Kết quả kinh doanh bấp bênh vì đầu tư cổ phiếu

Dùng vốn nhàn rỗi đầu tư vào cổ phiếu là cách giúp nhiều doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận trong năm 2021 khi thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm 2022, thị trường diễn biến tiêu cực, một số doanh nghiệp chưa “thoát hàng” đang chịu cảnh thua lỗ vì “ôm” cổ phiếu giảm điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận nhiều doanh nghiệp thua lỗ do đầu tư chứng khoán. Ảnh: NAM ANH
Báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận nhiều doanh nghiệp thua lỗ do đầu tư chứng khoán. Ảnh: NAM ANH

Lợi nhuận lao dốc vì đầu tư cổ phiếu

Tại báo cáo tài chính quý II/2022 vừa công bố, hàng loạt doanh nghiệp đã để lộ “mảng tối” lợi nhuận do khoản mục chứng khoán kinh doanh. Đơn cử, Công ty cổ phần Hóa An (mã chứng khoán: DHA) ghi nhận doanh thu quý II hơn 95,6 tỷ đồng, gần tương đương con số 95,8 tỷ đồng của quý II/2021; lãi gộp chỉ giảm 25% (từ 31,4 tỷ xuống còn 23,5 tỷ đồng). Song do khoản chi phí tài chính ngắn hạn tăng vọt từ 4,2 tỷ đồng của quý II năm ngoái lên 21 tỷ quý II năm nay (trong khi doanh thu tài chính chỉ 3,6 tỷ đồng, tương đương năm ngoái) mà lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lao dốc từ 26,8 tỷ đồng xuống còn 2,3 tỷ đồng (tương đương giảm 91%).

Trong kỳ, DHA không phải chi trả lãi vay, thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, khoản 21 tỷ đồng này hoàn toàn là chi cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Cụ thể, doanh nghiệp đang nắm giữ hơn ba triệu cổ phiếu, trong đó chủ yếu là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (hơn 2,5 triệu đơn vị), TTC của CTCP Gạch men Thanh Thanh (297.000 đơn vị)… Cuối kỳ, DHA phải trích lập dự phòng 24,1 tỷ đồng do các mã cổ phiếu nắm giữ bị giảm giá, trong đó chủ yếu là HPG.

Theo lãnh đạo DHA, sở dĩ lợi nhuận quý II của doanh nghiệp giảm hơn 90% so cùng kỳ năm ngoái là do hai nguyên nhân: giá dầu tăng làm cho chi phí đầu vào tăng và trích lập dự phòng cổ phiếu HPG tới 20,17 tỷ đồng.

Không chỉ bị giảm lợi nhuận như Hóa An, CTCP Licogi 14 (mã L14) còn bị chuyển lãi thành lỗ do đầu tư tài chính. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Licogi 14 đạt 87,8 tỷ đồng trong kỳ, lãi gộp

42 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng hơn sáu lần (từ 65 tỷ đồng lên 402 tỷ đồng) dẫn đến Licogi 14 phải báo lỗ 367 tỷ đồng, dù cùng kỳ năm ngoái lãi 28,6 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, riêng khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn là 375 tỷ đồng. Tức là khoản đầu tư chứng khoán của Licogi 14 đang lỗ 375 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6/2022, Licogi 14 đang nắm giữ số cổ phiếu trị giá 688,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với giá trị đầu năm là 486 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2022 của doanh nghiệp không cho biết doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phiếu nào, song tại thời điểm cuối năm 2021, danh mục đầu tư cổ phiếu của Licogi 14 bao gồm gần 7,6 triệu cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O và 2,9 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp). Cuối năm 2021, cả hai mã này đều tăng mạnh nên giá trị đầu tư ban đầu của Licogi 14 chỉ có 486 tỷ đồng đã tăng lên 815,7 tỷ đồng (lãi gần 68%).

Tương tự, tại CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (mã NDN), trong quý II/2022, doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 184 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm từ 53,4 tỷ đồng xuống còn 9,8 tỷ đồng; trong khi chi phí tài chính tăng 11 lần (từ 11,7 tỷ đồng lên 128,8 tỷ đồng) khiến NDN báo lỗ gần 120 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 104 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng đầu năm, doanh nghiệp này lỗ gần 91 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi gần 165 tỷ đồng.

Trong biên bản giải trình biến động lợi nhuận gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 20/7, đại diện doanh nghiệp cho biết lý do vì “Thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả”.

Hiện tại, CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng đang nắm giữ danh mục gồm 19 cổ phiếu, gồm VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), MB (Ngân hàng Quân đội), KBC (Đô thị Kinh Bắc), ABB (Ngân hàng An Bình), TCB (Techcombank),… thậm chí có cả những cổ phiếu đầu cơ đang có diễn biến tiêu cực như FLC (Tập đoàn FLC). Giá gốc của danh mục này là hơn 310 tỷ đồng, song đến nay giá trị hợp lý chỉ còn 220 tỷ đồng, nghĩa là doanh nghiệp đang tạm lỗ hơn 90 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.

Trước đó, năm 2021, doanh nghiệp này lãi hàng trăm tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán, với khoản doanh thu hoạt động tài chính hơn 200 tỷ đồng, trong đó hơn 130 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán, gấp sáu lần cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn khác cũng đang thua lỗ chứng khoán như Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) của “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh. Quý II/2022, VHC có khoản đầu tư cổ phiếu gần 200 tỷ đồng tính theo giá gốc, tuy nhiên giá trị hợp lý chỉ còn hơn 137 tỷ đồng, doanh nghiệp này phải trích dự phòng gần 63 tỷ đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) hiện đang nắm giữ cổ phiếu trị giá hơn 6,9 tỷ đồng giá mua vào, đến cuối quý vừa rồi đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 664 triệu đồng (chiếm gần 10% giá vốn)…

Triển vọng “về bờ”

Theo ông Nguyễn Chí Tài, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán ngân hàng Á Châu (ACBS), đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bị thu hẹp mảng kinh doanh cốt lõi nên đã “lấn sân” vào thị trường chứng khoán rồi rút ra không kịp, dẫn đến ôm những khoản nợ lớn. Còn đối với các công ty chứng khoán, ngoài sự suy giảm của thị trường, hoạt động tự doanh của các doanh nghiệp chứng khoán ghi nhận các khoản chênh lệch giảm do đánh giá lại khoản đầu tư; cụ thể là doanh thu hoạt động giảm trong khi chi phí hoạt động tăng.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán có những đặc thù riêng, luôn biến động mạnh và khó lường. Do đó, kiếm lời từ kênh đầu tư này chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất vốn là những “tay ngang” trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Nhìn rộng ra, việc thị trường chứng khoán phát triển mạnh trong hai năm 2020, 2021 đã khiến không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà nhiều doanh nghiệp (gồm cả công ty chứng khoán lẫn doanh nghiệp “tay ngang”) hứng thú với kênh đầu tư này. Khá nhiều doanh nghiệp có định hướng tạm thời mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư với mục tiêu “lướt sóng” ngắn hạn để tận dụng thị trường thuận lợi. Thậm chí có cả những doanh nghiệp “sa chân” vào chứng khoán, lơ là ngành nghề kinh doanh chính. Kết quả là có những doanh nghiệp đã thành công, tối ưu hóa dòng vốn trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn vì đại dịch, kênh tiết kiệm có lãi suất thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp chưa kịp “thoát hàng” nên đã ôm “quả đắng” như vừa phân tích.

Tuy vậy, phần đông chuyên gia tài chính nhận định rằng, dù có hiệu suất âm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là có triển vọng khả quan. Theo ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, kinh tế thế giới có thể có suy thoái nhẹ vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 trước khi đón nhận “siêu chu kỳ tăng trưởng” từ cuối năm 2023 đến năm 2024. “Chỉ cần nắm giữ cổ phiếu tốt có định giá hấp dẫn và sống sót qua giai đoạn này, cơ hội nhân đôi, nhân ba tài khoản là hoàn toàn có thể”, ông Bình nói.