Phóng viên: Lựa chọn trở về Việt Nam khi ông đang có vị trí nhất định trong cộng đồng khoa học tại Mỹ, lời mời nào từ Vingroup hấp dẫn ông tới vậy?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Trước đây, tôi trở về Việt Nam nhiều lần, nhưng chỉ đóng góp nội lực cá nhân như dạy học, hỗ trợ sinh viên, xin học bổng cho các em. Nhưng làm một mình thì mức tác động rất thấp.

Cách đây 5 năm, anh Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) và tôi có gặp gỡ, nói chuyện nhiều với nhau về câu chuyện làm thế nào phát triển cộng đồng khoa học - công nghệ tại Việt Nam. Lúc đầu, tôi nghĩ chủ đề chỉ là phát triển một số dự án khoa học nhất định, nhưng khi được thảo luận về ý tưởng phát triển  thêm một quỹ tài trợ cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam, thì chương trình đẹp và toàn diện, quyến rũ hơn rất nhiều. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Vingroup, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (tiền thân của Công ty VinBigdata) và quỹ VINIF đã ra đời cùng nhau như thế.

5 năm qua, tôi phải làm quen với một số công việc hoàn toàn mới, và cũng có rất nhiều trăn trở khi phải đứng đầu các dự án phức tạp hơn các công việc trước đây của mình rất nhiều. Làm khoa học lý thuyết nhẹ nhàng hơn, làm khoa học có ứng dụng, rồi tiến hẳn ra thành sản phẩm thương mại là câu chuyện hoàn toàn khác. Cũng là một sự dấn thân.

GS Vũ Hà Văn tại một buổi tọa đàm về nhân lực chất lượng cao khoa học dữ liệu.

GS Vũ Hà Văn tại một buổi tọa đàm về nhân lực chất lượng cao khoa học dữ liệu.

Phóng viên: Nhìn vào thành quả mà VINIF có được trong 5 năm qua, tôi nghĩ, hẳn có những điều vượt qua sự kỳ vọng của ông?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Giá trị tức thời quỹ mang đến là giúp cho các nhiều nhà khoa học một nguồn tài chính đáng kể để mọi người có thời gian tập trung nghiêm túc, quyết liệt vào nghiên cứu khoa học.

Quan trọng hơn, VINIF đã góp phần tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, văn minh,  theo chuẩn của quốc tế.  Qua môi trường này, chúng tôi mơ ước có thể truyền cảm hứng để tạo ra một lớp nhà khoa học trẻ có năng lực, trung thực và có trách nhiệm xã hội.

VINIF đã góp phần tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, văn minh,  theo chuẩn của quốc tế.  Qua môi trường này, chúng tôi mơ ước có thể truyền cảm hứng để tạo ra một lớp nhà khoa học trẻ có năng lực, trung thực và có trách nhiệm xã hội.

- GS Vũ Hà Văn -

Sự phát triển của một em bé thường có thay đổi rõ rệt khi môi trường chung quanh thay đổi. Sự phát triển của các nhà khoa học trẻ cũng vậy. Chúng tôi kỳ vọng những hoạt động của quỹ đã và đang mang lại một nguồn cảm hứng mới và mạnh mẽ trong sinh hoạt khoa học tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Phóng viên: Là Giám đốc khoa học của Quỹ, khi thẩm định cấp vốn cho các công trình, sẽ có công trình thành công, công trình thất bại. VINIF đối diện với điều đó như thế nào?

Giáo sư Vũ Hà Văn:. Quỹ hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Ngoài ra, chúng tôi luôn ủng hộ nhà khoa học đăng ký sang chế ở nước ngoài, ghi thêm dấu ấn cho công nghệ Việt. Trong những trường hợp như thế, chúng tôi sẵn sàng giúp thêm khoản kinh phí hoặc  giúp tư vấn đăng ký bằng phát minh sáng chế.

Nếu đề tài nghiên cứu có khả năng thành công lớn khi thương mại hoá, chúng tôi có thể giúp kết nối với các nhà đầu tư, hay các doanh nghiệp có thể quan tâm đến sản phẩm.

Trong thời gian vừa qua, có những dự án bị ảnh hưởng do  Covid-19 (như những dự án về y tế). Khi đó, chúng tôi sẽ gia hạn thêm thời gian cho dự án hoặc hỗ trợ thêm một số chuyên gia tư vấn cho dự án. Phần lớn sau đó các dự án đều khắc phục được.

Trong một vài trường hợp, dự án không thể đạt được các tiêu chí đề ra, thì phải bắt buộc nghiêm thu không thành công. Đó cũng là một rủi ro mà tât cả các quỹ khoa học cần phải đối mặt.

Phóng viên: Những nỗ lực cống hiến của ông đối với giới nghiên cứu khoa học trong nước là nhằm đạt mục tiêu gì? Có phải ông đang muốn tạo ra một lớp các nhà khoa học trẻ văn minh, chuẩn mực?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Vâng tôi nghĩ sự phát triển rất phụ thuộc vào môi trường. Với người làm khoa học trẻ cũng vậy, nếu chúng ta tạo ra sân chơi chuyên nghiêp, đúng chuẩn mực,  thì nó có ảnh hưởng rất lớn đến cách suy nghĩ và làm việc của các em sau này.

Bắt đầu với việc gửi đề án, chúng tôi yêu cầu các tác giả phải viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, đáp ứng được tiêu chí của các phản biện quốc tế.  Chúng tôi cũng có những yêu cầu riêng về tạp chí công bố, loại bỏ các tạp chí “săn mồi”, chỉ chạy theo lợi nhuận, đăng tải những bài báo chất lượng kém. Các bạn trẻ làm quen với các tiêu chuẩn quốc tế này, tính chuyên nghiệp sẽ tăng cao, cũng như các cầu thủ được đào tạo bài bản từ nhỏ, họ sẽ không “đá phủi”.

Các hồ sơ xin tài trợ được thẩm định rất kỹ bởi đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước (hiện chúng tôi làm việc với hơn 300 chuyên gia trong mọi lĩnh vực). Ngoài ra, tính đúng hạn cũng rất quan trọng. Quỹ và các chuyên gia phải hoạt động rất nhịp nhàng, sao cho khớp với thời gian công bố các dự án được tài trợ hay các cá nhân được học bổng. Tất cả các thứ đó cùng nhau tạo nên một khái niệm về sự hiệu quả, minh bạch và chuyên nghiệp.

Phóng viên: Làm thế nào để chúng ta coi việc làm nghiên cứu sinh sau đại học là một nghề ?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Trong một thời gian khá lâu, việc làm tiến sĩ được coi như là phấn đấu đạt được một học vị, cho một mục đích khác. Phần lớn người làm tiến sĩ vẫn làm một công việc khác để nuôi sống bản thân, nghiên cứu trong thời gian rảnh rỗi, thường là rất eo hẹp.

Trên thế giới, làm tiến sĩ chỉ là bước đầu để bước vào con đường nghiên cứu. Bằng tiến sĩ chỉ là chứng chỉ cho thấy người đó có khả năng tiếp tục nghiên cứu trong các trung tâm khoa học. Người làm tiến sĩ được trường đại học của mình trả lương, hay học bổng, và có nghĩa vụ dành toàn thời gian tham gia vào công việc này.  Chỉ như thế chất lượng nghiên cứu của họ mới theo kịp trào lưu chung.

Quỹ VINIF cấp các học bổng rất đáng kể cho sinh viên làm tiến sĩ (và cả thạc sĩ), với mục đích như vậy. Khoa học nên lấy chất làm chính, cấp ra 10 tấm bằng, chưa chắc đã bằng đào tạo được một người chuyên nghiệp.

Phóng viên: Để không lãng phí chất xám từ các phòng nghiên cứu, để các sản phẩm từ phòng nghiên cứu có thể ra được thị trường, các nhà khoa học Việt Nam cần làm gì?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Từ lý thuyết đến sản phẩm phòng thí nghiệm thì cần sự hỗ trợ của các quỹ hỗ trợ khoa học và các trường đại học. Nhưng khi muốn sản phẩm ở phòng thí nghiệm trở thành sản phẩm thương mại thì đó là vấn đề đầu tư. Tiền sẽ đến từ doanh nghiệp hay các quỹ đầu tư, thậm chí các cá nhân muốn đầu tư. Cái khó là các nhà khoa học phải thuyết phục được các tổ chức này về tính hữu dụng của sản phẩm. 

Điều này cần một sự dấn thân từ các nhà khoa học, vì việc gọi vốn đầu tư là việc khó, và các quỹ đầu tư cũng như doanh nghiêp có cách nhìn và đánh giá hoàn toàn khác so với các quỹ hỗ trợ khoa học. Quá trình này có thể kéo dài nhiều năm. Thường những nhà khoa học muốn khởi nghiệp, cũng đều phải dành ít nhất vài ba năm vào việc đó, và thành bại thì có yếu tố may rủi rất nhiều, nhưng đã làm thì phải quyết đoán chứ khó nửa vời.

Nhiều trường đại học hiện cũng đã tạo ra cơ chế hợp lý để giảng viên có thể nghỉ một vài năm tham gia khởi nghiệp, sau đó có thể quay lại giảng dạy bình thường.

Phóng viên: Kỳ vọng xây dựng được một văn hóa nghiên cứu trung thực và chuẩn mực quốc tế lan tỏa trong cộng đồng khoa học công nghệ có phải là một tham vọng lớn?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Như tôi nói ở trên, Quỹ VINIF hướng tới tạo ra cho các nhà khoa học trẻ tác phong làm việc đúng mà một nhà khoa học cần có.  Tính chuyên nghiệp của nhà khoa học lan toả rất nhanh đến đồng nghiệp và nhất là học trò của họ. Đó là việc có thể mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng khoa học. Và đúng như bạn nói, đó cũng là một tham vọng lớn. Nhưng mà nếu chỉ ngồi nghĩ mãi thì chả dám làm cái gì bao giờ, thì mình cứ bắt đầu rồi chắc sẽ có những người khác làm tiếp theo.

Sự thành công của quỹ cũng phụ thuộc rất lớn vào bản thân các nhà khoa học, những hạt nhân lan toả. Môi trường chúng ta giúp tạo ra càng tốt càng rộng lớn, thì công việc và cuộc sống của chính chúng ta cũng tốt theo như vậy.

Phóng viên: 5 năm tiếp theo của Quỹ VINIF liệu có gặp khó khăn nào không, khi những thành công ban đầu đã lớn hơn mức kỳ vọng của ông?

Giáo sư Vũ Hà Văn: 5 năm đầu, chúng tôi đã tạo ra nền móng của quỹ, xây dựng được đề cương hoạt động tương đối thành công. Văn hóa quỹ đã được định hình, tạo sự tin tưởng và có tính thuyết phục giới khoa học trong nước.

5 năm tới, chúng tôi cố gắng củng cố nền móng đó với một văn hóa làm việc mới, để quỹ có sức lan tỏa mạnh hơn nữa trong cộng đồng khoa học công nghệ.

Ngoài việc hỗ trợ các dự án hay cá nhân cụ thể, Quỹ cũng muốn tạo ra tư duy để các nhà quản lý, các trường đại học khác có thêm những quỹ học bổng tài trợ tương tự như VINIF. Tôi hy vọng mọi người làm tốt, sẽ nhìn thấy trách nhiệm của mình để làm tốt hơn nữa. Đó là kỳ vọng lớn nhất của Quỹ. Nếu có thêm 4,5 quỹ nữa như VINIF, đời sống khoa học ở Viêt Nam sẽ có những chuyển biến nhanh và mạnh mẽ hơn nữa.

Phóng viên: Cùng với VINIF, Giáo sư còn nhiều công trình khoa học khác đang ứng dụng tại Việt Nam. Đâu là những tham vọng của ông cho các dự án này?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Hiện có 2 dự án mà tôi rất tâm huyết, vì khi ứng dụng rộng rãi, sẽ giúp ích nhiều cho đời sống hằng ngày.

Dự án đầu tiên chính là đưa các thành tựu nghiên cứu giải trình tự gene người Việt vào cuộc sống. GeneStory, công ty khởi nghiệp từ kết quả của các nghiên cứu này, đã và đang  xây dựng các gói xét nghiệm gene,  giúp y học điều trị cá thể. 

Các trường học có thể xây dựng những gói xét nghiệm cho trẻ con để giáo dục các em nhỏ chăm sóc sức khỏe bản thân từ nhỏ. Kết quả giải trình tự gene sẽ giúp cho các bố mẹ lựa chọn chế độ dinh dưỡng, thuốc phù hợp với cơ địa từng người.

Điều chúng tôi muốn đạt được ở đây là phổ biến y tế dự phòng. Y học dự phòng hướng tới các dịch vụ chi phí thấp, nhưng đi sớm,  để tránh được các chi phí cao và ảnh hưởng sức khoẻ khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. 

Điều chúng tôi hướng tới, chính là y tế dự phòng, đầu tư nhỏ nhưng tránh được nhiều ảnh hưởng sức khỏe về sau phải điều trị tốn kém.
Giáo sư Vũ Hà Văn

Dự án thứ 2 chúng tôi đang thực hiện tại Công ty VinBigdata chính là phát triển các trợ lý ảo tiếng Việt thông minh trong tư vấn ngân hàng, tài chính, luật, hành chính công, dựa trên các cơ sở dữ liệu lớn và mô hình toán học chúng tôi đã phát triển trong 5 năm vừa qua. 

Một sản phầm tieu biểu ở đây là trợ lý ảo Vivi tren xe Vinfast. Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu theo hướng AI tạo sinh để có thể mang lại những sản phẩm mới và tốt hơn trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như ngân hàng hay hành chính công.

Phóng viên: Liệu Việt Nam sẽ sớm có Chat GPT của người Việt phải không, thưa ông?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Chat GPT của open AI là một sản phẩm lớn, bao phủ nhiều ngôn ngữ cũng như lĩnh vực, và được đầu tư rất tốn kém. Nếu chúng ta muốn làm một sản phẩm theo phương pháp của họ mà lại đòi hỏi chính xác hơn nó, thì chúng ta không đủ điều kiện. 

Cách đi hợp lý ở đây có thể là chỉ tập trung cho tiếng Việt, và chú trọng vào  một số lĩnh vực cụ thể mà thông tin đòi hỏi tính chính xác cao (điều mà chatGPT cũng chưa đạt được) như tư vấn  tài chính, luật, hay lịch sử, văn hoá. Ngoài ra cần phát triển các ý tưởng khoa học mới để giảm thiểu đáng kể sự cồng kềnh mà các mô hình của openAI đang dùng. 

Chúng tôi hy vọng trong thời gian không lâu sẽ tạo ra được những sản phẩm thực sự có ích theo hướng đi này. 

Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư Vũ Hà Văn!