Sớm vực dậy hệ thống đào tạo cao đẳng

Một vài năm gần đây, quy mô hệ đào tạo cao đẳng (CĐ) nước ta đang sụt giảm nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này, cả từ hệ thống chính sách lẫn nỗ lực tự thân của các cơ sở đào tạo. Trong bối cảnh nhu cầu xã hội và nhận thức của người dân đang dần dịch chuyển theo hướng chú trọng trình độ tay nghề, việc gỡ khó để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đào tạo CĐ đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Mùa tuyển sinh năm nay cho thấy, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực cho đào tạo cao đẳng. Trong ảnh: Giờ thực hành ở Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc.
Mùa tuyển sinh năm nay cho thấy, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực cho đào tạo cao đẳng. Trong ảnh: Giờ thực hành ở Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc.

Những nguy cơ đã được cảnh báo

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), quy mô hệ đào tạo CĐ trong năm học 2015-2016 là gần 450 nghìn sinh viên, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014-2015 và 31% so với cùng kỳ một năm trước đó. Nếu so với thời “hoàng kim” của đào tạo CĐ cách đây sáu năm (2010-2011), khi tổng quy mô đào tạo hệ này lên tới 730 nghìn sinh viên thì những con số cập nhật trên đây cho chúng ta một bức tranh thật sự đáng báo động.

Mặc dù mùa tuyển sinh năm nay vẫn đang diễn ra nhưng ước tính sơ bộ, cũng không cho thấy quá nhiều tín hiệu tích cực đối với đào tạo CĐ. Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Có khoảng 520 nghìn thí sinh thi tốt nghiệp đồng thời đăng ký dự thi ĐH, CĐ; cạnh tranh lấy 320 nghìn “ghế” ở bậc ĐH (100 nghìn “ghế” khác đã được tuyển thẳng theo đường xét hồ sơ). Như vậy, các lựa chọn khác như hệ CĐ, trung cấp, liên kết quốc tế, du học sẽ phải “chiến đấu” với nhau để thu hút trong số 200 nghìn còn lại. Hệ CĐ muốn không bị tiếp tục sụt giảm quy mô trong năm nay cần tuyển đủ 150 nghìn tân sinh viên, xét trên tình hình thực tế của “miếng bánh” còn lại (150 nghìn trên 200 nghìn) điều đó gần như bất khả.

Có ý kiến cho rằng, việc sáp nhập hai kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ kèm theo quá nhiều cơ chế thông thoáng cho các trường ĐH là nguyên nhân dẫn đến sự “sa lầy” của hệ CĐ. Điều này đúng, nhưng có lẽ chỉ là một phần của lý do, hoặc là “giọt nước làm tràn một cái ly vốn đã ngấp nghé đầy” từ rất lâu. Những lý do khác, là nguyên nhân căn bản hơn, có thể kể đến bao gồm: chính sách bất hợp lý của Nhà nước trong một thời gian dài đối với hệ CĐ, các yếu tố thuộc về thị trường và chính bản thân các trường CĐ.

Trước hết, mặc dù không bao giờ công bố thành lời trong bất kỳ văn bản nào, nhưng dường như các chính sách của Nhà nước luôn dành sự ưu ái hơn cho hệ đào tạo ĐH. Thí dụ, từ nhiều năm nay, cả đầu tư thường xuyên lẫn quy định về học phí tại các trường công, hệ CĐ luôn được tính chỉ bằng 80% của hệ ĐH. Trong khi, chưa hề có một căn cứ tính toán kỹ thuật hợp lý nào cho thấy, việc đào tạo cho một sinh viên ở hệ ĐH là tốn kém hơn một sinh viên ở hệ CĐ trong cùng một khoảng thời gian.

Hoặc, quy định không cho sinh viên tốt nghiệp hệ này được liên thông lên hệ ĐH ngay sau khi tốt nghiệp (mặc dù quy định hiện đã được bãi bỏ, nhưng dư âm của nó vẫn còn dai dẳng) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyển sinh tại hệ CĐ. Tương tự như vậy, quy định cho phép nâng cấp trường CĐ thành ĐH, được áp dụng khá triệt để trong các năm qua, thoạt nhìn tưởng chừng như ưu ái cho CĐ, nhưng thực tế thì ngược lại. Hậu quả là, sau khoảng 10 năm, hầu như tất cả các trường CĐ tốt nhất trong cả nước đều đã trở thành trường ĐH. Hệ CĐ hiện nay chỉ còn lại các trường chất lượng khá trở xuống. Nếu chúng ta thường coi ĐH ngoài công lập là trường “hạng hai”, thì có thể nói, trường CĐ phải là trường “hạng ba” trên bảng xếp hạng nói chung.

Hệ thống đào tạo sau trung học của Việt Nam được coi là khá phức tạp, vì bao gồm nhiều bộ phận thuộc nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Trong đó có các viện nghiên cứu, các trường ĐH và CĐ, các trường TCCN và các trường dạy nghề (bao gồm các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và CĐ nghề) và thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD-ĐT, các bộ chuyên ngành, Bộ LĐ, TB và XH, chính quyền cấp tỉnh, và các Sở GD-ĐT. Tình trạng này đã dẫn tới việc mạnh ai nấy làm.

Yếu tố thị trường cũng là một lực cản đối với hệ CĐ. Nhìn chung, xã hội chúng ta vẫn quá coi trọng bằng cấp; việc được học ĐH gần như là mục đích cao nhất với mọi học sinh THPT. Kể cả trong trường hợp một học sinh thi trượt ĐH và đỗ CĐ; thì việc học CĐ gần như chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ thi lại. Trong bối cảnh đó, nhiều trường CĐ đã và đang phải đối phó với tình trạng sinh viên nghỉ học đột biến tăng cao sau năm thứ nhất (vì đã thi lại và đỗ ĐH) mà hoàn toàn không phải vì họ đào tạo kém.

Ngoài ra, phần lớn các vấn đề của hệ CĐ còn xuất phát từ chính bản thân các nhà trường. Trong khi đã chịu nhiều bất lợi về chính sách, về thị trường, các trường CĐ cũng không tự đổi mới, nắm bắt các lợi thế cạnh tranh của mình như gắn kết với nhu cầu thị trường; bảo đảm đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp, v.v. Các chương trình đào tạo ở bậc CĐ hiện nay thuần túy chỉ là sự dập khuôn và rút ngắn lại của chương trình đào tạo ĐH mà ít có những điều chỉnh phù hợp với đặc thù của CĐ.

Đâu là giải pháp?

Qua nghiên cứu từ nhiều quốc gia cho thấy, có hai hướng giải pháp đang được áp dụng theo hai cách tiếp cận đối nghịch nhau.

Thứ nhất: Nhà nước can thiệp sâu. Theo hướng này, Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp bao gồm hành chính, tài chính nhằm hỗ trợ hệ CĐ. Thí dụ, tăng mức đầu tư và học bổng cho sinh viên hệ CĐ; ưu đãi thuế với doanh nghiệp nhận sinh viên hệ CĐ; quy định mức lương khởi điểm của người có bằng ĐH cao hơn hẳn hệ CĐ để doanh nghiệp có xu hướng chỉ tuyển sinh viên hệ ĐH thực sự giỏi và chuyển mục tiêu tuyển dụng tới người có bằng CĐ. Bên cạnh đó, các chương trình nâng cao năng lực và đầu tư chiều sâu cho cán bộ, giảng viên hệ CĐ, tương tự như các chương trình đã làm với hệ ĐH như Chương trình tiên tiến, Dự án giáo dục ĐH, ĐH xuất sắc cũng có thể được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của các trường CĐ.

Thứ hai: Để thị trường tự điều tiết. Nhà nước chỉ cần chi tiết hóa quy định về giải thể (đối với cả trường CĐ tư và công); mua lại, sáp nhập (đối với trường CĐ tư) hoặc tư nhân hóa (đối với trường CĐ công). Đồng thời, các chính sách như chuyển trường, công nhận tín chỉ cũng cần ban hành nhằm bảo đảm quyền lợi của sinh viên các trường CĐ bị giải thể. Phần còn lại, Nhà nước cứ để thị trường tự điều tiết hoàn toàn; các trường năng động, có năng lực thật sự sẽ tồn tại và các trường chất lượng kém sẽ phải đóng cửa, giải thể.

Trong bối cảnh hiện nay, cả hai giải pháp tiếp cận trên đây đều khá cực đoan, các nhà làm chính sách không nên áp dụng tuyệt đối theo một hướng nào. Với một quốc gia vẫn đang trong giai đoạn chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, việc duy trì tỷ lệ lao động ở trình độ CĐ là cực kỳ cần thiết, nhằm cho ra thị trường lao động có tay nghề, có kỹ năng, có kỷ luật và có thể sớm làm việc đòi hỏi trình độ vừa phải được ngay. Thậm chí, cơ cấu đào tạo CĐ đáng ra cần phải ở mức cân bằng với cơ cấu đào tạo ĐH hơn là “lép vế” (450 nghìn sinh viên CĐ so với 1,8 triệu sinh viên ĐH) như hiện nay. Chính vì vậy, tổng hợp, dung hòa giữa hai cách tiếp cận trên có lẽ sẽ là một giải pháp phù hợp, nếu không muốn hệ đào tạo CĐ tiếp tục suy giảm và không thể cứu vãn.