Khi người Chứt vào Đảng
Dưới chân núi Ka Đay, nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, câu chuyện về sự hồi sinh của một tộc người thiểu số được tái hiện rất rõ ràng từ những ngôi nhà sàn kiên cố, cánh đồng lúa vàng rực và tiếng gọi nhau í ới đến trường của lũ trẻ. Người Chứt ở bản Rào Tre (Hương Khê) truyền tai nhau, bộ đội giúp bà con lập bản, dựng nhà, đảng viên của bản chỉ cách cho bà con biết trồng lúa, trồng rừng và chăm sóc con cái…
Khi người Chứt vào Đảng

Tháng 5, cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch ngả màu vàng rực, phủ kín thung lũng trải dài bên suối Rào Tre. Gặp những nụ cười rạng rỡ của bà con dân tộc Chứt khi tự tay làm nên hạt lúa, bao cảm giác mệt mỏi khi phải luồn núi hơn 30 km chợt tan biến.

Khi người Chứt vào Đảng

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) mở đầu câu chuyện: Để cây lúa cắm rễ được nơi đây là một quá trình lâu dài. Những ngày đầu khi Bộ đội Biên phòng vận động bà con trồng lúa, họ không tin bởi nghĩ rằng, chỉ có người dưới xuôi mới trồng được lúa, đồng bào chỉ biết đi rừng đốt củi, lấy măng, đào củ mài để ăn. Khi hướng dẫn bà con cách chăm sóc lúa, bà con cũng không biết phân biệt đâu là lúa, đâu là cỏ.Thậm chí có những người còn mang lúa đổi rượu uống. Đến mùa thu hoạch, bộ đội cũng phải đi gặt, thuê máy để tuốt cho bà con. “Cuộc sống nơi rừng rú hoang vu còn hằn sâu trong ký ức của bà con. Khi bà con về đây, cơ bản được chu cấp đầy đủ nên nhiều khi vẫn thụ động. Người Chứt vẫn giữ các hủ tục như hôn nhân cận huyết, sinh con ngoài bờ suối và tin có ma rừng” - Trung tá Tịnh nói.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Khánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết thêm, trước đây, đồng bào “đói không lo, no không mừng”, vì mọi thứ đã có Nhà nước và Bộ đội Biên phòng lo giúp, thành ra tính chủ động, ý thức vì cộng đồng rất hạn chế. Ngoài trưởng bản thường xuyên tiếp xúc với người ngoài, phần lớn các hộ dân sống khép kín, vì vậy công tác tuyên truyền, vận động bà con gặp rất nhiều khó khăn. Qua một thời gian dài, chúng tôi thấy rằng, không gì thuyết phục được họ bằng chính người trong bản nói cho họ nghe, làm cho họ thấy. Do đó, tổ cắm bản và cấp ủy, chính quyền đã chú ý nhiều hơn đến việc gắn kết, tìm hiểu bà con dân tộc Chứt nhằm phát hiện những cá nhân có tinh thần ham học hỏi, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào để đào tạo, bồi dưỡng thành hạt nhân có sức lan tỏa trong cộng đồng. Chính những cá nhân này là hạt nhân của quá trình thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre.

Năm 2003, sau một thời gian sát cánh cùng Tổ cắm bản Rào Tre, được học chữ, dạy cách từ bỏ hủ tục lạc hậu, biết làm ruộng, nuôi trâu và trở thành gia đình “khá giả” nhất nhì bản, Trưởng bản Hồ Kính và sau đó là Hồ Thị Nam được bồi dưỡng, xét kết nạp Đảng. Bởi cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt sẽ bước sang một giai đoạn khác khi những hạt giống mới đã được ươm mầm và chăm bẵm kỹ trên vùng đất khó.

Khi người Chứt vào Đảng

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Liên (nguyên cán bộ cắm bản Rào Tre), khi đã xóa được tình trạng “trắng” đảng viên, tưởng chừng như tuyên truyền vận động bà con dân bản sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ, cả bản mới có hai đảng viên, không đủ điều kiện để thành lập chi bộ nên hai đồng chí này phải sinh hoạt ghép với Chi bộ thôn 1, xã Hương Liên.

Khi người Chứt vào Đảng

“Dù bản Rào Tre và thôn 1 có những nét tương đồng, tuy nhiên, thực tế quá trình sinh hoạt đảng ở đây lại phát sinh những khó khăn, trở ngại mới. Trong sinh hoạt, các đảng viên thuộc chi bộ thôn 1 luôn thể hiện tính nề nếp, nghiêm túc. Quá trình thảo luận, tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ của chi bộ cũng được các đảng viên ở đây bàn thảo sôi nổi. Trong khi đó, sự tham gia của hai đồng chí ở bàn Rào Tre có khi chỉ mang tính hình thức, các công việc, nhiệm vụ của bà con dân bản ít được các đồng chí ấy đề cập đến, cho nên chi bộ chưa đưa ra được giải pháp phù hợp để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho đồng bào tại bản Rào Tre”.

Bà Hồ Lĩnh, người dân bản Rào Tre

Quả thật, khác với kỳ vọng ban đầu, đóng góp của hai đảng viên người Chứt đối với đời sống của bà con bản Rào Tre rất khiêm tốn. “Nhận diện được khó khăn khi đảng viên, chi bộ xa quần chúng, Đồn Biên phòng Bản Giàng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng con em đồng bào đã tốt nghiệp THCS trở lên. Đặc biệt, với sự đồng hành của ngành giáo dục và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, việc đào tạo, bồi dưỡng các em không chỉ dừng lại ở việc học tập văn hóa tại trường học, thông qua các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, xây dựng mô hình hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Những nhân tố tích cực trong bản được “chấm điểm”, từ đó tập trung tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo cơ hội để các quần chúng ưu tú phấn đấu được vào Đảng, góp phần đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho bản Rào Tre. Với cách làm đó, từ năm 2003 đến 2017, bản Rào Tre có thêm năm quần chúng ưu tú được kết nạp đảng. Tháng 2-2018, Chi bộ bản Rào Tre chính thức được thành lập, cùng với bảy đảng viên người dân tộc Chứt, Đảng ủy xã Hương Liên còn tăng cường thêm một đồng chí cán bộ cắm bản cùng sinh hoạt với các đảng viên nơi đây. Ngoài ra, các thành viên Tổ cắm bản của Biên phòng Hà Tĩnh còn tham gia sinh hoạt đảng tại chi bộ Rào Tre nhằm hướng dẫn, giúp đỡ cấp ủy nâng cao chất lượng sinh hoạt, hỗ trợ kỹ năng tổ chức, điều hành cho Bí thư chi bộ.

Đồng chí Hồ Kiên, Phó Bí thư Chi bộ Rào Tre bộc bạch: Trước đây, bộ đội dạy gì tôi làm nấy, chỉ cần gia đình tôi có cái ăn, cái mặc còn nhà khác đã có bộ đội và nhà nước lo. Thế nhưng khi được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản, đặc biệt khi trở thành đảng viên, suy nghĩ của tôi khác trước nhiều lắm. Trước hết chúng tôi thấy rằng, dân bản không thể sống nhờ vào nhà nước mãi. Bản thân mỗi gia đình phải biết cách vươn lên, biết cày ruộng, trồng lúa, trẻ em phải được đi học… Để bà con làm được công việc đó, bản thân tôi và các đồng chí đảng viên trong chi bộ phải làm trước, làm được việc để bà con tin.

Khi người Chứt vào Đảng

Mặc dù đã biết Hồ Kiên từ trước nhưng tôi không thể ngờ rằng, người phụ nữ được sinh ra và lớn lên ở bản Rào Tre này lại có suy nghĩ thấu đáo như vậy. Như để chứng minh cho lời nói của mình, Hồ Kiên dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa rộng chừng ba sào của gia đình.

“Năm nay nhờ xuống giống đúng thời vụ, chăm sóc theo hướng dẫn nên năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay. Để đôn đốc bà con thu hoạch kịp mùa vụ, từ 4 giờ sáng tôi và một số đồng chí khác đã đến từng gia đình thúc giục bà con ra đồng. Thời tiết nắng nóng như thế này chỉ cần phơi vài ngày là lúa khô rang, mình có thể bỏ chum cất được rồi” - Hồ Kiên nói.

Khi người Chứt vào Đảng

Theo chia sẻ của Trung tá Dương Thanh Tịnh, thoạt đầu, mới nghe chuyện làm ruộng không ai tin nhưng khi tận mắt chứng kiến nhà Hồ Kiên, Hồ Nam, Hồ Văn Tình… lúa chất đầy sàn bà con mới tin và làm theo.

Được biết, không chỉ mạnh dạn “đi đầu, bước trước” nhận ruộng để cày, mua bò để nuôi. Đảng viên trẻ Hồ Kiên còn là người tiên phong thực hiện di giãn dân cư, đến làm nhà ở tại khu vực tái định cư khe Sú (bản Rào Tre). Cùng với Hồ Kiên, nhiều đảng viên trẻ như: Hồ Thị Bình Xuân, Hồ Thị Duyên… cũng đến vùng đất mới để xây nhà, nhận rừng chăm sóc, ổn định cuộc sống. Gia đình nào trong bản không may bị đau ốm hoặc khi trở dạ, họ là người có mặt đầu tiên để động viên, hỗ trợ bà con. “Họ nói và làm rất giống nhau” - bà Khiên bộc bạch.

Khi người Chứt vào Đảng

Cũng với cách nghĩ trên, chị Hồ Thiu cho biết: Ngày xưa ở trong rừng khổ lắm, không có quần áo mặc, không có cơm ăn. Bây giờ được về đây ở cuộc sống thay đổi nhiều, có cái để ăn hằng ngày. Trước đây cả bản mù chữ, nay trẻ em đã được đến trường, nhiều đứa còn học cả cấp 3 và Đại học nữa. Nhìn nhà mấy đảng viên và cách họ làm lúa tôi ưng cái bụng lắm.

Đồng chí Bí thư đảng ủy xã Hương Liên, Trần Phúc Anh

Theo đồng chí Trần Phúc Anh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên, hoạt động của Chi bộ Rào Tre đã góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Theo chia sẻ của đồng chí Hồ Thị Bình Xuân, trong tổng số 17 thanh niên của bản đang đến tuổi trưởng thành thì có đến 15 thanh niên là nam giới. Do đó, các đảng viên vừa trở thành những “bà mối” xe duyên cho thanh niên của bản với người Kinh hoặc thanh niên bản khác, vừa thuyết phục, vận động người dân không tác hợp cho những cuộc hôn nhân cận huyết thống làm suy giảm giống nòi.

Ý chí vượt khó, khát vọng đưa đồng bào của mình vươn lên bắt nhịp với cuộc sống đương đại của các đảng viên ở bản Rào Tre thật sự là luồng gió mới giúp đồng bào nơi đây “sáng cái đầu, ấm cái bụng”. Rời bản Rào Tre, hình ảnh cuối cùng đọng lại là chiếc xe chất đầy rơm vàng óng theo chân Hồ Nam và những người Chứt trở về nhà. Tất cả đều rất ấm áp và hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Xuất bản: 09-6-2020
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - VIỆT ANH
Nội dung: NGÔ TUẤN
Ảnh, Video: NGÔ TUẤN - ĐÌNH PHƯỢNG
Đồ họa, kỹ thuật: PHAN ANH - ĐĂNG PHI - MAI MINH