Niềm tin các nhà khoa học trẻ

Là những đảng viên trẻ, nhà khoa học trẻ, công trình nghiên cứu tuy mới ở chặng đầu, nhưng dấu ấn để lại không hề nhỏ. Bằng niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, họ luôn tâm niệm hãy cố gắng làm điều tốt nhất và làm tốt nhất công việc của mình vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội, và đó là thiết thực đóng góp xây dựng đất nước.

Tấm lòng vì cộng đồng

Tôi gặp Rơ Đăm Thị Bích Ngọc (sinh năm 1981, nữ tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Xơ Đăng) tại Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc (12-2015). Người con của núi rừng Tây Nguyên hiện là cán bộ của Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Ngôi nhà Rông là đề tài nghiên cứu gắn liền với sự nghiệp khoa học của chị. Theo Bích Ngọc, nhà Rông đại diện cho sức mạnh cộng đồng; là nơi truyền dạy tri thức, kinh nghiệm của người già cho lớp trẻ; là trường học lớn không thể thiếu trong xã hội cổ truyền của người Xơ Đăng. Vậy nhưng, qua khảo sát tại một số huyện ở tỉnh Kon Tum hiện nay, phần lớn nhà Rông không còn nguyên mẫu, mà trở nên xa lạ khi được xây dựng theo kiến trúc hiện đại. Các sinh hoạt cộng đồng gắn với nhà Rông vì thế cũng dần mai một. Do đó, việc bảo tồn nhà Rông truyền thống chính là bảo tồn văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Bích Ngọc theo đuổi con đường, với hy vọng giữ lại “linh hồn” cho mái nhà Rông truyền thống.

Không chỉ vậy, người nữ tiến sĩ trẻ còn tham gia những đề tài mang tính thiết thực với đời sống. Gần đây nhất, chị tham gia đề tài cấp Bộ “Hiện tượng bỏ ruộng của người nông dân vùng đồng bằng - khía cạnh tâm lý, 2015-2016”, một vấn đề đang nóng lên hiện nay. “Chúng tôi luôn nỗ lực để những nghiên cứu của mình mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng”, Bích Ngọc thể hiện quyết tâm.

Một nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2015 là TS Nguyễn Thiên Tạo (sinh năm 1982). Từng có nhiều cơ hội làm việc ở những nơi có mức lương cao, nhưng sau khi nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Ki-ô-tô (Kyoto, Nhật Bản), Thiên Tạo trở về nước làm việc tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Do tính chất công việc, có những tháng Thiên Tạo “ở rừng nhiều hơn ở nhà”. Say mê nghiên cứu, tới nay anh đã khám phá, phát hiện, đặt tên khoa học cho 32 loài mới, trong đó chủ yếu là rắn, thằn lằn và ếch nhái. Những phát hiện mới này được đánh giá có nhiều ý nghĩa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Song, điều mà TS Thiên Tạo tâm đắc là có những nghiên cứu của anh đã đi vào đời sống. Bốn năm nay, anh phối hợp với Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) trong việc nhận dạng cấp tốc mẫu độc tố do rắn cắn, giúp các bác sĩ có phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời và đúng bệnh. Công việc tình nguyện này đã góp phần cứu sống rất nhiều người, đồng thời cũng giúp người bệnh được chữa trị nhanh, đỡ gánh nặng chi phí rất nhiều cho những bệnh nhân nghèo. “Mong muốn của chúng tôi trong tương lai là có nhiều hơn những nghiên cứu hướng tới giá trị nhân văn và phục vụ cộng đồng”, Thiên Tạo thổ lộ.

Một nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 khác - TS Nguyễn Xuân Nhiệm (sinh năm 1982), hiện công tác tại Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ăn ngủ tại phòng thí nghiệm, thời gian qua, TS Xuân Nhiệm có những thành công được giới khoa học ghi nhận. Anh từng là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình phân lập hợp chất acetogenin và các hoạt chất có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư từ loài na biển”. Anh cũng tham gia “Nghiên cứu phát hiện và xây dựng quy trình phân lập các chất có hoạt tính kháng ung thư của một số loài hải miên ở Việt Nam”, và tìm ra được nhiều hợp chất có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư từ tám loài hải miên ở nước ta. “Chúng tôi đặt mục tiêu nghiên cứu khoa học cơ bản phải kết hợp ứng dụng để làm ra những sản phẩm có ích. Còn nếu cứ chạy đua số lượng bài nghiên cứu thì khó lòng đổi mới được công nghệ, để cho những sản phẩm ứng dụng đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển của xã hội”, anh nói.

Niềm khát khao cống hiến

TS Kiều Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ (Trung ương Đoàn) cho biết: Mặc dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, còn những tồn tại bất cập, nhưng các nhà khoa học trẻ đã thể hiện được nhiệt huyết và sức mạnh của tuổi trẻ. Bằng niềm say mê nghiên cứu cùng những nỗ lực hết mình, các nhà khoa học trẻ đã và đang sáng tạo những sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu của họ đã đoạt giải thưởng khoa học và công nghệ danh giá ở khu vực và quốc tế, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam. Chúng ta cần nhiều hơn những công trình nghiên cứu ý nghĩa như thế.

Có thể nói, khoa học và công nghệ là yếu tố mấu chốt của sự phát triển trong tương lai. Đội ngũ các nhà khoa học là nguồn tài sản vô cùng quý giá đối với sự phát triển đất nước. Vậy nhưng, để theo đuổi niềm đam mê, các nhà khoa học trẻ còn gặp không ít khó khăn, như phương tiện, thiết bị nghiên cứu lạc hậu, kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, chế độ tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống để họ có thể chuyên tâm vào nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn... Bởi vậy, các tài năng trẻ nói chung, các nhà khoa học trẻ nói riêng cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi, được chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hỗ trợ giúp họ phát triển chuyên môn. Muốn vậy cần có những thay đổi trong cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, tạo cơ hội cho những tài năng trẻ được dấn thân, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng xã hội, khơi dậy tinh thần nghiên cứu khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam.