Khi nhịp sống hồi sinh

Ngày 1/10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc chuỗi ngày giãn cách xã hội kéo dài, bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19. Một năm đã trôi qua, nhịp sống bắt đầu nhộn nhịp. Nhớ lại thời khắc đó, nhiều người vẫn rơi nước mắt vì xúc động. Họ hạnh phúc vì đã cùng thành phố vượt qua những ngày gian khó...
0:00 / 0:00
0:00
Một năm sau ngày Thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt, kinh tế gia đình chị Cam Thị Nở đã dần phục hồi.
Một năm sau ngày Thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt, kinh tế gia đình chị Cam Thị Nở đã dần phục hồi.

Chợ Vườn Chuối (Phường 4, Quận 3), nơi chị Cam Thị Nở (45 tuổi) cùng 13 người thân đang cư ngụ, đã buôn bán tấp nập trở lại gần cả năm nay. Mỗi ngày, từ sáng đến trưa, chị cùng con gái luôn tay luôn chân bên gánh bún cá thơm lừng, nghi ngút khói.

Nhớ lại một năm trước, lúc Khu phố 3 nhận quyết định gỡ phong tỏa, khi thành phố bắt đầu giai đoạn “bình thường mới”, mấy hộ buôn bán như chị Nở được lên phường nhận trợ cấp, quà an sinh, gom góp thêm chút vốn gầy dựng lại hàng ăn này trong niềm hân hoan...

Theo thống kê của Phường 4, Quận 3, Khu phố 3 là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố vào năm 2021. Chị Nở kể lại, chỉ vài ngày sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại địa bàn được phát hiện, số ca liên tục tăng. Đầu tháng 7/2021, cả xóm chị phải đi cách ly vì đều là F0. Lúc đó, lòng chị ngổn ngang, sợ đủ chuyện trên đời. Chị sợ không qua khỏi, sợ bốn đứa nhỏ trong nhà không ai chăm sóc. Hoàn tất thời gian điều trị, trở về, niềm vui vừa đến đã vội tan. Cả Khu phố 3 với hơn 4.000 dân bị phong tỏa suốt mấy tháng liền vì số ca nhiễm tăng đột biến.

Không được ra ngoài, chẳng thể bán buôn, cửa nhà luôn đóng chặt, mấy mẹ con chị Nở mong nhất là tiếng gõ cửa mỗi sớm mai. Lúc ấy, chị biết ngày mới đã đến và các tình nguyện viên giúp nhà chị chuẩn bị bữa sáng ấm lòng. Rồi gạo, rau, thịt, cá, nhu yếu phẩm, các túi quà an sinh đậm nghĩa tình lần lượt được địa phương đặt trước cửa nhà.

Nhớ Trung thu năm 2021, tụi trẻ nhà chị Nở bất ngờ khi lần đầu được mấy chú bộ đội đến thăm hỏi, động viên và tặng lồng đèn, sữa, bánh. “Lúc đó tôi đã khóc vì xúc động. Thật sự khi khu phố mới phong tỏa tôi lo lắm, nhưng càng về sau càng yên tâm khi luôn được chính quyền địa phương và các đoàn thể quan tâm không thiếu thứ gì. Gạo hồi dịch được tặng giờ cả nhà còn chưa ăn hết. Mỗi lần bưng chén cơm là nhớ ngày tháng cũ, thấy mình thật hạnh phúc khi vẫn còn đây để cảm nhận rõ sự phục hồi của thành phố. Vừa hết giãn cách, hàng xóm ôm chầm lấy nhau, ứa nước mắt”, chị Nở kể lại...

Đi dọc tuyến hẻm nhỏ tại đường Vườn Chuối vào khu vực trung tâm Khu phố 3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 4, Quận 3 Nguyễn Ngọc Đức chỉ tay về đoạn đường đang nhộn nhịp người qua lại, nhắc nhớ: “Lúc đỉnh điểm dịch, cả khu vực này không bóng người, mọi thứ rất ảm đạm. Phường có sáu khu phố nhưng riêng Khu phố 3 phải lập một bản đồ riêng để quản lý các ca F0. Gia đình nào có ca nhiễm sẽ gắn hình ngôi sao, ghi chú đầy đủ số ca. Cả khu được chia làm tám khu vực cách ly với lực lượng bố trí hỗ trợ người dân tận nhà. Nhìn vào bản đồ khi ấy lòng chúng tôi chùng xuống bởi “sao” phủ khắp nơi, đâu đâu cũng thấy ca bệnh”.

Tình hình mỗi lúc một căng thẳng. May mắn là không lâu sau, địa phương nhận được sự hỗ trợ về nhân lực, tài lực, nhu yếu phẩm từ các nơi, kịp thời lo cho người dân về an sinh cũng như y tế. Ông Đức cho rằng, chính nhờ sự đồng lòng từ chính quyền, đoàn thể đến người dân cùng các mô hình thích ứng mà việc khoanh vùng, xử lý các ca nhiễm dần đi vào ổn định. Mọi thứ vào guồng, số ca nhiễm trên bản đồ cũng dần ít đi.

Cuối cùng, ngày đợi mong cũng đến, số ca nhiễm tại phường thấp dần rồi về 0, Thành phố Hồ Chí Minh ngưng giãn cách trong tiếng hò reo của nhiều người. Qua giai đoạn cao điểm, ông Đức cùng cán bộ, nhân viên tại Ủy ban nhân dân Phường 4 tiếp tục các phần việc hỗ trợ an sinh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sớm khắc phục khó khăn, bắt đầu cuộc sống mới nhưng không lơ là phòng dịch...

Nhớ lại ngày 1/10 năm ngoái, bà Triệu Thị Bích Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 11, quận Bình Thạnh vẫn chưa nguôi xúc động. Sau mấy tháng ròng rã lấy “cơ quan làm nhà”, bà cùng cán bộ, nhân viên tại Ủy ban nhân dân phường đã được về thăm gia đình, con cái, được quây quần bên mâm cơm và kể nhau nghe những chuyện đã qua.

“Mừng rớt nước mắt. Ra đường thấy người dân chạy xe ngược xuôi, nhìn thấy hàng quán bắt đầu mở cửa, lòng tôi vui lắm. Nghĩ lại chặng đường quá khó khăn, tôi thấy quý hai chữ tình người. Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều người hảo tâm như mấy tháng giãn cách xã hội. Ai có gì giúp nấy, người nào có là sẵn sàng sẻ chia để cùng nhau chống lại dịch bệnh. Nếu không đoàn kết và nương tựa nhau, làm sao chúng ta trụ nổi. Dịch bệnh lấy đi nhiều thứ nhưng niềm tin và tình người là điều còn lại sau tất cả”, bà Huyền trải lòng.

Hết giãn cách, cũng như nhiều địa phương khác, phường 11, quận Bình Thạnh tiếp tục công tác sàng lọc để kịp thời hỗ trợ những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, nhất là trẻ mồ côi. Đến nay, việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vẫn được tiếp nối bằng nhiều chương trình an sinh xã hội. Các thủ tục hành chính theo nhu cầu của người dân cũng được khẩn trương thực hiện sau thời gian dài tạm ngưng.

Thời điểm người dân đi làm trở lại, công tác tuyên truyền phòng dịch và tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh để tăng đề kháng cộng đồng. Các đầu việc vẫn rất nhiều nhưng ai cũng phấn khởi, hân hoan khi cảm nhận rõ sự hồi sinh của thành phố sau tháng ngày oằn mình chống dịch với muôn vàn lo âu...