Khẩn trương xử lý triệt để các ổ dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên

Tại bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Ðắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Ðắk Lắk đã ghi nhận 63 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tăng gấp ba lần cùng kỳ năm 2019. Ðiều đó đòi hỏi ngành y tế và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

Ðoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa, huyện Ðắk Glong, tỉnh Ðắk Nông.
Ðoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa, huyện Ðắk Glong, tỉnh Ðắk Nông.

Tiến sĩ Ðặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong số 63 trường hợp mắc bệnh bạch hầu được ghi nhận đã có ba người chết. Cụ thể, tỉnh Ðắk Nông có 25 người bệnh; tỉnh Gia Lai 15 người bệnh; tỉnh Kon Tum 22 người bệnh; Ðắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên trên địa bàn. Ðáng chú ý, đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Riêng ba người chết đều ở vùng sâu, vùng xa, là ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại các địa bàn đó do phát hiện muộn (16 năm tại đây không hề có ca bệnh)… Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đạt tỷ lệ thấp cùng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp, được cho là nguyên nhân chính khiến số người mắc bệnh tiếp tục gia tăng.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở người lớn, nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, nhất là trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm; bệnh có thể gây biến chứng nặng dẫn đến chết. Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Theo GS, TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế, bạch hầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ chết từ 5% đến 7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu đã có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Qua theo dõi tình hình bệnh bạch hầu tại các địa phương cho thấy có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây, như: diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, nhất là tỷ lệ người chết do bệnh bạch hầu tính đến thời điểm này khá cao.

Ðể kịp thời khống chế, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bệnh lây lan rộng tại cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp chặt với ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu một cách hiệu quả. Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trên diện rộng cho tất cả đối tượng từ hai tháng tuổi trở lên. Ðây là việc làm cấp bách hiện nay. Với trẻ em từ 2 đến 4 tháng tuổi tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiêm nhắc lại vắc-xin "3 trong 1" đối với trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi; sau đó tiếp tục tiêm cho trẻ từ 5 đến 7 tuổi; đối với người lớn tiêm vắc-xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). Trước mắt, tập trung ưu tiên cho người dân tại bốn tỉnh Ðắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Ðắk Lắk; sau đó tiến tới việc tiêm phòng cho các tỉnh có nguy cơ cao; đồng thời tiến hành điều trị dự phòng với tất cả những người có tiếp xúc mầm bệnh, những người trong khu vực có mầm bệnh bạch hầu. Ngày 9-7, Bộ Y tế tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng để phòng, chống các dịch bệnh, trong đó có bạch hầu. Việc triển khai chiến dịch trên diện rộng nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh.

Về công tác điều trị, Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thành lập ngay bốn tổ công tác vào "nằm vùng", hỗ trợ kịp thời cho các địa phương đang có dịch. Tổ công tác có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, với phương châm "cầm tay chỉ việc"; đồng thời sử dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương. Tiến hành rà soát phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi T.Ư, Bệnh nhiệt đới T.Ư phối hợp tiến hành đào tạo, tập huấn ngay cho cán bộ y tế các địa phương làm công tác điều trị, trong đó tập trung vào các nội dung như: chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh. Các bộ phận liên quan khác tập trung tổng hợp số liệu, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng; khởi động lại chương trình truy vết, đánh giá lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của khu vực này…

Ộ Y tế đề nghị chính quyền và ngành y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp mắc mới; khống chế, dập dịch, khoanh vùng, cách ly hạn chế người dân ra vào tại các khu vực có người bệnh; thành lập đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch. Ðẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân thực hiện. Vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bảo đảm đủ mũi và đúng lịch...

Tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu

Ngày 8-7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu các bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh khẩn trương phối hợp tổ chức đoàn công tác đến làm việc, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh Tây Nguyên; triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở y tế.

Phối hợp rà soát, hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, chuyển tuyến bệnh bạch hầu đối với các cơ sở y tế trong khu vực Tây Nguyên. Rà soát và bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, kháng huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Thiết lập đường dây nóng và hình thức hỗ trợ trực tuyến sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế tại khu vực Tây Nguyên khi có yêu cầu để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, hỗ trợ khi cần thiết.