Hóa giải nghịch lý “công nghệ 4.0 - tư duy 0.4”

Không nghi ngờ gì nữa, làm chủ công nghệ, hoàn thiện quản lý là giải pháp đúng đắn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Muốn vậy, phải hóa giải cho được nghịch lý “công nghệ 4.0 nhưng tư duy 0.4”.

Áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào cải tiến các dịch vụ công là xu thế tất yếu. Trong ảnh: Nhân viên bộ phận một cửa phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, hướng dẫn người dân đăng
Áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào cải tiến các dịch vụ công là xu thế tất yếu. Trong ảnh: Nhân viên bộ phận một cửa phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, hướng dẫn người dân đăng

“Bỏ một thêm 10” và má sưng vẫn chưa “được vạ”?

Những ngày này, phương châm “Make in Vietnam” (được hiểu là “sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”) đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi. Kỳ vọng sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để Việt Nam thật sự hùng cường và góp phần đáng kể thay đổi thế giới đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn trong cả giới hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Nói về thách thức lớn nhất, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) lo ngại về tình trạng vẫn còn tồn tại nhiều cơ chế, chính sách không phù hợp thời đại công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên kinh tế số. “Chúng ta có bốn chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh chưa được cải thiện suốt bốn năm qua, bao gồm chỉ số khởi sự kinh doanh, giao dịch thương mại qua biên giới; chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản DN”.

Một vấn đề quan ngại nữa là chất lượng của các dự thảo nghị định, các luật liên quan. Ông Cung đưa ra một thí dụ điển hình: Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô vẫn rất lúng túng với việc quản lý các loại hình xe công nghệ. Vậy nên, không lạ khi nếp tư duy “không quản được thì cấm” vẫn tồn tại.

Đó là chưa kể, nhiều bộ, ngành “hễ cứ bớt được một thì lại thêm 10 điều kiện kinh doanh (ĐKKD)”, ông Cung cho biết thêm. Chia sẻ điều này, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty An Đô dẫn ra thực tế: “Việc cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn chậm và chưa đồng bộ. Tuy đã thực hiện hải quan điện tử rồi, nhưng DN vẫn phải nộp hồ sơ giấy rất nhiều”. Thậm chí, DN này làm thủ tục hoàn thuế ở Hải quan Hải Phòng, suốt từ năm 2017, sau bốn lần nộp hồ sơ để được áp mã điều chỉnh thuế, mãi đầu năm 2019, mới được hoàn thuế!?

Điều đáng nói, lâu nay, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thường được nhìn nhận từ phía Chính phủ, mà “bỏ quên” vai trò của hệ thống tư pháp. Luật sư Ngô Ngọc Trai kể, năm 2011, một DN sản xuất thiết bị ngành điện có nhà máy ở Vĩnh Phúc ký kết hợp đồng trị giá hơn 10 tỷ đồng để cung ứng vật tư cho một nhà thầu thi công dự án di dời đường điện cao thế tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi đã giao hàng và lắp đặt thiết bị nghiệm thu, hệ thống đi vào vận hành ổn định, nhà thầu không chịu trả tiền cho bên cung ứng hàng. Không thỏa thuận được với nhau, DN cung ứng, nhà thầu thi công và chủ đầu tư kiện nhau ra tòa. Sau bốn năm, đến nay, tòa án vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Khoản nợ gần chục tỷ đồng vẫn treo đó.

Dẫu sao đây còn là thiệt hại đong đếm được, còn có những thiệt hại như chi phí cơ hội, thì còn lớn hơn nhiều. Vậy mà, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, yêu cầu bồi thường chi phí cơ hội cho các nhà đầu tư hiện nay “gặp rất nhiều khó khăn, gần như là không tưởng”.

Và như thế, không có gì khó hiểu khi tỷ lệ DN sẵn sàng khởi kiện có xu hướng giảm theo thời gian. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2013 tỷ lệ này là 60%; năm 2017 giảm xuống chỉ còn 30% mà nguyên nhân - được chính đại diện DN được khảo sát giải thích - là bởi tình trạng trì trệ, tiêu cực…

Chúng ta có nhiều thuận lợi để nuôi niềm cảm hứng “Make in Vietnam” trở thành sức bật tăng trưởng. Nhưng điều đó đòi hỏi toàn bộ nền kinh tế phải chuyển động chứ không riêng gì các doanh nghiệp (DN) công nghệ.

Nhà nước chìa tay, doanh nghiệp… hững hờ?

Với đặc điểm 98% là DN quy mô nhỏ và vừa, phải nói rằng, một bộ phận không nhỏ DN vẫn chỉ tính chuyện trước mắt mà thiếu đi cái nhìn toàn diện và dài hạn; cũng như không chuẩn bị những “vũ khí” pháp lý cần thiết để tự bảo vệ mình.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, từ ngày 15-11-2015, thủ tục cấp phép CITES cho các DN xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES được thực hiện trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia. DN hoàn toàn không cần phải tiếp xúc cán bộ thực thi công vụ. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn thờ ơ. CITES Việt Nam lựa chọn ở hai miền bắc - nam khoảng 20 DN có tần suất xin cấp phép lớn hơn cả để hỏi lý do tại sao DN lại không tham gia và ngỏ ý sẵn sàng “cầm tay chỉ việc”, nếu cần. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: DN vẫn không mặn mà gì với việc làm thủ tục qua Cổng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc nhở: “Thời gian không chờ đợi, nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Thiết nghĩ, thông điệp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra không chỉ hướng đến đối tượng DN, mà còn đúng với cả các cơ quan quản lý nhà nước và tư pháp.