không kém phần to lớn của ông là giải thích và đưa việc phân tích các dược liệu đó lên trình độ khoa học hiện đại (...). Mỗi cây thuốc đều được mô tả đúng đắn về mặt thực vật học, sự phân bố, và, trong điều kiện có thể, về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, đôi chỗ còn có cả công thức triển khai. Nhiều cây thuốc đã được ông tự nghiên cứu về mặt hóa học hay cùng làm với các học trò của ông (...).

Có thể nói, trong số rất nhiều bộ sách về cây thuốc nhiệt đới đã xuất bản trên thế giới, chưa có bộ sách nào sánh được với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học. Rất nhiều cây thuốc mà Đỗ Tất Lợi giới thiệu là lần đầu tiên được dẫn ra trong các tài liệu về dược liệu học.”

Tìm cây “mã lìn ón” từng cứu sống Bác Hồ

Một lần, trong kháng chiến chống Pháp, bên bếp lửa nhà sàn Tuyên Quang, dược sĩ Đỗ Tất Lợi nghe ông Lê Quảng Ba, một nhà cách mạng lâu năm, kể lại: Bác Hồ thường căn dặn các cán bộ gần gũi Bác hễ đi đường trông thấy cây mã lìn ón thì phải hái cả lá, cắt cả dây, đào cả củ, phơi khô, mang theo trong ba-lô. Bác nói, đó là một vị thuốc Nam cực hay, từng cứu sống Bác trong những ngày tiền khởi nghĩa, khi Bác bị sốt cao, nằm mê man bất tỉnh trong gian lán nứa Nà Lừa giữa rừng xanh Tân Trào, bên cạnh chỉ có đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Đỗ Tất Lợi băn khoăn: Cái tên mã lìn ón nghe lạ tai quá! Chẳng biết có nghĩa lý gì không? Thế rồi một đêm ngồi uống rượu với ông ké người Tày, vị dược sĩ Tây học bèn đem điều băn khoăn kia ra hỏi ông. Ông giải thích: Mã lìn ón đọc theo âm Hán-Việt là mã liên an. Vừa nói ông vừa viết ba chữ Hán đơn giản kia ra gỗ lát nhà sàn.

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một vị tướng quân dũng mãnh ruổi ngựa qua rừng chẳng may lăn ra cảm sốt thập tử nhất sinh. Một ông lang miền ngược bèn lấy lá và củ một thứ cây gì đó ở giữa rừng sâu chữa cho vị tướng kia khỏi bệnh. Cảm ơn cứu mạng, vị tướng bèn đem biếu ông lang cả ngựa lẫn yên, tự mình hạ mã, cuốc bộ đi tiếp qua vùng rừng thẳm. Từ đấy cây thuốc “vô danh” nọ bỗng nhiên mang cái tên nghe rất “văn chương”: mã liên an (có nghĩa ngựa liền yên). Bà con miền núi đọc chệch đi theo giọng điạ phương thành ra... mã lìn ón!

Chẳng bao lâu sau, trên đường qua châu Tự Do (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay), Đỗ Tất Lợi được bà con vùng cao chỉ cho thấy tận mắt cây mã lìn ón. Thì ra đó chính là cây hà thủ ô nam, hay còn gọi là hà thủ ô trắng - một loại cây leo, thân và cành phớt đỏ, có nhiều lông; càng non càng lắm lông, già thì trở nên nhẵn thín. Trên khắp cả cây, ta bấm vào bất cứ đâu - thân, lá hay quả non - thì cũng thấy ứa ra một thứ nhựa trắng như sữa, nên cây còn có tên là dây sữa bò. Nào ngờ nó lại có tác dụng chữa cảm sốt hiệu nghiệm đến thế!

Sau này, trở về Hà Nội, có đủ sách báo và phòng thí nghiệm, ông xác định tên khoa học của loại cây nói trên là Streptocaulon juventas Lour. Cũng là thứ cây hà thủ ô trắng đó thôi, thế mà người Tày gọi là khâu cần cà, người Lào gọi khua mak tang ning, còn người Thái-lan thì lại gọi chừa ma sìn! Dễ nhầm lẫn lắm! Đỗ Tất Lợi phải ghi chép tỉ mỉ trong sách để tiện cho mọi người tra cứu...

Cây “mã xực mã xử, cẩu xực cẩu phì”

Khi còn là một anh sinh viên 20 tuổi, theo học Đại học Y- Dược Đông Dương, một hôm Đỗ Tất Lợi hỏi bác nhân viên già ở phòng thí nghiệm dược liệu:

- Thưa bác, bác có thể cho cháu mượn một ít hạt mã tiền?

- Mã tiền ư? Tôi chưa nghe ai nói đến loại hạt nào như thế! Tên Latin  của nó là gì?

- Strychnos nux vomica Linn.

- Thế à! Tôi tìm ngay cho anh bây giờ.

Thời thuộc Pháp, khá nhiều vị thuốc rất sẵn ở ta nhưng vẫn cứ phải nhập từ Pháp và được coi là... “thuốc Tây”! Râu ngô, vỏ lựu, chè, mã tiền, v.v. của ta xuất sang Pháp để rồi quay trở lại Hà Nội, Sài Gòn sau khi được... đóng gói, dán nhãn Tây!

Giáo sư, giảng viên về cây thuốc đều là người Pháp, có vị vừa đến Việt Nam dăm ba hôm, chưa biết ở nước ta có những cây thuốc mô tê gì, hoặc nếu có biết thì cũng chỉ là xem qua sách, báo.

Thời kháng chiến chống Pháp, Đỗ Tất Lợi được một bà cụ người Tày ở Bắc Cạn chỉ cho thấy cây mã tiền. Ông hơi hoài nghi bởi vì theo sách của các nhà dược liệu học Pháp thì mã tiền không hề có ở... xứ Bắc kỳ!

- Đúng là cây mã tiền đấy, ông à, cái cây “cẩu xực cẩu xử, mã xực mã phì” ấy mà! - Bà cụ nói chắc như đinh đóng cột.

Mã tiền là một vị thuốc quý nhưng có chứa chất độc; dùng ít thì tăng bài tiết dịch vị, tăng tốc độ chuyển hóa thức ăn sang ruột, do đó ngựa ăn ngựa béo. Nhưng cũng vẫn với khối lượng ấy, con chó - trọng lượng cơ thể nhẹ hơn con ngựa - ăn vào lại lăn quay ra chết! Bởi lẽ cây mã tiền có chứa  strychnin, độc chất có thể làm cho con vật co giật, rút gân hàm, lồi mắt, cứng đờ tứ chi, ngạt thở, rồi  chết!

Nhìn kỹ cái cây bà cụ chỉ cho xem, Đỗ Tất Lợi thấy rõ đó là một loại cây leo, hạt như những chiếc khuy áo to. Phải rồi! Đích thị là hạt Strychnos, loại hạt mà bác nhân viên già trong phòng thí nghiệm dược liệu Đại học Y - Dược Đông Dương năm nào đã từng đưa cho ông mượn khi ông còn theo học trường này. Thế mà vị giáo sư người Pháp cứ khăng khăng quả quyết rằng mã tiền không hề có ở... xứ Bắc kỳ!