Năm Thân tìm hiểu những đặc trưng riêng của loài khỉ

NDO -

NDĐT - Trong giới động vật, khỉ là loài gần gũi với con người nhất. Khỉ cũng là loài động vật có nhiều cái đặc trưng nhất mà không loài động vật khác có được.

Tình mẫu tử giữa khỉ mẹ và khỉ con.
Tình mẫu tử giữa khỉ mẹ và khỉ con.

Loài có số lượng được bảo vệ nhiều nhất

Tất cả các loài khỉ đều có số lượng hạn chế, thậm chí một số loài còn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu như không được bảo vệ. Tất cả các loài khỉ nói riêng và các loài linh trưởng nói chung đều thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Thống kê cho thấy có tới 29 loài khỉ thuộc Phụ lục I CITES – Nghiêm cấm khai thác, buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Tại Việt Nam, cả 5 loài khỉ gồm khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc và khỉ vàng đều thuộc Nhóm IIB – Nhóm động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tất cả các loài này cũng đồng thời thuộc Phụ lục II CITES – Hạn chế khai thác, buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.

Năm Thân tìm hiểu những đặc trưng riêng của loài khỉ ảnh 1

Ngôi nhà của khỉ ở Cần Giờ.

Loài được nuôi sinh sản nhiều nhất: khỉ đuôi dài

Tại Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, mặc dù nằm trong nhóm các loài nguy cấp với số lượng ít trong tự nhiên, khỉ đuôi dài lại có khả năng sinh sản rất tốt trong điều kiện gây nuôi. Ở các tỉnh phía nam nước ta, khỉ đuôi dài đã được gây nuôi sinh sản thành công tại một số trại gây nuôi động vật hoang dã với số lượng sinh sản hàng nghìn cá thể mỗi năm. Với tốc độ sinh sản tốt (2 lứa/3 năm), khỉ đuôi dài đã góp phần đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp, đem lại nguồn thu khoảng 3-4 triệu USD/năm cho kinh tế đất nước, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Loài nhanh tay nhanh mắt nhất thế giới

Khỉ là loài phản ứng cực nhanh trong bất kỳ điều kiện nào: tự nhiên hoặc xã hội. Chúng có thể di chuyển trên cây hoặc dưới đất rất nhanh nhẹn. Khi bị tấn công hoặc phát hiện có hiện tượng lạ, khỉ sẽ nhanh chóng di chuyển tới nơi khác hoặc biến mất sau những cánh rừng. Đặc biệt, khỉ không hề e sợ loài người, thậm chí chúng còn có thể đến gần người một cách ung dung. Tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nhiều cá thể khỉ đuôi dài không hề tỏ ra sợ sệt khi có du khách tham quan. Đã có nhiều trường hợp, khỉ Cần Giờ giật máy ảnh, điện thoại di động hoặc các vật dụng cầm tay khác của du khách hoặc cán bộ kiểm lâm.

Loài phục vụ đắc lực cho y học

Do cơ thể gần tương đồng với cơ thể người nên các loài khỉ, đặc biệt là khỉ nuôi dài có nguồn gốc gây nuôi sinh sản có tác dụng tốt cho công tác nghiên cứu y học. Nhiều cơ sở y học hàng đầu trên thế giới ở Mỹ, Anh , Pháp đều sử dụng khỉ đuôi dài làm vật thí nghiệm các loại vaccine trước khi sử dụng phổ biến ở người.

Các loài linh trưởng nói chung và khỉ nói riêng được sử dụng rộng rãi trong thực nghiệm y học, đặc biệt chúng gắn liền với khoa học về thần kinh và một số bệnh lý. Do đặc tính sinh lý của chúng liên quan gần với con người, nên chúng có thể “chia sẻ” một số bệnh truyền nhiễm với con người. Theo thống kê y học, khỉ cũng mắc các bệnh thường có ở người như: virus herpes, thủy đậu (varicella), dại, sốt xuất huyết, bại liệt, cúm, sởi, viêm gan A, viêm gan B.

Trong một số trường hợp, ký sinh trùng Plasmodium knowlesi gây bệnh sốt rét trên khỉ cũng có thể gây nhiễm sốt rét trên người. một số trường hợp đã được báo cáo trên người, thậm chí gây sốt rét ác tính và tử vong.

Tuổi thọ ngắn nhất và dài nhất

Loài khỉ có tuổi thọ cao nhất là khỉ đuôi dài: 37 năm. Loài có tuổi thọ ngắn nhất là khỉ mốc và khỉ cộc: 12 năm.

Loài có đuôi dài hơn so với cơ thể

Tất cả các loài linh trưởng nói chung đều có đuôi dài (nếu tính tỷ lệ giữa đuôi với cơ thể so ) hơn so với các loài thú khác. Tuy nhiên, vẫn có loài khỉ có đuôi dài hơn so với cơ thể. Đó là loài khỉ đuôi dài với chiều dài đuôi đạt mức tối đa là 65cm. Chiều dài vượt hẳn chiều dài cơ thể (tối đa là 55cm).

Loài có thức ăn giống người

Khỉ là loài ăn tạp, chúng có thể ăn cả động vật loại nhỏ và thực vật. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi khỉ đuôi dài có thức ăn giống người như gạo, chuối, khoai lang, sắn. Đặc biệt, loài khỉ đuôi dài rất thích uống nhiều nước và ăn cua nên còn gọi là khỉ ăn cua. Tuy ăn tạp nhưng không phải bất cứ thực phẩm nào khỉ cũng có thể ăn được. Một thời gian trước đây, các vườn thú ở châu Âu rất thích khỉ và khi nhập khẩu về, người ta đã cho chúng ăn xúc xích và uống bia. Điều dĩ nhiên là khỉ không thể tiêu hóa được thức ăn này và chúng sẽ bị suy kiệt sức lực.

Rút kinh nghiệm trên, các vườn thú ở châu Âu và Mỹ thường sản xuất một loại bánh dinh dưỡng, gọi là bánh khỉ được làm từ ngô, bột mì, yến mạch, đậu lạc, đậu nành, mầm lúa mì, đường, sữa gầy, vôi, bột xương, muối. Tất cả được trộn lên, cho thêm thịt và nước hẩm thịt vào rồi ép thành bánh, để nguội và cắt thành miếng. Từ thức ăn này, các nhà động vật học cũng sử dụng bánh khỉ làm thức ăn cho một số loài động vật ăn tạp khác như gấu, một số loài gặm nhấm để cung cấp các thành phần dinh dưỡng cơ bản.

Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, khỉ có khẩu phần thức ăn gồm cam, chuối, đu đủ, cà rốt, cà chua, hành tây, củ đậu, lạc và trứng gà luộc, bánh, bánh mỳ, cơm.

Loài xuất hiện đầu tiên ở các vườn thú

Bất kể vườn thú nào trên thế giới cũng đều có mặt của thú linh trưởng nói chung và khỉ nói riêng. Điều này phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên, cội nguồn. Ngay khi được xây dựng thì Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã có chuồng khỉ và chuồng hổ. Đặc biệt, ngay từ đầu, chuồng khỉ lớn đã được xây dựng ở Thảo Cầm Viên với các vật liệu đều được mang từ Pháp sang.

Chuồng được thiết kế và làm theo phong cách đang thịnh hành ở các vườn thú châu Âu lúc bấy giờ. Đặc trưng của dạng chuồng này là làm bằng song sắt và bờ tường gồm những ngăn hình dáng tròn ghép lại với nhau. Rất nhiều du khách khi đến thăm Thảo Cầm Viên đã trầm trồ và ví von đây là “tòa lâu đài dành cho khỉ” do vẻ hoành tránh, to lớn như những lâu đài cổ kính của châu Âu.

Loài có nhu cầu dinh dưỡng cao

Khỉ có yêu cầu dinh dưỡng tối thiểu là 7-10% protein, khi mang thai và cho con bú, nhu cầu này tăng lên khoảng 12%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người là 12%. Khỉ cũng có nhu cầu Vitamin C tương đối cao.

Loài có khả năng leo trèo tốt nhất thế giới

Có thể nói khỉ là loài leo trèo tốt nhất thế giới. Nếu như các loài sóc có thể dễ dàng lao vút lên cây cối thì khỉ do có đôi tay dài (khi cơ động có thể thành chân để chạy) có thể phi ngay lên cây với sự hỗ trợ của đuôi. Khỉ đa phần cuộc đời sống trên cây, và chúng thường tạo ra những lối đi xuyên qua cành lá được sử dụng khi kiếm ăn hoặc lẩn trốn kẻ thù. Với cái đuôi dài, đặc biệt của loài khỉ đuôi dài, khỉ có thêm một bàn tay (hoặc bàn chân) thứ năm hỗ trợ đắc lực cho việc leo trèo trên cây hoặc di chuyển từ cây này sang cây khác rất nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Loài có khả năng bơi lội

So với nhiều loài thú sống trên cạn, khỉ trội hơn hẳn về khả năng leo trèo và bơi lội. Đặc biệt, loài khỉ mặt đỏ và khỉ đuôi dài có khả năng bơi lội và lặn dưới nước rất tốt.

Loài có nhiều tên gọi nhất ở Việt Nam

Năm Thân tìm hiểu những đặc trưng riêng của loài khỉ ảnh 2

Khỉ là một phần không thể thiếu của thiên nhiên Vườn Quốc gia Pù Mát.

Ở Việt Nam có năm phân loài khỉ thì cả năm phân loài đều có nhiều tên gọi khác nhau bên cạnh tên khoa học và tên tiếng Anh.
Khỉ đuôi lợn có tên khoa học Macaca nemestrina, tên tiếng Anh: Pig tailed Macaque. Trong tiếng Việt, khỉ đuôi lợn còn có tên khác như khỉ xám, khỉ tông gô Việt, Tu lình (tiếng Tày), khỉ quằng (tiếng Rục), Bạc khà (tiếng Mường), Tu lình mín, Tu chún (tiếng Thái).
Khỉ mốc có tên khoa học Macaca assamensis, tên tiếng Anh là Assamese Macaque còn có tên khác: Tu càng, Lình kè, Căng kè, Lình Moòng (tiếng Tày), Táo binh búa (tiếng Dao,Mán), Khỉ sấu (tiếng Mường), Tu lình mín, Lình lum,Lình quai (tiếng Thái).

Khỉ mặt đỏ có tên khoa học Macaca arctoides và tên tiếng Anh: Stump-Tailed Macaque. Phân loài này có tên khác: khỉ cộc, khỉ đen, khỉ gấu (tiếng Việt), Tu căng, Căng dui (tiếng Tày), Căng đỉn, Lình càng (tiếng Nùng), Voọc tộc (tiếng Mường), Tu căng (tiếng Thái), Doọc lin (tiếng Ba Na, Ê Đê).

Khỉ đuôi dài có tên khoa học Macaca fascicularis và tên tiếng Anh: Long-tailed Macaque. Trong tiếng Việt, loài này còn được gọi với cái tên: khỉ ăn cua, khỉ nước.

Khỉ vàng có tên khoa học Macaca mulatta và tên tiếng Anh: Rhesus Macaque. Ở Việt Nam, khỉ vàng còn có các tên khác: khỉ đỏ đít, khỉ đàn (tiếng Việt), Tu lình, Tăng kè (tiếng Tày), Bộc (tiếng Mường), Tu lình đeng (tiếng Thái), Lia pả tra (tiếng Mông).

Loài gần gũi với đời sống con người

Khỉ được sử dụng phục vụ cho mục đích giải trí tinh thần của con người: biểu diễn xiếc, đi vào đời sống dân gian: “nhăn như khỉ”, “xấu như khỉ”, “nghịch như khỉ”. Ở lĩnh vực biểu diễn xiếc, vượt hẳn các loài thú khác, khỉ có thể bắt chước người: chúng có thể đi xe đạp, dắt xe đạp thành thạo chẳng khác gì một em bé mới tập đi xe đạp. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu giải thích do sống thành xã hội và có bộ não phát triển, khỉ có thể rút kinh nghiệm về hành động nào đó, lặp lại và giữ trong ký ức rất nhanh.

Trong sinh hoạt hàng ngày, tại Thái Lan và Myanmar, khỉ thường dùng công cụ bằng đá để chẻ các hạt,các con sò, vẹm, các động vật biển có vỏ hai mảnh và các loại ốc biển khácdọc theo bờ biển Andaman và bờ các đảo.

Trong một số trường hợp khác, chúng dùng công cụ để rửa và chà sát các thức ăn như khoai tây ngọt, rễ cây khoai mì, lá cây đu đủ trước khi chúng ăn. Khỉ có thể hoặc nhúng các thức ăn vào trong nước hoặc cọ chà sát thức ăn cho sạch trên tay của chúng trước khi ăn. Chúng cũng dùng công cụ để bóc vỏ khoai tây bằng cách dùng răng cửa và răng nanh. Các con trưởng thành hình như có được các hành vi này thông qua học cách quan sát của các con khỉ lớn hơn trước đó.

Theo nhiều tài liệu, con người và khỉ cùng chia sẻ môi trường sống trong thời tiền sử và có xu hướng sống và cư trú tại vùng rừng và vùng gần sông. Khỉ đôi khi sử dụng nguồn thức ăn có sẵn do con người lấy từ rừng về.

Loài thể hiện tình cảm như người

Nếu một con con bị chết, khỉ mẹ sẽ không sinh trở lại cho đến mãi năm sau, do vậy việc bắt cóc có thể là một cách cho các con cái thứ bậc cao giảm sinh sản. Trong năm đầu tiên, tỷ lệ sống sót của các cá thể khỉ con là 81%, nhưng tỷ lệ tổng thể sống sót của khỉ đuôi dài từ khi sinh đến 4 tuổi là 68%. Khi các con con đạt đến tuổi trưởng thành, các con đực trưởng thành thường bỏ ra thời gian chơi đùa với chúng, thu hút các con con bằng các giọng nói, âm thanh ngôn ngữ riêng.

Trong năm đầu nuôi con, khỉ mẹ (nhất là loài khỉ rú) không rời con nửa bước. Thấy khỉ con bị ngã, khỉ bố rú lên và tập trung cứu cho đến khi cứu được khỉ con. Trong quá trình khỉ mẹ chăm con, khỉ bố cũng tham gia và đóng vai trò tương đối rõ rệt.
Đặc biệt, khỉ có một số hành vi thể hiện tình cảm tương đối giống người như bắt chấy rận cho nhau của khỉ mẹ với khỉ con trong khi nghỉ ngơi.

Loài có tính bầy đàn, cộng đồng cao

Khỉ có mối quan hệ cộng đồng cao hơn tất cả các loài động vật khác. Con non trong bầy được con mẹ và cả bầy chăm sóc, tìm và đưa thức ăn cho. Khi gặp kẻ thù, khỉ đầu đàn thường phát ra tiếng kêu đặc biệt để báo động và điều khiển cả đàn di chuyển. Khi thực hiện việc di chuyển để kiếm ăn, khỉ đầu đàn thường ngồi ở một chỗ cao để cảnh giới và phân công cho khỉ mẹ và khỉ con vào trong, khỉ to khỏe ở vòng ngoài để bảo vệ. Do đó, chúng luôn chủ động đối phó với tình huống bị tấn công hoặc có hiện tượng lạ. Điều này cũng phản ánh đẳng cấp trong quan hệ của loài khỉ.

Loài “thực hiện” chế độ một vợ, một chồng

Khác hẳn với các loài động vật thường sống theo chế độ đa thê, khỉ và một số ít loài khác như cáo, chó sói, chồn mác… sống đôi (một đực, một cái) suốt đời, tạo thành gia đình “một vợ, một chồng” suốt đời. Do đó, trong mùa sinh sản, vào thời gian nhất định của mùa ghép đôi, ít khi xảy ra hiện tượng giao tranh giữa các con đực để giành lấy bạn lứa đôi.

Loài có phân bố ở nhiều hệ sinh thái nhất

Khỉ là loài linh trưởng sống gắn bó với rừng và các khu rừng không thể thiếu vắng bóng dáng chúng. Loài khỉ đã và đang xuất hiện ở rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, rừng ngập mặn, rừng ven biển và các đảo. Thậm chí ở đảo Sumatra (Indonesia), người ta còn phát hiện khỉ sống ở khu rừng cao su.

Nguồn gốc của loài người

Cho đến nay, khoa học đã thừa nhận loài người được hình thành từ dạng gần với dạng khỉ người. Những tập tính của khỉ trải qua quá trình tiến hóa được nâng cấp và có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của con người thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Có thể nói, loài người hiện nay đã và đang thừa hưởng những đặc tính nổi bật của loài khỉ và tiếp tục hoàn thiện hơn.