Khi một cánh cửa đóng lại...

Tạm gác lại các vấn đề quân sự hay địa chính trị liên quan, việc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine tiếp diễn sang tháng thứ hai-trong khi các triển vọng hòa đàm vẫn còn khá mờ mịt-làm hằn sâu thêm một nỗi ám ảnh toàn cầu: Sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thách thức cực lớn này dường như cũng đang trở thành động lực, thúc đẩy thế giới mở rộng những cánh cửa mới.

Sau khi Nga khóa van những đường ống dẫn khí đốt trung chuyển qua Ukraine, thế giới bắt buộc phải thay đổi để thích ứng. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Sau khi Nga khóa van những đường ống dẫn khí đốt trung chuyển qua Ukraine, thế giới bắt buộc phải thay đổi để thích ứng. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

1 Ngày 23/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định trước Quốc hội Liên bang: Trong ngắn hạn, nước Đức chưa thể từ bỏ nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Ông viện dẫn nguyên tắc các lệnh trừng phạt không được gây tổn hại cho các quốc gia châu Âu nhiều hơn so với Nga, và chỉ ra rằng: nếu loại bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, "hàng trăm nghìn việc làm sẽ gặp rủi ro, toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ đứng trước bờ vực", và điều đó sẽ đẩy Đức và toàn bộ châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái.

Động thái này là một lời khẳng định âm thầm nhưng đầy trọng lượng, rằng việc tìm kiếm những nguồn cung thay thế cho nguồn cung năng lượng (bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt) ổn định và giá cả hợp lý từ Nga là bài toán hóc búa đến mức độ nào. Trong khi đó, rõ ràng, Trung Quốc, Ấn Độ hay nhiều nền kinh tế khác sẽ "hưởng lợi", khi vẫn tiếp tục mua, và thậm chí mua ồ ạt nhiên liệu từ Nga với giá ưu đãi.

Đến ngày 28/3, dưới rất nhiều áp lực ngoại giao, cho dù đã có thể xem là "buộc phải nhượng bộ", Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck vẫn khẳng định: Berlin không thể cấm vận năng lượng Nga ngay lập tức vì chi phí cho doanh nghiệp cũng như người dân là quá lớn.

2 Tuy nhiên, trước đó, Robert Habeck cũng đã thông báo rằng Đức - nền kinh tế dẫn dắt châu Âu - có kế hoạch chấm dứt hầu như toàn bộ nhập khẩu dầu từ Nga trong năm nay, và cắt phần lớn lượng khí đốt Nga cho đến mùa hè năm 2024. Giải pháp được đưa ra là gấp rút xây dựng hai kho tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng, cũng như đẩy mạnh chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh mà giá dầu thế giới vẫn "lơ lửng" quanh những ngưỡng cao kỷ lục (hơn 100 USD/thùng) suốt bốn tuần qua, trong lúc Saudi Arabia cũng như toàn bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn hờ hững với việc tăng sản lượng nhằm bù đắp nguồn cung để bình ổn thị trường, sau khi kho dự trữ dầu của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Aramco bị tiến công (ngày 25/3)..., các quốc gia và những nền kinh tế phương Tây dường như vẫn chưa có cách nào thoát khỏi việc bị "bắt làm con tin" bởi sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ nước Nga.

Bên kia Đại Tây Dương, tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden sụt xuống mức kỷ lục: 40%. Hiện trạng này dĩ nhiên là có liên hệ mật thiết với chuyện giá xăng liên tục "đội trần". Một thí dụ cụ thể: Cùng thời điểm này năm ngoái, để đổ đầy bình xăng một chiếc Honda CRV, người dân Mỹ chỉ mất khoảng 65 USD. Hiện tại, con số đó đã lên tới trên dưới 80 USD. Mọi lời kêu gọi "mở các kho dự trữ" nhằm đưa giá dầu hạ nhiệt đều mới chỉ là những phác thảo trên giấy. Mọi nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đều chưa mang lại được hiệu quả tức thời.

Và bởi vậy, khi chưa thể thay thế điều gần như không thể thay thế trong thời điểm hiện tại, năng lượng tái tạo trở thành một "cánh cửa thoát hiểm" dành cho tương lai, mà tất cả cùng phải hướng đến.

3 Bởi vậy, đột nhiên, châu Phi trở thành một điểm đến thu hút mọi ánh nhìn. Lý do rất đơn giản: Bên cạnh trữ lượng nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ-khí đốt) còn rất giàu tiềm năng, châu Phi hứa hẹn sẽ trở thành "lục địa vàng" cho việc khai thác "năng lượng xanh". Đã có những dự án che phủ hoang mạc Sahara bằng các tấm pin điện mặt trời được đề cập, hay là rất nhiều ý tưởng phát triển điện gió hoặc thủy điện.

Trên lý thuyết, theo Tiến sĩ Jakkie Cilliers - Trưởng phòng Tương lai và Đổi mới quốc tế của Viện Nghiên cứu an ninh (ISS) có trụ sở tại Pretoria, Nam Phi, khu vực Sahara có thể cung cấp hơn bốn lần nhu cầu năng lượng hiện tại của thế giới. Thậm chí chỉ một phần nhỏ trong số đó đã có thể thay thế việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Ông khẳng định: "Châu Âu cần hoán đổi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch từ Nga bằng năng lượng tái tạo từ châu Phi".

Tất nhiên, sẽ còn rất nhiều công đoạn nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, để kết nối những nguồn năng lượng từ "lục địa Đen" tỏa đi khắp thế giới. Tất nhiên, những dự án điện sạch này cũng sẽ còn phải được thẩm định và đánh giá kỹ lưỡng những tác động đối với môi trường. Và tất nhiên, khi "ngồi trên đống vàng", châu Phi cũng rất cần tính toán kỹ lưỡng về cách sở hữu một vị thế mới, nhằm tránh mọi hiểm họa.

Nhưng dù sao, năng lượng tái tạo vẫn sẽ là một cánh cửa đang dần mở rộng, sau khi một cánh cửa khác đã bị đóng lại. Và đặc biệt, nếu đặt câu chuyện này vào bức tranh toàn cảnh của hành tinh đang héo mòn mỗi ngày bởi biến đổi khí hậu, thì việc thay thế dần nguồn cung từ năng lượng hóa thạch lại là cánh cửa mà bất cứ nền kinh tế nào rồi cũng sẽ phải bước qua.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ trang www.WorldPopulationreview.com, tính đến đầu năm 2022, Nga vẫn là quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới (với 47,805 tỷ m3), trong khi đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước xuất khẩu dầu số hai thế giới (10.503.000 thùng/ngày), chỉ sau nước Mỹ (11.567.000 thùng/ngày).