Huy động tổng lực thực hiện dự án đường vành đai 3

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc để dự án kết nối hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả nhất.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo dự án của thành phố về đầu tư xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của thành phố; là cơ quan đầu mối trao đổi, phối hợp Tổ công tác của Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh như kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đơn vị được giao thực hiện dự án) và các đơn vị liên quan của thành phố lập kế hoạch chi tiết hội nghị triển khai dự án đường vành đai 3.

Một trong những nhiệm vụ phức tạp và được xem là quan trọng nhất của bất cứ dự án hạ tầng nào chính là đền bù giải phóng mặt bằng. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi thực hiện các thủ tục liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng như điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Qua thống kê, toàn dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong đó, có khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư (riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 741 hộ) với khái toán kinh phí hơn 41 nghìn tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch sơ bộ phương án tổ chức thực hiện công tác tái định cư theo quy định như: Chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh mở ra cơ hội nếu các địa phương liên quan tận dụng "lấy đất nuôi công trình" từ việc tạo quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, chia sẻ phần nào nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp. Ước tính, khi mở đường vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 2.413ha đất, trong đó khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý có thể khai thác bán đấu giá khoảng 26.985 tỷ đồng.

Nhằm kết nối hạ tầng xuyên tâm cũng như kết nối với các đường cao tốc hiện hữu, qua đó phát huy hiệu quả của hệ thống giao thông liên vùng từ đường vành đai 3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị về việc kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái, Phú Hữu vào đường vành đai 3 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Theo các chuyên gia lĩnh vực giao thông, cảng Cát Lái là cảng lớn nhất nước ta với sản lượng hàng hóa chiếm 85% so với các cảng phía nam và 50% các cảng trên cả nước, do vậy, chủ trương đầu tư hạ tầng kết nối, liên thông với đường vành đai 3 cần được Trung ương đầu tư đồng bộ ngay từ bây giờ.

Ðường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án giao thông có tính kết nối liên vùng ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam duy nhất đến thời điểm này, khi đưa vào sử dụng sẽ giao thương giữa các địa phương, phát triển kinh tế-xã hội toàn diện cho cả khu vực rộng lớn, năng động và thu hút các nhà đầu tư. Do đó, cùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, tập trung tổng lực, cộng đồng trách nhiệm nhằm hoàn thành và đưa dự án vào khai thác trong năm 2026… ■

VÕ LÊ