Chuyển đổi số và câu chuyện make in VietNam

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 theo chiều hướng xấu, quá trình chuyển đổi số quốc gia đã diễn ra mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn; nhất là đối với các hoạt động kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, hành chính, giao thông - vận tải... Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng và đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Tử Quảng trong buổi lễ chính thức ra mắt ứng dụng Bluezone.
Ông Nguyễn Tử Quảng trong buổi lễ chính thức ra mắt ứng dụng Bluezone.

Khẳng định vai trò công nghệ số

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu với một số chỉ số cơ bản cụ thể đến năm 2025 và 2030. Theo ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số chính là nòng cốt, chịu trách nhiệm xây dựng nền tảng cũng như dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT - viễn thông lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, CMC, VNG... đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nền tảng, hệ sinh thái chuyển đổi số của Việt Nam. Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam càng được phát huy vai trò. Đặc biệt là chương trình doanh nghiệp công nghệ và sản phẩm Make in Vietnam do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể của các doanh nghiệp công nghệ số kể từ khi chiến lược Make in Vietnam được thực hiện. Sau một năm, hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện trên 58.000 doanh nghiệp và đây là một con số kỷ lục, khi lúc đầu Việt Nam chỉ nghĩ đến con số cao nhất là phát triển 6.000 doanh nghiệp một năm. Với tốc độ và cách triển khai như hiện nay, mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm: “Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này”. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19 suốt gần một năm qua và cho biết, chiến lược của Việt Nam trong tương lai là xây dựng một Việt Nam số. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn phù hợp. Năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Make in Vietnam sẽ giải quyết các vấn đề công nghệ Việt Nam, giúp cho nước ta thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số cũng như tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Chuyện về Bluezone

Ngày 18-4-2020, ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 do Công ty Bkav đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế chính thức khai trương dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ứng dụng Bluezone được xem là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch vào thời điểm đó. Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách hai mét, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Đây là công nghệ tối ưu, giúp kiểm soát các tiếp xúc gần. Khi phát hiện ca dương tính F0, thay vì cách ly cả nghìn người, chúng ta chỉ cần cách ly vài chục người. Ý tưởng này ở Việt Nam được hình thành từ sớm, gần như cùng lúc với nhiều nước trên thế giới. Kết quả là sự ra đời của ứng dụng Bluezone. Tuy Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên giới thiệu giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải.

Ứng dụng Bluezone ra mắt là sự tập hợp trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và Bkav. Trong đó Bkav là đơn vị chủ trì vận hành hệ thống này. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, Bluezone là một dự án không vụ lợi của Bkav. “Tôi nghĩ, hạnh phúc của chúng tôi là được tham gia dự án này. Với Bluezone, ngay từ đầu chúng tôi đã thành lập một đội trong Viện Nghiên cứu (của Bkav), khoảng 10 người, đến nay vẫn tiếp tục thống kê các số liệu và nghiên cứu các phương pháp, mong là có thể tham gia vào những việc hữu ích để phòng, chống dịch. Một ngày tôi nhận được điện thoại của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về việc đang tổ chức các nhóm công nghệ làm về vấn đề sử dụng Bluetooth. Tôi rất mừng và lập tức thành lập một đội gần 100 người để tham gia chiến đấu với Covid-19”. 

Cũng theo ông Nguyễn Tử Quảng, khi đã cài đặt ứng dụng Bluezone, trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, khi mọi người có tiếp xúc, ứng dụng trên điện thoại của họ sẽ tự “nói chuyện” với nhau. Nếu phát hiện có sự tiếp xúc gần (trong khoảng cách hai mét), thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký. Nếu phát hiện ra một người nhiễm Covid-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh đó sẽ được nhập lên trên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng. Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh (F1). Bluezone thậm chí có thể cung cấp cụ thể việc bạn đã tiếp xúc với F0 vào lúc nào và trong khoảng thời gian là bao nhiêu lâu. Ứng dụng cũng sẽ cung cấp liên hệ của cơ quan y tế có thẩm quyền và khuyến cáo người sử dụng liên hệ để được hướng dẫn, trợ giúp. Khi cơ quan thẩm quyền nhận được dữ liệu của F1, họ sẽ tiếp tục nhập lên hệ thống để cảnh báo các F tiếp theo một cách nhanh chóng và chính xác... Đến giữa tháng 12-2020, đã có hơn 23 triệu người Việt Nam cài đặt và sử dụng Bluezone và trong quá trình rà soát, đối chứng đã tiến hành truy vết được hơn 100 trường hợp F1 và F2 nằm ngoài danh sách đã biết theo cách truy vết truyền thống. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone được xem là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19.

2_1-1612413162988.jpg
 Ứng dụng Bluezone.