Làm chủ quy trình chọn tạo cây giống đàn hương

NDO -

NDĐT - Sau gần ba năm triển khai nghiên cứu và hợp tác thử nghiệm với các đối tác công nghệ trong nước và quốc tế, Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF) đã hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ chọn tạo cây giống đàn hương chất lượng cao và cung cấp cây giống cho các tổ chức, lâm hộ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

TS Hiếu (bên trái) trao đổi cùng chuyên gia Nhật Bản tại nhà ươm cây giống đàn hương của Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF).
TS Hiếu (bên trái) trao đổi cùng chuyên gia Nhật Bản tại nhà ươm cây giống đàn hương của Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF).

Cây đàn hương Ấn Độ (tên khoa học là Santalum album) đã được giới chuyên môn gọi bằng những cái tên cây “vàng xanh”, cây “triệu đô” bởi những giá trị kinh tế, giá trị sử dụng đặc biệt của của nó. Đây là một loài cây đa tác dụng, dùng làm nguyên liệu trong các ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược liệu, mỹ nghệ cao cấp và đặc biệt còn có ý nghĩa biểu tượng về mặt tâm linh trong đạo Phật. Dù cây đàn hương Ấn Độ đã có lịch sử trồng và sử dụng khoảng 5.000 năm tại Ấn Độ và một số nước trên thế giới nhưng lại là giống cây trồng rất mới tại Việt Nam, bắt đầu được nghiên cứu, du nhập và trồng thử nghiệm từ hai - ba năm trở lại đây.

ISAF là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển cây đàn hương Ấn Độ tại Việt Nam. Được thành lập bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động, ISAF là tổ chức khoa học công nghệ tư nhân, hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, theo mô hình tổ chức nghiên cứu công nghệ hướng ứng dụng. Cây giống đàn hương của viện bảo đảm thuần chủng, sạch bệnh, truy xuất nguồn gốc giống rõ ràng. Kết quả khảo sát tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây trồng cho thấy sự thích nghi rất tốt khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, mở ra triển vọng cho một đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, giúp phát triển bền vững kinh tế hộ trồng rừng nói riêng và kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi nói chung.

“Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa ISAF và Viện Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp Ấn Độ (IWST), các chuyên gia đến từ Australia, Nhật Bản. Chúng tôi đánh giá cao kết quả và triển vọng của mô hình hợp tác này, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nhân và lâm hộ, sự hợp tác quốc tế trong việc xác định và giải quyết các bài toán nghiên cứu công nghệ, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đưa cây đàn hương Ấn Độ vào các chương trình trồng khảo nghiệm trên toàn quốc”, TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT Viện cho biết.

Để trồng thành công cây đàn hương Ấn độ đạt năng suất và chất lượng cao, TS Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện lưu ý người trồng một số yếu tố sau:

Thứ nhất, đó là vấn đề cây giống và xử lý hạt giống nảy mầm. Có khoảng 16 loại đàn hương khác nhau, trong đó chỉ có hai loại đàn hương thông dụng là đàn hương Ấn Độ (Santalum album) và đàn hương Australia (Santalum spicatum) được trồng phổ biến và có giá trị kinh tế. Trong hai loại đàn hương nêu trên, đàn hương Ấn Độ cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều và phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nước ta.

Tỷ lệ nảy mầm của hạt giống đàn hương trong tự nhiên rất thấp, trung bình chỉ được 5 - 10%, do đó người ta thường sử dụng biện pháp kích thích nảy mầm nhân tạo bằng các chất kích thích đặc dụng. Tuy nhiên, vì lý do giá thành và nguồn gốc công nghệ nhận chuyển giao, nhiều cơ sở bán cây giống đã sử dụng chất kích thích hóa học GA3 để kích thích hạt giống này mầm. Bản chất GA3 là giúp kéo dãn tế bào, giúp tỷ lệ hạt giống nảy mầm cao hơn, nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cây gỗ. Nghiên cứu tại IWST (Ấn Độ) cho thấy những cây đàn hương phát triển từ hạt giống sử dụng GA3 rất khó hình thành lõi gỗ (thành phần quý nhất của cây đàn hương) và tỷ lệ tinh dầu rất ít. Vì vậy, người muốn trồng cây đàn hương cần lưu ý mua cây giống tại các cơ sở uy tín, có chứng nhận tin cậy, không tham rẻ mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Thứ hai, cần lưu ý chọn đất trồng cây phù hợp. Cây đàn hương thích hợp nhiều loại đất như đất cát, đất đỏ, đất sét, đất đá ong pha sét, đất sỏi… có độ pH từ 5,5 - 8,0. Người trồng lưu ý không trồng cây trên đất có tầng đất dày dưới 1m, ở những nơi có độ dốc trên 35 độ. Đặc biệt, đàn hương là cây chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng, do đó không trồng đàn hương ở những nơi thoát nước kém và hay ngập úng dài (hai - ba ngày trở lên), không nên trồng ở ven biển thường xuyên có bão to. Ở những nơi có luồng gió mạnh, cần có một vành đai chắn gió bằng những cây chắn gió tốt như phi lao hay muồng đen để chắn gió cho cây đàn hương. Không nên trồng đàn hương ở những vùng đất có khí hậu dưới 5 độ C vào mùa đông vì đàn hương sẽ tạm ngừng phát triển khi nhiệt độ dưới 5 độ C và sẽ chết khi nhiệt độ dưới 0 độ C.

Thứ ba là vấn đề chọn cây ký chủ phù hợp. Đàn hương là cây bán ký sinh nên cần có một cây ký chủ bên cạnh (hoặc gần nó) để cung cấp các nguyên tố vi lượng, giúp cây phát triển. Có khoảng 300 loại cây khác nhau, từ cây lâm nghiệp đến cây ăn quả, cây bụi có thể là cây ký chủ cho đàn hương. Tuy nhiên, chọn giống cây ký chủ nào, thời gian trồng cây ký chủ, mật độ cây ký chủ cũng cần phải được tư vấn, chọn lựa khoa học, chính xác dựa trên điều kiện thực địa.

Thứ tư là các kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc đàn hương. Cây đàn hương là cây lấy lõi gỗ nên lưu ý cắt tỉa cành, cố gắng để cho cây phát triển thân càng cao càng tốt, phải bấm ngọn các cành đàn hương để chúng phát triển thành hình nón, áp dụng các biện pháp kỹ thuật FACE, IPCD đúng thời điểm để cây đạt tốc độ sinh trưởng và sản lượng thu hoạch cao nhất.

ISAF hiện nay thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng cây cũng như có đội ngũ chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn online tại địa chỉ www.viendanhuong.com.

Làm chủ quy trình chọn tạo cây giống đàn hương ảnh 1

TS Thoại đo đạc, đánh giá tốc độ phát triển của cây đàn hương trồng tại Tây Nguyên.