Huy động mọi nguồn lực để phát triển bền vững

Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, với nhiều chính sách huy động sự tham gia của nhiều lực lượng trong xã hội. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn đang tồn tại rất nhiều thách thức. Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Trí Tín (ảnh bên) - Quản lý Chương trình Bảo tồn động vật hoang dã, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam), về những trăn trở chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Huy động mọi nguồn lực để phát triển bền vững

- Với việc sở hữu nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học, Việt Nam đang gặp phải những thách thức gì trong công tác quản lý, thưa ông?

- Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành công trong việc quy hoạch và thiết lập hệ thống khu bảo tồn, nhưng công tác quản lý vẫn gặp nhiều thách thức, do chưa có một quy hoạch và quản lý chung, thống nhất toàn bộ hệ thống các khu bảo tồn phù hợp tiêu chí phân hạng, phân cấp theo quy định của Luật Đa dạng sinh học. Điều này dẫn tới sự chồng chéo và mâu thuẫn về phân hạng trong hệ thống, không thống nhất về phân khu chức năng và vùng đệm của các khu bảo tồn; nguy cơ suy giảm diện tích, giá trị đa dạng sinh học tại khu bảo tồn bởi tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển của con người.

Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của các khu bảo tồn cũng chưa thật sự đầy đủ, do thiếu thông tin về giá trị của đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của khu bảo tồn. Từ năng lực quản lý, nguồn lực đầu tư cho khu bảo tồn vẫn còn hạn chế, đến thông tin và cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học cũng thiếu cập nhật và chưa được hệ thống hóa.

- Vậy, phải làm gì để giải quyết những khó khăn trên, thưa ông?

- Theo tôi, cần theo sát để gỡ rối từng vấn đề. Trước hết, cần phải đẩy mạnh công tác điều tra về bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học. Qua đó, nắm rõ thông tin, hiện trạng đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, vùng đệm bao các khu vực rừng phòng hộ và sản xuất. Chúng ta cũng cần thiết lập hệ thống báo cáo, chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, thực hiện lượng giá giá trị đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các khu bảo tồn, tiến tới đưa các thông tin này vào hệ thống thống kê quốc gia.

Đồng thời, cần phải kiện toàn bộ máy và hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý về quản lý đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, tăng cường cải thiện năng lực quản lý, sự phối hợp giữa các ngành, các bên liên quan, đặc biệt giữa chủ rừng với cộng đồng để huy động nguồn nhân lực cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là giải pháp không thể thiếu.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước nhằm phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

- Bên cạnh những nỗ lực từ các cơ quan chức năng, làm thế nào để thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn đa dạng sinh học?

- Điều đáng mừng là Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, được lồng ghép trong các chính sách từ Luật Đất đai năm 2013 (người dân được coi là một chủ sở hữu hợp pháp về đất đai), Luật Lâm nghiệp năm 2017 (cộng đồng địa phương cũng đã được coi là một đối tượng chủ rừng hợp pháp, được Nhà nước giao rừng, được khai thác nguồn lợi và dịch vụ môi trường rừng theo quy định), Luật Thủy sản năm 2017 (Tổ chức cộng đồng được tham gia đồng quản lý nguồn lợi thủy sản).

Từ khi có Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đầu tiên năm 2013, Nhà nước đã khuyến khích và đẩy mạnh áp dụng các mô hình đồng quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, chú trọng sự tham gia và lợi ích của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm; và nhân rộng các mô hình quản lý khu bảo tồn thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng, thực hiện cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Từ đó, nhiều mô hình bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng đã được thiết lập và triển khai.

Thí dụ: Dự án thí điểm đồng quản lý tại Vườn quốc gia Tràm Chim khuyến khích người dân tham gia xây dựng Kế hoạch quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng dẫn của Ban quản lý Vườn quốc gia, và vận dụng linh hoạt kiến thức bản địa. Mô hình "doanh nghiệp du lịch tham gia quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên rạn san hô" xây dựng và thử nghiệm ở một số rạn san hô ở các khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa).

Đặc biệt, ngày càng có nhiều nhóm cộng đồng địa phương tự nguyện thực hiện các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã tại địa phương, kể cả khi chưa nhận được bất cứ nguồn hỗ trợ kinh phí nào, như nhóm cộng đồng bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nhóm tình nguyện bảo vệ đàn voọc đen má xám tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình… Tuy nhiên, việc huy động cộng đồng tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong các chính sách cụ thể ở từng địa phương.

UBND các tỉnh, thành phố cần có sự quan tâm, đầu tư tốt hơn đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã, như: bảo đảm kinh phí; xây dựng chính sách đặc thù để nâng cao đời sống người dân sống gần rừng và có sinh kế để giảm nạn săn bắt trái pháp luật; xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế hộ gia đình bền vững của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong vùng đệm; tạo lập môi trường, điều kiện cho các cộng đồng địa phương tham gia kiểm kê, quan trắc, giám sát đa dạng sinh học; đặc biệt là việc ban hành các chính sách, quyết định liên quan bảo tồn đa dạng sinh học cần phải lấy ý kiến thống nhất của cộng đồng địa phương một cách khách quan, minh bạch.

Ngoài ra, các cấp chính quyền cần có những chính sách khen thưởng, ghi nhận, động viên kịp thời cho các nỗ lực của cộng đồng địa phương khi tham gia bảo tồn đa dạng sinh học để tạo động lực khuyến khích nhân rộng mô hình trên cả nước.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!