Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội

Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những đánh giá, nhận định sâu sắc, khách quan, từ đó rút ra những bài học, đề ra các giải pháp, phương hướng quan trọng cho sự phát triển đất nước trong những năm tới.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Ðảng, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Tuyên Quang xây dựng mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân hơn 8%/năm; đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện trong khu vực miền núi phía bắc.

Ðể thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang đề ra ba khâu đột phá là: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Thực hiện ba khâu đột phá này, tỉnh Tuyên Quang xây dựng năm nhiệm vụ trọng tâm là: Thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên thực hiện các khâu đột phá. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường. Tăng cường xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ, tỉnh đề ra một số giải pháp cơ bản. Ðó là, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp và một số cây trồng có lợi thế, từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên mặt nước sông, hồ thủy điện để nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, chú trọng các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao. Quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 65%. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả ngành lâm nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến với người trồng rừng, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững.

Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Rà soát, tích hợp bổ sung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, triển khai xây dựng, thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghệ thông tin.

Lê Thị Kim Dung

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang