Thúc đẩy sáng tạo công nghệ Việt Nam

Sự sáng tạo của các doanh nghiệp (DN) công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam vươn lên. Tuy vậy, làm sao để thúc đẩy sáng tạo - vẫn là câu hỏi khó ngay với chính “người trong cuộc”.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp tối ưu hóa quá trình quản lý bệnh án của bệnh nhân tại Bệnh viện K, Tân Triều (Hà Nội). Ảnh: ĐỨC ANH
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp tối ưu hóa quá trình quản lý bệnh án của bệnh nhân tại Bệnh viện K, Tân Triều (Hà Nội). Ảnh: ĐỨC ANH

Những người tiên phong

Bức tường “Make in Vietnam” tại sự kiện Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam cách đây ít lâu gây ấn tượng với nhiều khách mời khi ghi dấu hàng loạt các sản phẩm giải pháp công nghệ. Ở đó, người ta dễ dàng nhận ra các sản phẩm sáng tạo của cả các start-up nhỏ vừa xuất hiện như ứng dụng gọi xe be của Be Group đến cả các “ông lớn” như điện thoại của VinGroup, hay hệ sinh thái C.OPE2N CMC…

Bên ngoài khuôn khổ của Diễn đàn, rất nhiều sản phẩm sáng tạo của DN công nghệ Việt Nam đã được đi vào thực tế. Có thể kể đến như nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI do FPT nghiên cứu, phát triển đã nhận được 3,4 triệu yêu cầu sử dụng/tháng (riêng năm 2018). Có 7.720 lập trình viên đang phát triển các ứng dụng trên nền tảng này và gần 155.000 giờ giọng nói đã được các đối tác sử dụng. Nhiều ứng dụng từ nền tảng FPT.AI đạt kết quả vượt trội như tính năng nhận dạng chứng minh có thể đạt độ chính xác cao nhất thị trường (96%); chatbot hỗ trợ đến 70% tác vụ cơ bản của doanh nghiệp; tổng đài chăm sóc khách hàng tự động xử lý 50.000 cuộc gọi một lúc trong giờ cao điểm... Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital giúp bệnh nhân được rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục (trung bình từ 4 phút xuống còn dưới 1 phút); giúp tiết kiệm khoảng 1 triệu ngày công/năm. Hoặc Hệ thống vé tàu điện tử giúp người dân có thể đặt vé mọi lúc, mọi nơi. Hay như ứng dụng Zalo của VNG đã có hàng trăm triệu người dùng cả trong và ngoài nước, là nền tảng được các cơ quan nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0. Đã có hơn 20 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, Tiền Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Ngãi... chọn Zalo để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.

“Cuộc cách mạng số đang có những tác động rất to lớn đến sự thay đổi phương thức hoạt động của các DN. Do đó, việc đổi mới, sáng tạo là điều tất yếu mà bất cứ DN, tổ chức nào cũng cần thực hiện để có thể tồn tại, phát triển, đồng thời có thể giúp Việt Nam bắt kịp với thế giới trong thời đại mới”, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ.

Bài toán nhân lực

Theo ông Lê Hồng Việt, khó khăn lớn nhất đến từ thay đổi nhận thức của người dùng. “Chúng tôi đã đầu tư ba, bốn năm nay để xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam (FPT.AI). Nhưng làm sao để mọi người có thể tin được rằng sản phẩm trí tuệ nhân tạo do người Việt phát triển có độ chính xác cao, khi ứng dụng vào thực tế máy sẽ không làm hỏng thì không thể nói trong một sớm một chiều”, ông Việt nhấn mạnh.

Một yếu tố nữa là thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới. Đơn cử như trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, theo đánh giá của Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này là một triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường. Do đó, việc đẩy mạnh đào tạo các công nghệ mới ngay từ trong nhà trường để bắt kịp với xu hướng thế giới là điều cấp thiết.

Ngoài ra, để thu hút nhân tài, các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ nên ưu tiên tạo điều kiện thông thoáng cho các DN, để họ có thể tích lũy nguồn lực. Thay đổi chế độ cấp visa làm việc cho tất cả các chuyên gia gốc Việt và nước ngoài muốn xây dựng sự nghiệp ở Việt Nam, để thu hút người tài, cũng là một đề xuất được giới chuyên gia đưa ra.