Người lớn phải làm gương cho con trẻ

Mặc dù công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) đã được ngành giáo dục quan tâm từ nhiều năm nay, nhưng trên thực tế, ý thức chấp hành quy định về ATGT của các em học sinh mới chỉ được thực hiện nghiêm trong phạm vi nhà trường.

Tình trạng học sinh đi xe máy điện vi phạm Luật Giao thông phổ biến trên cả nước. Ảnh | Anh Khôi
Tình trạng học sinh đi xe máy điện vi phạm Luật Giao thông phổ biến trên cả nước. Ảnh | Anh Khôi

Tình trạng vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) của học sinh, nhất là cấp THPT và THCS, dù có giảm so với trước, nhưng vẫn diễn ra phổ biến trên cả nước, nhất là khu vực đô thị. Hằng ngày trên nhiều tuyến đường, không khó để bắt gặp học sinh phổ thông đi xe máy dung tích trên 50 cm3 đến trường trong khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe (GPLX), không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người cho phép, đi hàng ngang, không chấp hành tín hiệu giao thông... Nhiều phụ huynh cũng vi phạm chính những lỗi này trong quá trình đưa con đến trường hằng ngày đang khiến họ trở thành những tấm gương xấu cho thế hệ trẻ.

Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc người lớn, phụ huynh học sinh cũng chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục cho con em về ATGT, không dành thời gian để quan tâm, dạy dỗ con em ý thức chấp hành Luật Giao thông. Một số người dù biết luật không cho phép nhưng lấy lý do không có thời gian đưa đón nên đã đưa xe máy cho con đi học, chính điều đó vô tình khiến con em họ vi phạm pháp luật về ATGT.

Hằng năm vào dịp khai giảng, các trường học trên cả nước đều phối hợp lực lượng CSGT địa phương tổ chức sinh hoạt tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông và hướng dẫn cách lái xe an toàn. Tuy nhiên, ý thức chấp hành luật của học sinh ở nhiều địa phương vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cuối tháng 9 vừa qua, một trường hợp học sinh THPT tại Nghệ An điều khiển xe mô-tô vi phạm giao thông đã bị xử lý. Khi bị kiểm tra xử lý vi phạm, học sinh này thanh minh do nhà xa, xe máy điện bị hỏng nên lấy xe của bố đi học, và chưa nhận thức được việc không đủ tuổi điều khiển xe máy có thể gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Với lỗi này, tổ công tác đã xử phạt người vi phạm 600.000 đồng, chủ phương tiện 1,4 triệu đồng và tạm giữ phương tiện bảy ngày.

Ngoài việc học sinh THPT đi xe máy đến trường, nhiều năm gần đây nổi lên hiện tượng học sinh THCS điều khiển xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi. Theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ (trước đó là Nghị định 46/2016), người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mới được phép điều khiển xe máy có dung tích dưới 50 cm3 (kể cả xe máy điện). Tương ứng với lứa tuổi được pháp luật quy định thì học sinh THPT mới được điều khiển phương tiện loại này. Nhưng trên thực tế cho thấy, nhiều học sinh THCS, nhiều em mới học lớp 6 (12 tuổi) đã được cha mẹ cho phép đi xe máy điện đến trường.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) những năm gần đây liên quan đến học sinh, có tới 90% số vụ liên quan tới độ tuổi 16 - 18. Qua khảo sát cho thấy, học sinh cấp THCS trở lên đi xe đạp điện gây khoảng 70% số vụ TNGT có thương vong. Bậc THPT hiện có hơn 50% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có GPLX, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục ATGT cho học sinh chưa thật sự chặt chẽ. Mỗi năm học nhiều khi giáo viên và cha mẹ học sinh chỉ gặp gỡ trong hai buổi họp phụ huynh, nội dung chủ yếu xoay quanh báo cáo thành tích, học phí và các khoản đóng góp, hiếm khi thấy nhắc đến chuyện phối hợp giữa gia đình và nhà trường giáo dục bảo đảm an toàn cho các em khi đến trường.

Chính vì vậy, để công tác bảo đảm ATGT học đường được bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông. Ngoài sự nỗ lực của các nhà trường, lực lượng chức năng thì rất cần sự đồng hành, phối hợp từ phía gia đình. Trong đó, phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, kiên quyết không cho con em điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi.

Mỗi phụ huynh phải là những tấm gương chuẩn mực, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm ATGT để trẻ em, học sinh ghi nhớ và noi theo.

DƯƠNG KHÁNH