Trở tay khi còn kịp

Chưa bao giờ tháng tư về mà miền bắc chìm trong tiết trời ẩm lạnh như mùa xuân, hoa sữa nở như đang trong mùa thu… Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày một khốc liệt hơn, tác động, gây tổn thương đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các cộng đồng dân cư… Một kế hoạch ứng phó thích hợp ở tầm quốc gia trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Trở tay khi còn kịp

Lời hẹn 2021

Trở lại thời điểm tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới để giới thiệu Báo cáo đặc biệt 1,50C. Báo cáo nêu bật thực tế, một số tác động, rủi ro BĐKH gây ra còn lớn hơn nhiều so dự đoán, nhưng cũng cho biết, con người có thể giảm được rủi ro bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C so với 20C hoặc nhiều hơn nữa.

Sự lựa chọn của IPCC có chủ ý bởi thống kê trong vòng hai mươi năm (1995-2016), thiên tai ở Việt Nam gia tăng và làm hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại về tài sản khoảng hơn 6,4 tỷ USD. Trong các trường hợp thiên tai lớn, mức độ thiệt hại có thể vượt hơn 4% GDP. Được dự báo sẽ làm gia tăng và nghiêm trọng hơn tác động của thiên tai, BĐKH thật sự là một thách thức lớn cho phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam chủ trương chủ động ứng phó BĐKH và đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quan trọng. Đáng chú ý là Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và hiện đang rà soát cập nhật Đóng góp cho quốc gia tự quyết định (NDC) và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP).

Theo Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, Việt Nam sẽ đệ trình NAP năm 2019 tại Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 25 (COP 25). Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Đăng Quang - đại diện của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phải đến năm 2020 Việt Nam mới xây dựng xong NAP và dự kiến trình vào năm 2021. Việc xây dựng NAP trên thực tế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi muốn hiện thực hóa mục tiêu giảm tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH thông qua việc nâng cao năng lực thích ứng và khả năng chống chịu.

Mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch một cách chặt chẽ trong các lĩnh vực liên quan đều là những nội dung lớn của NAP, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan. Nhưng thách thức đến từ chính việc, hiện nay, nhiều bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương thiếu cơ quan, cán bộ chuyên trách về BĐKH nói chung và thích ứng với BĐKH nói riêng.

Cho đến nay, chúng ta còn thiếu hụt cơ sở dữ liệu chung về BĐKH bởi các thông tin không đồng nhất và nằm rải rác ở các cơ quan, đơn vị, cá nhân, cũng như không được phân loại phù hợp các nội dung, chẳng hạn như thông tin liên quan đến tài chính cho BĐKH, hay thông tin về thiệt hại và tổn thương theo các nhóm đối tượng…

Theo đại diện Cục Biến đổi khí hậu, sự hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương còn khá lỏng lẻo. Đơn cử như đối với việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào NAP, bản dự thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng vẫn chưa có nội dung cụ thể đối với lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng chỉ bởi vì đây là lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương quản lý. Một số lĩnh vực đang chịu tác động lớn từ BĐKH như ngập lụt đô thị, diện tích đất nông nghiệp bị mất do nước biển dâng, sự gia tăng thiệt hại của các loại hình thiên tai thời đoạn ngắn… vẫn chưa được tính đến trong dự thảo NAP.

Hay như, theo đại diện của Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng kế hoạch với NAP nhưng dự thảo chỉ đề cập một số lĩnh vực cơ bản là nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, xây dựng, cơ sở hạ tầng, du lịch. Giáo dục tác động trực tiếp đến nhận thức của nhiều thế hệ, nên chăng cần phải được xem xét đưa vào như một lĩnh vực chính thức của NAP, vị đại diện này lên tiếng.

Ở góc độ các địa phương, trong bối cảnh ngân sách chi cho xây dựng NAP nhìn chung còn hạn chế, thì việc thiếu kinh phí cho các nội dung liên quan BĐKH tạo thêm những khó khăn. Đó là chưa kể, địa phương đang phải xây dựng một số kế hoạch tương tự như NAP nên rất khó để phân biệt rạch ròi giữa các kế hoạch này. Giải đáp lo ngại này, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu cho biết, trong giai đoạn thực hiện tiếp theo, dự án sẽ có điều chỉnh, đưa ra hướng dẫn cụ thể để tránh trùng lặp với các kế hoạch khác, dựa vào đó các địa phương cũng sẽ phải xây dựng kế hoạch thích ứng riêng.

Khoảng thời gian dự kiến phải trình NAP không còn dài nữa. Nhiệm vụ chỉ có thể hoàn thành khi Bộ Tài nguyên và Môi trường làm tròn được vai trò đầu mối chính, kết nối và hội tụ được các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng khác nhau trong việc hoàn thiện các nội dung lớn, phức tạp của NAP.

Để không ai bị bỏ sót trong NAP

Hai trong số các nguyên tắc căn bản đối với xây dựng NAP là bảo đảm có sự tham gia của các bên liên quan và đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành. Quá trình thực thi NAP cần bảo đảm và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ. Muốn vấn đề bình đẳng giới được đề cập thỏa đáng, cần phải sử dụng dữ liệu phân tách giới tính trong đánh giá tính dễ bị tổn thương và thích ứng.

Đối với các bên liên quan trong NAP cần được hiểu là không chỉ các cơ quan Chính phủ mà còn là các đơn vị, tổ chức ngoài nhà nước, các tổ chức xã hội (CSO), công chúng và người dân địa phương. Sự tham vấn này sẽ giúp hóa giải những thách thức mà các cơ quan quản lý đang gặp phải. Đó là hiện nay chúng ta chưa có cơ chế theo dõi, đánh giá và giám sát báo cáo cho các hoạt động thích ứng, cũng như nhiều vấn đề của NAP còn mới mẻ tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế còn thiếu như việc minh bạch trong đóng góp thích ứng...

Đánh giá tổn thương khí hậu (CVA) giờ đây đã không còn là một khái niệm xa lạ. Từ quá trình triển khai CVA trong các dự án, nghiên cứu, các CSO đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cũng như các chính sách công đang ảnh hưởng lớn đến việc hình thành năng lực thích ứng của cộng đồng và chất lượng, tính ứng dụng CVA cho việc xây dựng kế hoạch thích ứng.

Tuy vậy, để các cơ quan Chính phủ có thể tăng cường sử dụng CVA trong triển khai NAP sau khi được thông qua, yếu tố quan trọng nhất chính là lấp cho đầy “khoảng trống” về cơ chế, chính sách. Đó là thể chế hóa việc thực hiện đánh giá CVA định kỳ hoặc hằng năm tại các địa phương, bằng cách đưa vào quy định tạo tính pháp lý cao. Đây cần được coi như một yêu cầu cần thiết đối với các dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển, nhằm bảo đảm xem xét kịp thời các rủi ro khí hậu hiện hữu và tiềm năng có giải pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo năng lực địa phương.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng và lồng ghép kết quả CVA một cách có hệ thống vào quá trình lập kế hoạch ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực ưu tiên trong NAP. Hiện nay, có hai văn bản quan trọng đang được xây dựng có thể lồng ghép CVA đó là NAP do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2019-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Một yếu tố quan trọng để NAP đi vào được cuộc sống chính là bảo đảm sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp từ giai đoạn thiết kế dự án BĐKH đến khi thực hiện và giám sát - đánh giá. Cách thức này giúp thúc đẩy sự kết hợp giữa tiếp cận dựa vào cộng đồng với tiếp cận từ trên xuống và tiếp cận liên ngành…

Chủ động ứng phó BĐKH đã không chỉ là chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Từ quyết tâm hành động của Chính phủ, sự chuyển động của bộ máy các cấp cho đến ý thức của gần 100 triệu người dân Việt Nam, tất cả đều phải đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, đồng lòng để Việt Nam, một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH kịp “trở tay”, trước khi quá muộn.

Trở tay khi còn kịp ảnh 1

Biến đổi khí hậu đã gây nên những tổn thất to lớn đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG KHOA