Bỏ biên chế giáo dục:

Cú huých hay lực cản mới?

Thông tin Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) sẽ giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng dần hợp đồng lao động đang vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ những người trong cuộc. Trong khi đó, một bộ phận những nhà quản lý giáo dục lại cho rằng, chính sách này sẽ là một "cú huých" để tạo sự thay đổi, nhưng cần phải được triển khai một cách dân chủ, minh bạch và điều quan trọng là có chế độ thu nhập hợp lý cho giáo viên (GV).

Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả, việc bỏ biên chế sẽ tạo cơ hội phát sinh nhiều tiêu cực.
Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả, việc bỏ biên chế sẽ tạo cơ hội phát sinh nhiều tiêu cực.

Sẽ không còn tính ỷ lại?

Theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, việc bỏ biên chế là hướng tốt và phải làm, bởi vì chỉ khi có cạnh tranh mới tiến tới việc xây dựng được chế độ đãi ngộ tương xứng. Thực tế, đối với người GV thì biên chế hay không cuối cùng vẫn là công việc ổn định, thu nhập tốt, môi trường làm việc dân chủ, phát huy được khả năng của mình... Dĩ nhiên, đề xuất của Bộ GD-ÐT dự kiến bỏ biên chế sẽ khiến một bộ phận GV cảm thấy lo lắng, vì dù sao đây cũng là một "phương án bảo hiểm" cho người GV khi về hưu vốn tồn tại lâu nay.

"Tôi nghĩ việc chuyển sang chế độ hợp đồng có thể tạo ra sức ép nhất định để các GV có động lực, thay vì chỉ cố vào được biên chế rồi cứ tàng tàng cho đến khi về hưu là xong. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là nếu áp dụng giảm biên chế viên chức thì cũng phải tính đến các giải pháp đồng bộ, dân chủ và minh bạch để có cơ chế giám sát tốt thì mới nhận được sự đồng tình, đồng thuận cao của xã hội", ông Hiếu nói.

Ðồng quan điểm, ThS Ðặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cho rằng, lâu nay có một bộ phận GV coi vấn đề vào biên chế viên chức như là chiếc "cần câu cơm" cần phấn đấu, đến khi đạt được rồi thì sinh ra tính ỷ lại nên khiến cho môi trường giáo dục không có động lực đổi mới. "Tất nhiên đây chỉ là một bộ phận nhỏ và không thể đánh đồng với những GV vùng sâu, vùng xa vốn thiệt thòi. Những GV này cũng phải có một phương cách nào đó để bảo đảm quyền lợi cho họ và vào biên chế là một cách. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn hiểu biên chế như một cái gì bảo đảm cho công việc suốt đời, dẫn đến tâm lý là mặc dù lương thấp nhưng chấp nhận vì công việc ổn định, hiệu trưởng có muốn đuổi việc mình không dễ. Ðiều này dẫn đến việc nhiều người bỏ rất nhiều tiền để xin một suất viên chức khiến tình trạng tiêu cực dễ dàng xảy ra", ông Sáng nhận định.

Việc bỏ biên chế viên chức cũng nhận được sự đồng tình của nhiều sinh viên ngành sư phạm. Theo bạn Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh viên ÐH Sài Gòn, thực tế qua những kinh nghiệm của anh chị đi trước thì việc thi vào viên chức GV thời gian qua rất khó khăn, muốn xin vào một trường ở TP Hồ Chí Minh thì không đủ tiêu chuẩn, còn xin vào một trường nào đó ở quê thì phải... chạy số tiền không nhỏ. Vì vậy, nếu việc tuyển dụng thời gian tới được công khai và minh bạch, sinh viên ngành sư phạm sẽ rất ủng hộ, vì nếu thật sự có tài sẽ không lo không kiếm được việc.

Tuy nhiên, việc bỏ biên chế viên chức lại gặp phải sự phản đối khá quyết liệt của một bộ phận GV vùng ven. Theo cô Huỳnh Bích Ngọc, GV một trường THCS tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), nếu bỏ biên chế và tuyển dụng theo hình thức hợp đồng thì ngành GD-ÐT phải bảo đảm trả mức lương cao cho người GV. "Thực tế, với những GV khu vực nội thành, ngoài tiền lương ra còn có các khoản trợ cấp, thậm chí là dạy thêm... nhưng GV vùng ven chúng tôi rất khổ, thưởng Tết có vài trăm nghìn đồng, đã vất vả mà lương thấp nhưng vẫn còn động lực làm bởi nghĩ rằng sau này có hưu, có năm công tác. Bây giờ bỏ, có lẽ chúng tôi cũng phải bỏ nghề mất".

Băn khoăn về cơ chế giám sát và xử lý

Thực tế, việc bỏ dần viên chức trong hệ thống giáo dục theo lý giải của Bộ GD-ÐT là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý... Tuy nhiên, việc này nếu không có cơ chế giám sát kỹ sẽ lại nảy sinh nhiều tiêu cực.

Về vấn đề này, Phó hiệu trưởng một trường ÐH ngoài công lập bày tỏ băn khoăn, đã có trường hợp hiệu trưởng bị "tố" bổ nhiệm người nhà, người quen và thanh trừng những ai chống đối đã bị nhiều tờ báo phản ánh. Nếu bây giờ giao toàn quyền cho hiệu trưởng các trường tuyển dụng GV thì cơ quan nào sẽ giám sát, nguồn nhân lực để giám sát sẽ bổ nhiệm từ đâu mới bảo đảm được tính minh bạch?

Cũng theo vị này, nếu bỏ biên chế GV cần phải xã hội hóa triệt để. Muốn làm hiệu trưởng phải có bằng cấp, phải bỏ vốn ra mở trường, hoặc được người bỏ vốn thuê; không có chuyện thi công chức, thi hiệu trưởng hay do sở GD-ÐT chọn, bởi nếu như vậy vẫn là vòng luẩn quẩn. Tôi chỉ thí dụ, nếu xảy ra tình trạng chạy chức Hiệu trưởng, dĩ nhiên khi trúng tuyển rồi thì khi tuyển GV, vị hiệu trưởng này hoàn toàn có thể có "ưu tiên" tuyển dụng để... thu lại số tiền đã bỏ ra ấy, khi đó ai giám sát và xử lý được?

Lo lắng đến khâu tuyển dụng hiệu trưởng, TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng CÐ Bách Việt nhận định, vấn đề lo ngại nhất là ai sẽ có quyền quyết định ký hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng với GV, nếu giao hết cho hiệu trưởng liệu có ổn không? Nên nhớ, nếu giao toàn quyền cho hiệu trưởng, phải chắc rằng đó là người có tâm, có tầm và có năng lực thật sự; đồng thời họ phải là người công bằng, khách quan, nếu không thì đây sẽ là cơ hội phát sinh tiêu cực rất lớn. Bởi, có thể GV giỏi nhưng không được lòng sếp hoàn toàn có thể bị cắt hợp đồng bất cứ lúc nào, còn những người có mối quan hệ lại được trọng dụng, thậm chí việc tuyển dụng lại chỉ dựa vào mối quan hệ cá nhân hay bằng cái bắt tay... dưới gầm bàn.