Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ được mệnh danh là quê hương kỷ tử ở Trung Quốc. Nằm ở khu vực có đông người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế-xã hội nhiều khó khăn, địa phương này đã tận dụng tốt những lợi thế từ kỷ từ, một giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, vào phát triển đa dạng các ngành nghề, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân địa phương có cuộc sống sung túc.

NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Cánh đồng kỷ tử.

Cánh đồng kỷ tử.

Kỷ tử, hay còn gọi là câu kỷ tử, là loài thực vật phân bố chủ yếu ở vùng tây bắc Trung Quốc, trong đó, Ninh Hạ là địa phương có diện tích trồng lớn nhất. “Kỷ tử Ninh Hạ” đã được đưa vào Dược điển Trung Quốc năm 2010, đồng thời được cấp chỉ dẫn khí hậu quốc gia cho sản phẩm nông nghiệp.

Kỷ tử được ghi chép sớm nhất trong cuốn Thi kinh của Trung Quốc từ hơn 2.000 năm trước, sau đó xuất hiện trong nhiều cuốn thư tịch cổ với tư cách là một vị thuốc đông y.

Kỷ tử Ninh Hạ là loài cây bụi, thân cao từ 0,8 đến 2m, đường kính từ 10 đến 20cm, cành nhánh xum xuê, lá mọc so le hoặc thành chùm, hình mác thuôn; hoa mọc thành 1 đến 2 bông trên cành dài, mọc thành chùm 2 đến 6 bông trên cành ngắn, hình phễu, màu tím.

Quả kỷ tử tươi.

Quả kỷ tử tươi.

Quả kỷ tử tươi.

Quả kỷ tử tươi.

Quả kỷ tử tươi.

Quả kỷ tử tươi.

Quả có màu đỏ hoặc cam, mọng và nhiều nước, hình dáng và kính thước khác nhau, tùy thuộc vào tuổi thọ của cây cũng như môi trường sinh trưởng, thông thường có hình bầu dục, hình trứng hoặc hình cầu, dài từ 8 đến 30mm, đường kính 5 đến 10mm. Mỗi quả thường có hơn 20 hạt màu vàng nâu, dài khoảng 2mm. Thời gian nở hoa tương đối dài, từ tháng 5 đến 10 hằng năm, vừa ra hoa vừa kết trái, thu hoạch theo từng đợt.

Cây kỷ tử ưa khí hậu mát mẻ, có khả năng chịu lạnh và chịu hạn tốt, do vậy có thể sinh trưởng trên sa mạc cằn khô, không bị đóng băng trong điều kiện giá buốt tới -25 độ C. Nếu được bảo đảm một lượng nước nhất định, với ánh sáng dồi dào, cây kỷ tử sẽ sinh trưởng mạnh, cho nhiều hoa và quả lớn, năng suất cao, chất lượng tốt.

Kỷ tử là loại cây trồng có nhiều giá trị. Phải kể đến đầu tiên là chức năng làm thuốc: quả kỷ tử (đông y gọi là "câu kỷ tử"), có tính bình, vị cam, bổ gan, thận, phổi; vỏ cây kỷ tử (đông y gọi là "địa cốt bì"), có tác dụng giải nhiệt, dừng ho; lá kỷ tử được hái vào mùa xuân đến đầu mùa hạ, có tác dụng bổ hư ích tinh, thanh nhiệt, sáng mắt. Ngoài ra, kỷ tử còn có giá trị lâm nghiệp trong bảo tồn đất và nước tại các vùng đất cát nhờ có khả năng chịu hạn.

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, công dụng của kỷ tử chủ yếu là bổ thận, bổ gan, cải thiện thị lực, giảm ho; dùng để chữa trị các bệnh về gan, thận, đau lưng mỏi gối, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, tiểu đường, tiểu tiện đêm nhiều. Phương thuốc nổi tiếng là kỷ tử địa hoàng hoàn, với dược liệu chính là kỷ tử. Trong dân gian, thường dùng kỷ tử để chữa các bệnh mãn tính về mắt, với phương thức đơn giản là kết hợp quả kỷ tử trong các món ăn. Kỷ tử có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, bồi bổ cơ thể, chống lão hóa, chống ung thư và tiểu đường; hạ huyết áp, giảm mỡ máu và đường máu, chống xơ cứng động mạch, bảo vệ gan, ức chế gan nhiễm mỡ, thúc đẩy tái tạo tế bào gan.

Bộ Y tế Trung Quốc đưa kỷ tử vào danh mục loài cây trồng lưỡng dụng, dùng cho cả sản xuất dược phẩm và thực phẩm. Ngoài quả tươi có thể sử dụng trực tiếp, kỷ tử thường được phơi khô, dùng để chế biến thành các món ăn, đồ ống, thực phẩm chức năng, dược phẩm...

Ninh Hạ là vựa trồng kỷ tử ở Trung Quốc, với lịch sử thuần hóa và canh tác trên 500 năm. Tính đến cuối năm 2021, diện tích trồng đạt 430.000 mẫu (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,67m2), với tỷ lệ chuẩn hóa đạt 80%, tỷ lệ sử dụng giống cải tiến đạt 95%, sản lượng quả tươi đạt 300.000 tấn, trong đó 28% được chế biến và chuyển đổi thương mại hóa, có 77 loại sản phẩm được chế biến sâu, giá trị tổng hợp của toàn ngành đạt 25 tỷ nhân dân tệ.

LOẠI CÂY XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

Cánh đồng kỷ tử.

Cánh đồng kỷ tử.

Nằm ở khu vực tây bắc với nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội, như đất đai khô cằn, nhiều sa mạc, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, do phân tán ở các vùng núi cao, khó bảo đảm về sinh kế, Ninh Hạ đã gắn kết việc phát triển ngành nghề kỷ tử với việc di dân sinh thái, tức là bố trí tái định cư cho người dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa về các khu vực mới để hỗ trợ tập trung cả về sinh kế, việc làm cũng như các điều kiện phát triển khác.

Thôn Hồng Đức ở thành phố Ngô Trung là điển hình trong công tác di dân sinh thái, tập trung người dân nghèo đến từ 27 thôn ở 5 xã, thị trấn ở các huyện nghèo nhất của thành phố này. Ở thời điểm mới tái định cư năm 2012, thu nhập người dân chưa đến 1.800 nhân dân tệ. Nhưng nhờ phát triển ngành sản xuất kỷ tử, cả thôn đã thoát nghèo vào năm 2019, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 12.500 nhân dân tệ, thu nhập từ kinh tế tập thể của cả thôn đạt 1,42 triệu nhân dân tệ.

Ông Nhậm Quân, Trưởng thôn Hồng Đức chia sẻ, kỷ tử là cây trồng chính và cũng là ngành nghề đem lại thu nhập chủ yếu cho người dân, để giúp họ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Trồng cây kỷ tử tại các vùng đất cát, gần như sa mạc, không những góp phần chống sa mạc hóa, phủ xanh mặt đất, giữ đất và nước, bảo tồn sinh thái; mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Bởi phần lớn người dân tái định cư về đây có trình độ văn hóa thấp, trồng trọt, thu hái kỷ tử hoặc tham gia các công đoạn sơ chế kỷ tử đem lại thu nhập ổn định cho họ.

Thu hoạch kỷ tử trên cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu.

Thu hoạch kỷ tử trên cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu.

Thu hoạch kỷ tử trên cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu.

Thu hoạch kỷ tử trên cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu.

Thu hoạch kỷ tử trên cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu.

Thu hoạch kỷ tử trên cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu.

Cách thức giúp người dân ở đây thoát nghèo thành công trên chính mảnh đất của mình là, đại bộ phận người dân thực hiện chuyển đổi mảnh đất canh tác của mình cho các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã của thôn để được phân chia lợi nhuận hằng năm; đồng thời cũng trở thành công nhân, tham gia trồng trọt, thu hoạch và chế biến kỷ tử trên chính mảnh đất chung với mức lương và phúc lợi hằng tháng.

Điều này giúp khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, tạo công việc ổn định và tác phong công nghiệp cho người dân nông thôn.

Ông Bàng Đơn, trưởng nhóm hỗ trợ giảm nghèo thôn Hồng Đức cho biết, bản thân là một cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhà nước, được cử về để hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian 2 năm. Với những kinh nghiệm quản lý từ doanh nghiệp, cũng như sự am hiểu về tài chính, quy hoạch, dự án, bản thân ông đã thúc đẩy kêu gọi nhiều doanh nghiệp về đầu tư vào ngành kỷ tử ở địa phương, nhất là khâu chế biến sâu, thúc đẩy tiêu thụ trên kênh thương mại điện tử... nâng cao giá trị gia tăng của cây kỷ tử. Điều ông Bàng Đơn tâm đắc nhất là, phải biết gây dựng các điển hình hoặc hạt nhân đi đầu trong phát triển kinh tế, tạo hiệu ứng để lôi kéo người dân địa phương cùng tham gia.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ KỶ TỬ

Cánh đồng kỷ tử.

Cánh đồng kỷ tử.

Kỷ tử là một trong những ngành kinh tế trụ cột quan trọng của Ninh Hạ, được xác định là động lực để địa phương này đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 100 tỷ nhân dân tệ, được ví như tấm danh thiếp, thương hiệu của Ninh Hạ với bên ngoài. Từ tháng 7/2020, Ninh Hạ xác định phát triển kỷ tử như là một trong 9 ngành nghề trọng điểm, với cơ chế thúc đẩy phát triển chất lượng cao.

So các địa phương khác ở Trung Quốc, kỷ tử ở Ninh Hạ có các lợi thế phát triển là đi đầu trong công tác lai tạo giống, với một hệ thống phát triển hạt giống hiện đại, tích hợp, có khả năng nhân giống hơn 100 triệu cây/năm, chiếm hơn 90% tổng số cây giống cả nước. Ninh Hạ có năng lực nghiên cứu khoa học rất hùng hậu, đã thiết lập 2 cơ sở nghiên cứu của viện sĩ, 14 cơ sở bồi dưỡng nhân lực ngành kỷ tử, 4 nền tảng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia; là nơi đặt trụ sở của Viện nghiên cứu kỷ tử Trung Quốc, 2 vườn ươm giống kỷ tử quốc gia, 1 cơ sở bảo vệ tài nguyên kỷ tử Ninh Hạ, 3 cơ sở kiểu mẫu về lai tạo phát triển giống cấp tỉnh. Nhờ đó, địa phương này đã vẽ được bản đồ gen và bản đồ vật lý di truyền kỷ tử đầu tiên trên thế giới, với chú thích 716 gen đặc hữu của kỷ tử. Ninh Hạ có hệ thống tiêu chuẩn dẫn đầu cả nước, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với quả kỷ tử, tiêu chuẩn quy cách và phân loại kỷ tử khô thương phẩm...

Kỷ tử Ninh Hạ đạt tỷ lệ chế biến sâu khá cao (28%), với hơn 70 sản phẩm thuộc 10 loại lớn gồm quả khô, rượu kỷ tử, thực phẩm chức năng, dược phẩm đông y, cũng như các sản phẩm phái sinh khác. Chỉ dẫn địa lý "kỷ tử Ninh Hạ" được Cục Sở hữu trí tuệ nhà nước cấp, trở thành nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý đầu tiên được đăng ký bằng một địa danh cấp tỉnh.

Các sản phẩm từ kỷ tử.

Các sản phẩm từ kỷ tử.

Năm 2021, "kỷ tử Ninh Hạ" đã lọt tốp 10 thương hiệu nông nghiệp vùng miền có tầm ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc. Thương hiệu này còn được đưa vào danh sách bảo hộ và công nhận lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý giữa Trung Quốc và châu Âu. Theo tính toán, thương hiệu kỷ tử Ninh Hạ có giá trị trên thị trường hơn 19 tỷ nhân dân tệ.

Ninh Hạ đã trở thành trung tâm giao dịch chủ yếu của các sản phẩm kỷ tử, tiêu thụ đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như châu Âu và Mỹ, với quy mô khoảng 5.000 tấn kỷ tử, kim ngạch xuất khẩu hơn 60 triệu USD. Riêng huyện Trung Ninh đã được phê duyệt xây dựng sàn giao dịch kỷ tử cấp quốc gia, với giá trị giao dịch hằng năm lên tới gần 4 tỷ nhân dân tệ, trong đó giao dịch trực tuyến 1,61 tỷ nhân dân tệ, hơn 85% khối lượng kỷ tử khô của các địa phương lân cận như Thanh Hải, Cam Túc, Nội Mông đều được giao dịch tại đây.

Điều khá đặc biệt là, ở Ninh Hạ, kỷ tử thật sự trở thành ngành kinh tế tổng hợp với sự ra đời của nhiều mô hình sáng tạo như “kỷ tử + văn hóa + du lịch”. Những cánh đồng kỷ tử rộng hàng nghìn mẫu đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn để trải nghiệm hái quả, chụp ảnh, tìm hiểu các sản phẩm từ cây kỷ tử.

Những sản phẩm văn hóa như bài hát, điệu múa về kỷ tử thể hiện sự sáng tạo trong kết hợp kinh tế nông nghiệp với du lịch. Khách nước ngoài hoặc địa phương khác có thể trải nghiệm một tour du lịch trọn vẹn từ trải nghiệm hái quả trên cánh đồng, tham quan trưng bày triển lãm về các sản phẩm kỷ tử, đến các nhà máy sản xuất đồ uống kỷ tử và kết thúc bằng một bữa tiệc kỷ tử với gần 20 món được chế biến bằng các loại quả kỷ tử tươi và khô.

Bữa tiệc kỷ tử.

Các sản phẩm từ kỷ tử.

Bữa tiệc kỷ tử.

Các sản phẩm từ kỷ tử.

Bữa tiệc kỷ tử.

Bữa tiệc kỷ tử.

Item 1 of 3

Bữa tiệc kỷ tử.

Các sản phẩm từ kỷ tử.

Bữa tiệc kỷ tử.

Các sản phẩm từ kỷ tử.

Bữa tiệc kỷ tử.

Bữa tiệc kỷ tử.

Theo đánh giá, tuy đại dịch Covid-19 cùng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt theo chính sách Zero Covid ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế Trung Quốc trong hơn 2 năm qua, song nhờ kết hợp linh hoạt tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, kết hợp với du lịch và dịch vụ... mà kinh tế kỷ tử ở Ninh Hạ có thể chống chịu trước các tác động tiêu cực, từ đó duy trì đà tăng trưởng hợp lý.

Trung Quốc từ lâu đã coi trọng việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nông sản, đẩy mạnh phát triển thương hiệu ở cả trong và ngoài nước. Mỗi địa phương thường lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh để xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc

Chính quyền các địa phương đầu tư hỗ trợ nguồn lực rất lớn và đưa vào chương trình nghị sự cũng như quy hoạch trung và dài hạn. Đồng thời, chú trọng xây dựng một vài doanh nghiệp đầu tàu, có thực lực để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị hoàn thiện, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Vai trò của truyền thông, quảng bá cũng rất quan trọng, để đưa những câu chuyện có ý nghĩa về sản phẩm tới người tiêu dùng, từ đó hình thành thói quen và văn hóa tiêu dùng.

Ngoài ra, khai thác các kênh thương mại điện tử, ứng dụng dữ liệu lớn trong thống kê, phân tích xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cũng là cách để các địa phương Trung Quốc gặt hái thành công trong xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản bản địa.

Thu hoạch kỷ tử trên cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu

Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc thông thường được triển khai theo hai hướng: Một là nghiên cứu để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, điều này cần vai trò nhất lớn của doanh nghiệp vốn có sự nhạy cảm với thị trường, để phát hiện và dự báo xu thế, đưa ra những sản phẩm có tích phù hợp cao; hai là dẫn dắt, định hướng các trào lưu để đưa ra những sản phẩm mới, độc, lạ, có khả năng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Ông Vương Bằng, nghiên cứu viên Đại học Nhân Dân (Trung Quốc)

Cả hai hướng đi này đều đúng với kỷ tử ở Ninh Hạ, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một loại sản phẩm truyền thống bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, giảm thiểu các “chứng bệnh nhà giàu”; đồng thời, liên tục có những sản phẩm mới tích hợp vào nhu cầu của con người trong đời sống hiện đại. Ngoài ra, mối liên hệ mật thiết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân là không thể thiếu đối với các thương hiệu nông sản.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Ninh Hạ đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng kỷ tử lên 700.000 mẫu, nâng tỷ lệ chế biến lên 40%, giá trị sản xuất tổng hợp đạt 50 tỷ nhân dân tệ, thông qua 6 nội dung trọng điểm là xây dựng cơ sở sản xuất ổn định, doanh nghiệp đầu ngành, thúc đẩy khoa học-công nghệ, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu và văn hóa kỷ tử, để đưa địa phương này trở thành trung tâm xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chuẩn, chế biến sâu, nghiên cứu sáng chế, quảng bá văn hóa và giao dịch thị trường kỷ tử của Trung Quốc và cả thế giới.

Nội dung: HỮU HƯNG
Ảnh: HỮU HƯNG, VI SA, VƯƠNG HÀNG ĐỆ
Clip: VI SA
Trình bày: PHÙNG TRANG
Ngày xuất bản: 12/7/2022