Khi nước Mỹ "quay đầu"

"Nước Mỹ trên hết!" (America first!) từng là kim chỉ nam hành động cho mọi chiến lược đối ngoại của Washington, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, người thay thế ông - đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden - luôn đánh giá rằng nguyên tắc đặt những lợi ích của nước Mỹ vào ưu tiên hàng đầu ấy, thực ra, đã khiến nước Mỹ tụt xuống hàng cuối. Và bởi vậy, tất yếu đã xuất hiện những thay đổi.

Hay nói đúng hơn, những nỗ lực đảo ngược chính sách đối ngoại biệt lập và mang màu sắc vị kỷ đó, từ ông chủ mới của Nhà trắng cũng như những người ủng hộ ông, đã được thực hiện suốt 10 tháng qua.

Nói như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng CNN: "Về cơ bản, Tổng thống Joe Biden đã đi theo một hướng khác với các chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump, và công khai từ bỏ phương châm "Nước Mỹ trên hết!". Nguyên tắc của người đứng đầu nước Mỹ hiện tại, Jake Sullivan làm rõ thêm, là ngoại giao đa phương và quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của các đồng minh.

Rõ ràng, điều này hoàn toàn trái ngược với cách người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi trước đây liên tiếp phủ định các cam kết quốc tế, sẵn sàng lật tung những thỏa thuận mà ông cho rằng làm tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ, tạo sức ép không ngừng nghỉ đến "tàn nhẫn" lên các kình địch, thậm chí đòi hỏi cả các đồng minh truyền thống cũng phải chịu khó "mở két", từ chối các dự án đa phương, thí dụ như việc làm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) "chết yểu", để thiết lập các định chế song phương mới.

Những làn gió đổi thay có thể được cảm nhận rõ nhất, trong tuyên bố chung khi Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc hồi cuối tháng 10.

Hội nghị ấy được giới quan sát quốc tế đánh giá là "một bước đột phá của chủ nghĩa đa phương", mà nguyên nhân quan trọng hàng đầu tạo nên sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo là quan điểm tương đồng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, về ủng hộ hợp tác đa phương và hội nhập quốc tế. "Bước tiến lịch sử" của hội nghị cấp cao ấy, không gì khác, là thúc đẩy thành công các nước tán thành việc áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia - điều được ông chủ Nhà trắng hiện tại hậu thuẫn.

Trước đó, cách tiếp cận tích cực can dự sâu hơn vào các "điểm nóng" trên thế giới với những cố gắng mềm mỏng - thay vì chủ nghĩa biệt lập mà cựu Tổng thống Donald Trump lựa chọn - ít nhiều cũng đã đạt được những dấu mốc đầy hứa hẹn.

Thí dụ, cuộc tranh chấp kéo dài 17 năm giữa hai hãng chế tạo máy bay dân sự hàng đầu thế giới là Boeing và Airbus đã khép lại với một thỏa thuận then chốt ngày 15/6/2021, mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bờ Đại Tây Dương thay cho những biện pháp trừng phạt "ăn miếng, trả miếng" thời trước, ngay trong chuyến công du đầu tiên đến châu Âu trên cương vị là Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden.

Thí dụ, đến ngày 30/10, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận chung quanh tranh chấp về mức thuế của Mỹ đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Mức thuế này được chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra năm 2018, tiếp tục khiến mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Mỹ và EU thêm gay gắt.

Và thí dụ, sau cuộc hội kiến thượng đỉnh giữa ông chủ Nhà trắng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tình trạng đối đầu Nga - Mỹ cũng đã bắt đầu có những biến chuyển tích cực. Ít nhất, khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc vẫn còn ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, họ cũng đã cùng soạn thảo để đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết về hợp tác bảo đảm an ninh mạng, như thông điệp: Hai nước vẫn có thể hợp tác về những vấn đề cả hai cùng coi trọng và điều quan trọng là hai nước có thể phối hợp khi cần hợp tác.

Và dĩ nhiên, còn phải kể đến sự trở lại rất được mong đợi của nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo mới, trong công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu, tại Hội nghị cấp cao COP26.

Những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thực hiện cũng chính là những điều người tiền nhiệm của ông luôn từ chối. Hai người có những cách nhìn cũng như phương thức phục vụ lợi ích riêng của nước Mỹ hoàn toàn trái ngược, và dường như cũng vẫn là quá sớm để đánh giá chính xác chuyện "được - mất" của việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đảo ngược cả một chiến lược.

Song, có một điều thật sự dễ nhận thấy và không thể bị phủ nhận: Nước Mỹ "cởi mở" trở lại đang nhận được nhiều nụ cười hơn là nước Mỹ bốn năm trước sẵn sàng đóng sập những cánh cửa. Đặc biệt, là từ những đồng minh truyền thống đã từng trở nên cách xa…