Khẩn trương đưa bốn dự án cao tốc về đích

Tình trạng bão giá, khan hiếm nguyên vật liệu cùng với thời tiết bất thường khiến tiến độ một số gói thầu dự án đường bộ cao tốc bắc-nam bị chậm tiến độ. Với quyết tâm về đích vào cuối năm nay, ngành giao thông đang phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật bốn dự án đường bộ cao tốc Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây”.
0:00 / 0:00
0:00
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang thi công nước rút.
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang thi công nước rút.

Triển khai ba ca, bốn kíp

Trong 654km thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đang triển khai thi công có 361km thuộc bốn dự án thành phần Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Theo kế hoạch, bốn dự án này phải thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến như: thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê-tông xi-măng, bê-tông nhựa, cát vàng sản xuất bê-tông xi-măng... Bên cạnh đó, một số vật liệu như đất đắp rơi vào tình trạng khan hiếm. Thời tiết bất lợi cũng cản trở việc thi công...

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tính đến tháng 8/2022, bốn dự án trên mới đạt sản lượng trung bình 67,5% giá trị hợp đồng, chậm 1,25% so kế hoạch. Trong đó, sản lượng thực hiện dự án thành phần Mai Sơn - QL45 đạt 69,5% giá trị hợp đồng, chậm 1,5%; Dự án Cam Lộ - La Sơn đạt khoảng 94,5%, chậm 0,8%; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 50,18%, chậm 2,96% và dự án Phan Thiết - Dầu Giây đạt 55,72% giá trị hợp đồng, chậm 1,19%.

Thực tế xuyên suốt bốn ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, hơn 400 kỹ sư, công nhân của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vẫn ngày đêm bám công trường thi công hầm Thung Thi - công trình hầm lớn nhất dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn - QL45. Hiện, phần xây lắp của dự án đã đạt 90%, công việc còn lại chủ yếu là thi công bê-tông mặt đường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thiết bị bảo đảm an toàn giao thông… Tương tự, tại dự án Cam Lộ - La Sơn, nhằm tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu cũng tăng ca kíp làm việc ngày đêm để đưa dự án cán đích vào cuối tháng 10/2022.

Riêng tại khu vực phía nam, do mưa kéo dài nên các nhà thầu phải tranh thủ từng khoảng thời gian thuận lợi để thi công. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL3 (Liên danh Vinaconex - Trung Chính) dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây cho biết: Mưa liên tục nên nhà thầu thường xuyên phải thay đổi kế hoạch khiến sản lượng mới chỉ đạt gần 56%. Hiện, chúng tôi đang bố trí ba ca, bốn kíp, huy động hơn 300 công nhân cùng 300 đầu máy thiết bị thường trực ở hiện trường để sẵn sàng thi công khi đủ điều kiện cho phép. Mục tiêu đặt ra đến ngày 30/10/2022, việc thi công đất tuyến chính gói XL3 sẽ hoàn thiện và cơ bản hoàn thành thảm nhựa vào cuối năm 2022.

Bảo đảm tiến độ

Mới đây, Bộ GTVT đã tổ chức lễ phát động thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật bốn dự án đường bộ cao tốc Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây”. Để phong trào thi đua đi vào thực chất, nghiêm túc, tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng đã yêu cầu các Ban QLDA kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu và toàn dự án.

Để nâng cao trách nhiệm của nhà thầu trong việc sớm hoàn thành dự án, việc nhắc nhở, cảnh cáo, điều chuyển khối lượng nhà thầu yếu cũng đang được thực hiện. Gần đây nhất, tại gói thầu XL01, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã chuyển toàn bộ khối lượng thảm C12,5 của thầu phụ là Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn cho nhà thầu chính là Công ty CP Đầu tư và xây dựng 703 thi công. Với các nhà thầu vi phạm, ngoài chấm dứt hợp đồng còn bị cấm tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý từ 3-5 năm.

“Chúng tôi luôn luôn lắng nghe, chia sẻ với các nhà thầu, đưa ra những giải pháp tháo gỡ trên nguyên tắc phù hợp với quy định của pháp luật, chia sẻ giữa Nhà nước với doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm cho các doanh nghiệp có nguồn để thi công, tham gia các dự án kết cấu hạ tầng và đạt được mục đích là chúng ta có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, sau lễ phát động phải có không khí thi công mới trên công trường, có trách nhiệm cao ở từng vị trí một, từ công nhân đến chỉ huy trưởng, giám đốc nhà thầu, giám đốc dự án, giám đốc Ban QLDA. Các nhà thầu tăng thêm thiết bị, nhân lực để tạo không khí thi công trên công trường, vượt qua những khó khăn, hoàn thành các mục tiêu cam kết. Sắp tới sẽ triển khai thêm nhiều dự án cao tốc khác. Những nhà thầu nào làm tốt trong giai đoạn một sẽ ưu tiên để tham gia các dự án cao tốc giai đoạn hai. Những đơn vị nào làm không tốt, kiên quyết loại khỏi dự án.