60 năm trước, sau nhiều cuộc quần thảo với các phi công tiêm kích lái máy bay hiện đại, tối tân, phi công Anh hùng ACE Nguyễn Văn Nghĩa nhận định, không quân Mỹ không có gì là “ghê gớm”. Ông bảo, chất anh hùng của người lính không quân Việt Nam được tôi luyện từ bên trong và khi đã bay lên trời, mang theo niềm tin, ắt sẽ đánh thắng. Cuộc đời ông, nhiều trận chiến trên không để lại cảm xúc không bao giờ quên.

Cú hạ gục máy bay đầu tiên trong trận Điện Biên Phủ trên không

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (đầu tiên, bên phải) trao đổi kinh nghiệm tác chiến với đồng đội. (Ảnh tư liệu)

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (đầu tiên, bên phải) trao đổi kinh nghiệm tác chiến với đồng đội. (Ảnh tư liệu)

Tính đến hết ngày 22/12/1972, ngày thứ 5 của chiến dịch, bộ đội Phòng không bắn rơi 28 máy bay Mỹ, trong đó có 13 chiếc B52, bộ đội Không quân vẫn chưa lập được chiến công nào. “Anh em phi công chúng tôi rất nóng lòng, ý chí sục sôi, tự nhủ với lòng mình, phải lập công, giành chiến thắng trong những trận tiếp theo”, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa hồi tưởng lại thời điểm lịch sử của 60 năm trước, khi ông và đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời thủ đô trong trận “Điện Biên Phủ trên không”.  

Tháng 4/1972, Mỹ phát động trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc Việt Nam. Chúng tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên với cường độ đánh phá rất cao. B52 rải bom một dọc xuyên các vị trí trọng điểm, rất nhiều người thương vong. Phi công của ta có những cuộc không chiến liên miên để đánh trả các trận không kích đánh phá miền bắc của không quân Mỹ.

Máy bay B52 của Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền bắc. 

Máy bay B52 của Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền bắc. 

Ngày 23/12/1972, theo tin tình báo, Không quân Mỹ sẽ sử dụng 80 lần chiếc tiêm kích bom chiến thuật, tiếp tục đánh phá các mục tiêu quanh khu vực Hà Nội. Số lượng máy bay MiGCAP, đối phó với MiG chiếm tỷ lệ 60%. Trong lúc ông đang tham gia bay huấn luyện cho phi công trẻ của Trung đoàn 927 thì được Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị gọi lên, giao nhiệm vụ xuất kích chiến đấu. Biên đội của ông gồm 2 máy bay MiG-21, một chiếc do ông điều khiển (số 1) và một chiếc do Lê Văn Kiền điều khiển (số 2).

Ông kể: “Khi đó, trình độ trên MiG-21 của tôi khá điêu luyện. Sau trận đối đầu với Không quân Mỹ ở Nghệ An và nhiều trận xuất kích ở khu 4 giúp mình có niềm tin và sự đĩnh đạc”.

Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã phải trả giá bằng một thất bại thảm hại, một trận thua vô điều kiện. Quân và dân thủ đô Hà Nội mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân, đã bắn rơi 81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52; 21 chiếc F4; 5 chiếc F111; 12 chiếc A7; 4 chiếc A6A; 2 chiếc RA5C; 1 chiếc F105; 1 chiếc HH53; 1 chiếc 147SC. Trong chiến dịch này, bộ đội không quân đã bắn hạ được 8 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc B52, 5 chiếc F4 và 1 chiếc RA5C, góp phần cùng toàn quân, toàn dân lập nên kỳ tích chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” làm chấn động thế giới, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước.

Lúc này, phi công trẻ nhận thấy trận chiến phức tạp vì lực lượng không quân địch làm nhiệm vụ MiGCAP khá đông, đã có ý đồ sẵn sàng tấn công MiG. Khoảng 3 giờ 30 phút sáng, biên đội của phi công Nguyễn Văn Nghĩa ra sân bay và đến 13 giờ 40 phút, biên đội được lệnh cất cánh, chặn đánh đội hình cường kích từ Sầm Tơ bay vào Suối Rút-Hòa Bình

Trong lúc giữ cự ly đội hình chiến đấu với phi công số 2 là Lê Văn Kiền, phi công Nguyễn Văn Nghĩa phát hiện 2 bên biên đội đều có tốp 4 chiếc F4 của đối phương, chúng sẵn sàng hỗ trợ nhau để khống chế MiG. Trong giây lát cân nhắc, ông quyết định chọn hướng đánh thẳng vào tốp gần nhất bên phải.

Cơ thể ông bắt đầu nóng ran, mặt phù lên vì phải liên tục chịu gia trọng lớn từ các động tác kỹ thuật kịch liệt.

Ông hồi tưởng: “Sau khi lệnh cho số 2 vứt thùng dầu phụ, bật tăng lực tấn công chiếc F4 số 4 bên trái, tôi giữ chế độ tăng lực toàn phần, nhanh chóng áp sát vào mục tiêu, công kích chiếc số 3 bên phải. Trong tình thế số lượng F4 quá nhiều, vòng trong, vòng ngoài quanh chúng tôi, chúng đã phát hiện máy bay MiG, nhanh chóng triển khai đội hình tấn công, phóng tên lửa tới tấp về phía MiG. Biên đội vừa tránh đạn vừa tạo thế đánh, cứ như vậy, để chớp được một tình thế có lợi quả là khó khăn”.

Cơ thể ông bắt đầu nóng ran, mặt phù lên vì phải liên tục chịu gia trọng lớn từ các động tác kỹ thuật kịch liệt. “Tưởng chừng như bất lực”, ông nhớ lại. Đúng lúc này, ông chiếm lĩnh được vị trí có lợi phía sau đối phương, đưa chiếc F4 vào vòng ngắm.

“Chiếc MiG của tôi lao nhanh về phía mục tiêu, ở cự ly bắn hiệu quả, bằng đường ngắm kinh nghiệm, tôi ấn nút phóng tên lửa! Máy bay F4 "Con ma" lập tức bốc cháy, số 2 của tôi reo vang trong máy: "Cháy rồi!”, gương mặt ông rạng rỡ khi nhớ lại khoảnh khắc này.

Niềm vui của người lính không quân bấy giờ là diệt được mục tiêu và thấy đồng đội cùng trở về an toàn. Nhưng tình thế khó khăn ngay lập tức đặt ra là sân bay Đa Phúc bị Mỹ phong tỏa, đường băng chính bị đánh phá. Sở chỉ huy cho phép biên đội bay ra khu vực Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc, giữ độ cao 4.000m nhảy dù. Nhưng Nguyễn Văn Nghĩa đã không thực hiện việc này.

Tôi hỏi ông vì sao không nhảy dù, bảo toàn tính mạng cho mình, ông chậm rãi kể: “Trong giây lát cân nhắc, tôi quyết định không nhảy dù, lẳng lặng bay vào sân bay để hạ cánh xuống đường lăn, sẵn sàng tính đến phương án hạ cánh xuống đường kéo dắt máy bay ra chân núi Tam Đảo. Tôi không đành lòng vứt bỏ chiếc MiG thân yêu, khi nó vẫn đang "ngoan ngoãn" nghe theo sự điều khiển của mình. Ngày chiến thắng sắp đến gần, chắc chắn Mỹ phải thua, đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Lực lượng phi công còn không nhiều, nếu nhảy dù, nhẹ nhất cũng phải mất một thời gian mới bay lại được. Hạ cánh cho dù máy bay có hư hỏng vẫn có thể lên máy bay khác tiếp tục chiến đấu”.

Vì thế, ông quyết định hạ cánh xuống đường lăn sân bay, rất may con MiG chạy xả đà mà không bị cáng vào viên đá nào, đưa máy bay về nơi an toàn. “Đó là niềm sung sướng, hạnh phúc vô cùng mãnh liệt khi mình bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ”, ông nói.

Niềm vui của phi công Nguyễn Văn Nghĩa còn nhân đôi khi chính chiến thắng này đã khai thông thêm nhiều chiến thắng cho không quân ta trong những ngày xuất kích tiếp theo, liên tiếp bắn rơi thêm 7 máy bay nữa của giặc Mỹ, trong đó có 2 pháo đài bay B52.

“Chiếc máy bay tôi bắn rơi ngày 23/12/1972 là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, mà tôi vinh dự lập công, cũng là chiếc máy bay Mỹ thứ 6 mà tôi bắn hạ. Đó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời phi công của tôi”, ông Nghĩa tự hào nói.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Phó sư đoàn trưởng về chính trị Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân, là một trong những phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong cuộc đọ sức 12 ngày đêm tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội.

Những cảm xúc đặc biệt trên không

---
Những chiến thắng có được là do mỗi phi công được tôi luyện chí khí anh hùng từ bên trong.

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa

“Cuộc đời tôi có 3 cảm xúc đặc biệt ấn tượng khi chiến đấu trên không”, ông chậm rãi kể. Cảm xúc đặc biệt ấn tượng đầu tiên trong đời làm phi công của ông chính là cuộc đụng độ đầu tiên với phi công tiêm kích Hoa Kỳ trên bầu trời Nghệ An vào ngày 6/3/1965. Khi đó, ông đang lái MiG-21.

Nghe nhiều về danh tiếng phi công Mỹ rất lành nghề, có lịch sử hàng trăm năm và thạo chiến đấu trên phương tiện tối tân, vì thế, ông muốn thử đối đầu trực diện với phi công Mỹ trên trời để đánh giá khả năng trình độ kỹ thuật phi công Mỹ và mình như thế nào. “Lúc đầu rất hồi hộp, nhưng sau chuyến đụng độ đó thì mình kết luận, Mỹ cũng không có gì đáng sợ cả. Mình phải tự tin. Với người lính phi công, khi đã bay lên trời, nếu không có niềm tin, sẽ không đánh thắng được”, ông Nghĩa nói.

Cuộc “quần nhau” kéo dài chừng 10 phút, nhưng chất chứa đầy cảm xúc. Máy bay MiG-21 mà ông Nghĩa điều khiển chỉ nặng 9 tấn, trong khi máy bay F-4 và F-8 nặng hơn 20 tấn. Bán kính vòng của F-4 rất hẹp vì có cánh tà trước nên khi ông Nghĩa bám được bán cầu phía sau của F-4 thì nó lại quay ngoắt đối đầu với mình, khiến cuộc giao tranh bất phân thắng bại.

Bảy năm sau, ông lần lượt trải qua thêm 2 cảm xúc đặc biệt trong đời lính không quân của mình, đó là lập kỳ tích bắn rơi máy bay đầu tiên và chiếc máy bay cuối cùng trong cuộc chiến 12 ngày đêm oanh liệt bảo vệ bầu trời thủ đô. Ông bảo, đây là cảm xúc tột đỉnh hạnh phúc bởi ông đã góp phần chấm dứt cuộc chiến ném bom B52 tại miền bắc, chấm dứt sự tàn khốc trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc của Mỹ.

Nhớ lại thời điểm tàn khốc đó, ông bảo: “Cô tính xem, một máy bay B52 mang được 30 tấn bom, một đội hình 3 máy bay rải thảm gần 100 tấn bom, trên vệt rải bom đó không nơi nào còn sự sống. Sự tàn khốc đó khiến sự căm phẫn của mình dâng cao. Trong lòng ai cũng quyết chiến để Mỹ biết lễ độ. Ai cũng khát vọng đất nước, thủ đô bình yên trở lại”. Sau 12 ngày đêm, chúng ta đã bắn được 34/193 chiếc B52, lập nên chiến công oanh liệt, vĩ đại và hào hùng của quân dân thủ đô Hà Nội nói chung và không quân Việt Nam nói riêng.

Tự hào về những đồng đội không quân của mình kiêu hãnh, oai hùng trên bầu trời, ông bảo, những chiến thắng có được là do mỗi phi công được tôi luyện chí khí anh hùng từ bên trong. Rồi ông nói thêm: “Mình xác định hạ cánh có thể chết nhưng vẫn hạ cánh. Nếu hạ cánh sống thì lên máy bay khác đi chiến đấu, nếu hy sinh thì xanh cỏ. Chất anh hùng là ở chỗ đó”.

PHI CÔNG NGUYỄN VĂN NGHĨA

  • Phi công Nguyễn Văn Nghĩa sinh ngày 3/5/1946 tại Quảng Ngãi.
  • Tháng 6/ 1965, ông trúng tuyển phi công quân sự và được đưa đi đào tạo lái máy bay Mikoyan-Gurevich MiG-21 tại Trường Không quân Serov-Krasnodar ở thành phố Krasnodar của Liên bang Xô Viết.
  • Ngày 8/4/1968, ông tốt nghiệp khóa đào tạo và quay trở về nước, chiến đấu trong Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ)
  • Ngày 3/9/1973, phi công Nguyễn Văn Nghĩa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Ngày 20/12/1979, Trung đoàn 935 mà ông làm Trung đoàn Trưởng được phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Nguyễn Văn Nghĩa là phi công đạt đến cấp độ ACE trong chiến tranh Việt Nam, một danh hiệu dùng để phong cho những phi công đã bắn rơi từ 5 máy bay đối phương trở lên.

Sau khi lập những chiến công xuất sắc, các phi công tiêm kích của Không quân miền bắc Việt Nam được giao nhiệm vụ bay vào khu 4 trực để khuấy đảo, yểm hộ, tiêu diệt các loại máy bay, trong đó có B52, để tạo điều kiện cho lực lượng miền bắc chi viện cho miền nam kịp thời. Một nhiệm vụ quan trọng lúc này của không quân là cảm tử quân, sẵn sàng quyết chiến tại vĩ tuyến 17 để đánh chặn kẻ địch. “Ý chí giải phóng đất nước đang dâng cao”, ông Nghĩa nói.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, một phi đội gồm 12 máy bay tiêm kích MiG-21 do phi công, Đại đội trưởng (nay là Phi đội) Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu, cất cánh từ sân bay Kép (Bắc Giang) hạ cánh xuống sân bay Đa Phúc nạp dầu đầy, tiếp tục cất cánh bay vào thành phố Biên Hòa. Khi đó, cả phi đội bay bằng mắt thường, hoàn toàn không có ra-đa.

Xác máy bay B52 của Mỹ bị bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Xác máy bay B52 của Mỹ bị bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ngày 15/5, Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bay diễu binh tại Thành phố Hồ Chí Minh để ăn mừng chiến thắng. Trên lễ đài có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên anh em ai cũng rất tự hào.

“Để thể hiện sức mạnh của không quân nhân dân Việt Nam với bà con Thành phố Hồ Chí Minh, các MiG-21 quyết định bay thấp. Tiếng ré của MiG-21 khi tăng lực âm vang cả khoảng trời, thể hiện sức mạnh của đội quân chiến thắng, kết nối niềm vui chiến thắng giữa nhân dân hai miền nam-bắc. Sau này tôi tìm hiểu thì biết người dân thành phố khi nghe tiếng gầm thét của 4 chiếc tăng lực, ai cũng thấy rùng mình và bảo: hóa ra không quân nhân dân Việt Nam cũng ghê gớm”, ông Nghĩa cười.  

Ngày 15/5/1975, sau khi tiếp quản sân bay Biên Hòa, triển khai lực lượng trực chiến thì đến 16/6/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung đoàn 935 và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Nghĩa: “Nhiệm vụ của Trung đoàn lúc này là phải nhanh chóng làm chủ các loại máy bay thu được của Mỹ-ngụy. Chiến trường của Trung đoàn là biên giới Tây Nam Tổ quốc”.

Từ năm 1977, Trung đoàn 935 làm chủ máy bay chiến lợi phẩm, thực hiện nhiệm vụ bay thử máy bay, đào tạo phi công và bảo vệ biên giới biên giới Tây Nam Tổ quốc và giải phóng Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng Pôn Pốt. Trung đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 20/12/1979.  

Cả cuộc đời binh nghiệp, đến giờ điều phi công ACE Nguyễn Văn Nghĩa tự hào nhất là đã lập được nhiều chiến tích “lần đầu tiên” trong cuộc không chiến trên không và chưa từng bị kỷ luật. Ông bảo, ước mong lớn nhất của người phi công tiêm kích chiến đấu là bắn hạ máy bay quân thù, được bay, được không chiến với đối phương để so găng trình độ và bản lĩnh. Mỗi khi chiến đấu, ai cũng hiểu chiến tranh tàn khốc và có thể hy sinh bất kỳ lúc nào, nhưng tình yêu Tổ quốc là động lực cho các phi công vượt qua mọi nguy hiểm.

Nhìn đất nước non sông liền một dải, ông càng thấy tự hào vì được góp một phần sức mình vào công cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian 3 năm, tự tay gõ máy tính cuốn tự truyện “Không chiến” dài hơn 800 trang. Cuốn sách của ông tái hiện lại nhiều câu chuyện lịch sử của lực lượng phòng không trong nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Trước khi chia tay, ông đặt vào tay tôi cuốn sách và dặn, đọc hết đi để hiểu phẩm giá của những người phi công Không quân nhân dân Việt Nam, và các nhà báo cần phải truyền tải đi thông điệp: “Người Việt Nam nào mà không biết lịch sử là có tội với dân tộc”.

Ngày xuất bản: 2/4/2025
Tổ chức thực hiện: PHẠM TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: THẢO LÊ-THIÊN LAM-NGỌC BÍCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT