Vo tròn, bóp bẹp mới ra... bánh dày! 

NDO - Thời đại kỹ thuật số, gần như tất tần tật mọi thứ đều có thể đổi thay vùn vụt. Vậy mà cái món bánh gắn liền với sự tích “trời tròn, đất vuông” người việt quen nghe đã mấy nghìn năm rồi, vẫn cứ vẹn nguyên hương vị quyến rũ, thanh tao...

Thời xửa thời xưa, từ đời Vua Hùng thứ 6, cậu út Lang Liêu nhờ thần linh báo mộng mới làm được hai món bánh vừa ngon lành, vừa mang ý nghĩa sâu sắc, dâng lên làm đẹp lòng vua cha, đánh bại mọi thức sơn hào hải vị khác, và được truyền ngôi báu. Truyền thuyết về hai loại bánh chưng, bánh dày này người Việt nào cũng biết. Công thức thì đơn giản, nhưng để làm được tấm bánh ngon đòi hỏi không ít công phu, khéo léo. Trước kia bánh chưng, bánh dày thường chỉ có trong dịp Tết Nguyên đán. Còn bây giờ, trên cả nước, hầu như chợ nào quanh năm cũng có bánh dày, bánh chưng.

Bánh chưng ngon, từ bắc vào nam ít có sự khác biệt. Còn bánh dày, tùy tay nghề, nơi chỉ được xem như món quà rẻ tiền chóng no, nơi tự nâng lên hàng vưu vật tạo nên thương hiệu lừng lẫy. Có lần xuyên Việt vui bước ghé vào làng Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín - thời Hà Tây còn chưa nhập về Hà Nội, vùng đất nổi tiếng nhất nước về đặc sản bánh dày, chúng tôi ngồi quanh những chiếc chõng tre, thưởng thức hào hứng hết cả rổ bánh dày Quán Gánh. Ngon đến kinh ngạc! Vỏ bánh dẻo mềm, mát lịm được giã nhuyễn mịn bởi loại xôi đồ từ thứ nếp trắng thơm nhất từ ruộng đồng Hải Hậu, Nam Định. Nhân bánh vo bằng đậu xanh xào, loại mặn thì có thịt mỡ, tiêu, hành, loại ngọt thì quết với nước dừa, đường cát. Mỗi chiếc bánh đằm gọn một nắm tay tròn trịa, trắng muốt, gói kín trong mảnh lá chuối xanh mượt, ý vị thẹn thùng như nét duyên thôn nữ. Cắn nhè nhẹ miếng bánh mà... tiếc, nhưng không ngăn nổi cơn thèm xui mình xơi hết cả nắm bánh thanh tao, mũm mĩm, mượt mà.

Chẳng thế mà khách tây, khách ta ghé tới vùng đất thuần nông này đều thích thú học thuộc mấy câu hò vè dân gian, rồi tự đi gieo rắc khắp nơi để quảng cáo miễn phí:

Dù ai chồng rẫy, vợ chê

Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau

Ăn trước thì bảo người sau

Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng!

Dù nhân đậu, không nhân kẹp chả hay chấm muối vừng, kiểu ăn bánh dày ở vùng miền nào cũng khiến người ta cãi nhau mà chẳng dám quyết đoán viết thế nào cho đúng cái tên nguồn cội: Dày, Dầy hay Giầy? Thi hào Nguyễn Du có câu Kiều tuyệt diệu “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên!”, hoàn toàn không tả chuyện ăn uống, thế mà nghe ngâm, rất dễ liên tưởng tới cái bánh “vo tròn, bóp bẹp” này.

Cố học giả Trần Quốc Vượng từng táo bạo tuyên bố: Bánh chưng tròn dài tựa Dương vật, như cái chày, cái nõ. Bánh dày tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường. Ông còn nhận xét: Cái giỏi của Lang Liêu, cái con mắt tinh đời của Vua Hùng qua truyền thuyết bánh dày, bánh chưng chính là đã tìm cái phi thường trong cái... thường thường. Tìm món đặc biệt trong những của lạ nào có khó khăn gì!? Quả thật, chỉ từ chõ xôi, bơ đỗ mà sáng tạo nên loại bánh dày thơm ngon kỳ diệu đến vậy, hàng vạn nghệ nhân đã góp phần gìn giữ hương vị và sự thanh sạch cho món bánh dày Quán Gánh nghìn năm thiết nghĩ xứng đáng được tôn vinh trong lịch sử văn hóa và ẩm thực Việt!

* Tròn trịa, trắng muốt, gói kín trong mảnh lá chuối xanh mượt, ý vị thẹn thùng như nét duyên thôn nữ.