IMF cảnh báo về những "vết sẹo Covid-19" của nền kinh tế thế giới

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có nguy cơ để lại “những vết sẹo lâu dài” đối với nền kinh tế toàn cầu. Đây là cảnh báo do Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong một tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 15-10.

Biểu tượng của IMF. (Ảnh: Anadolu)
Biểu tượng của IMF. (Ảnh: Anadolu)

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính nhiều nước cảnh báo cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái giữa những năm 1930 của thế kỷ trước có nguy cơ gây thiệt hại lâu dài trừ phi nhiều nước tiếp tục được hỗ trợ kinh tế.

Ủy ban nêu trên cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể để lại những vết sẹo lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu như tăng trưởng năng suất thấp, trong khi gánh nặng nợ nần, bất ổn tài chính, bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng.

Đánh giá tình hình kinh tế hiện nay, Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế cho biết: “Kinh tế toàn cầu đang chập chững phục hồi với sự hỗ trợ của những đối sách kinh tế vĩ mô đặc biệt. Tuy nhiên, quá trình phục hồi diễn ra tại từng lĩnh vực, không đồng đều và thiếu chắc chắn”.

Trong tuyên bố chung, ủy ban này cam kết hỗ trợ những quốc gia và người dân dễ bị tổn thương nhất. Ủy ban cũng hối thúc các chủ nợ tư nhân tích cực tham gia chương trình xóa nợ, giãn nợ cho những nước kém phát triển để những nước này có cơ hội tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch.

Đồng thời, ủy ban hoan nghênh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhất trí gia hạn thêm sáu tháng Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm nay.

Tháng 5 vừa qua, G20 và các chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris đã khởi xướng DSSI nhằm giúp các quốc gia nghèo trên thế giới tập trung nguồn lực để phòng chống đại dịch Covid-19 cũng như tái thiết nền kinh tế.

Phát biểu ý kiến tại một cuộc họp báo trực tuyến sau cuộc họp trên, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá thế giới đang trong một cuộc khủng hoảng không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây. Do đó, cộng đồng quốc tế cần hợp tác mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong vấn đề nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine phòng Covid-19 để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bà cho rằng. quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này có thể tạo đà cho phục hồi kinh tế, giúp thu nhập toàn cầu tăng thêm 9.000 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, điều này có thể góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nước giàu và nước nghèo. Ngoài ra, Tổng Giám đốc Georgieva cũng kêu gọi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc duy trì chương trình kích thích kinh tế, đóng góp vào tiến trình phục hồi kinh tế chung của cả thế giới.